Cách Indonesia hóa giải “ác mộng” tắc đường ở thủ đô Jakarta

Thứ tư, 17/02/2021 10:16
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thủ đô Jakarta đã hóa giải được “cơn ác mộng” ùn tắc giao thông, từng gây thiệt hại hơn 4 tỷ USD mỗi năm.

Việc tăng cường hệ thống vận tải công cộng và hạ tầng vận tải thân thiện môi trường
giúp đường phố Jakarta trở nên thông thoáng hơn

Chiến lược phát triển hệ thống giao thông công cộng toàn diện của chính quyền Indonesia đã giúp Thủ đô Jakarta hóa giải được “cơn ác mộng” ùn tắc giao thông, từng gây thiệt hại hơn 4 tỷ USD mỗi năm.

Hạ tầng đồng bộ, thanh toán tiện lợi

Cách đây vài năm, nhắc đến Jakarta, người ta nghĩ ngay tới tắc đường - căn bệnh trầm kha khiến Indonesia thường xuyên đứng vị trí đầu bảng thế giới ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, thật bất ngờ, đầu tháng 11/2020 vừa qua, Jakarta đã được trao giải thưởng danh giá Giao thông vận tải bền vững 2021 toàn cầu (STA).

Giải thưởng STA do Viện Chính sách phát triển & giao thông phi lợi nhuận (ITDP) cùng Ủy ban STA xét duyệt, lựa chọn trao giải cho một thành phố đã thực hiện các chiến lược nhằm cải thiện hoạt động đi lại của người dân, giảm thiểu ô nhiễm không khí và cải thiện an toàn, khả năng tiếp cận cho khách bộ hành và người đi xe đạp. Để đạt được giải thưởng lần này, Jakarta đã vượt qua rất nhiều thành phố khác như: Frankfurt (Đức); Sao Paolo (Brazil); Bogota (Colombia); Buenos Aires (Argentina)…

Giám đốc điều hành Transjakarta (hệ thống vận tải xe buýt nhanh Jakarta), Tiến sĩ Agung Wicaksono cho biết, Jakarta phải phục vụ vận tải cho 20 triệu người/ngày ở nội đô và khu vực lân cận, cao gấp 4 lần Singapore (5 triệu người/ngày) nhưng mức độ tắc nghẽn lại được giảm tới mức chỉ đứng trên Singapore một bậc trong báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về những thành phố tắc nghẽn nhất khu vực.

Thành công này có được là nhờ chiến lược phát triển hệ thống giao thông công cộng toàn diện của chính quyền Indonesia.

Chỉ cách đây một năm, tắc nghẽn giao thông đã khiến Jakarta phải chịu thiệt hại tới 4,6 tỷ USD, buộc Tổng thống Joko Widodo phải thốt lên: “Jakarta không thể chìm đắm trong tắc nghẽn như thế này nữa”.

Tổng thống Joko Widodo khẳng định những hình thức phương tiện công cộng đa dạng tại Jakarta như tàu điện ngầm MRT, hệ thống đường sắt trọng tải nhẹ LRT, xe buýt Transjakarta, tàu kết nối sân bay… sẽ là biện pháp giải quyết triệt để tình trạng tắc nghẽn.

Với quyết tâm mạnh mẽ, chính quyền Thủ đô Jakarta nói riêng và Chính phủ Indonesia nói chung đã dốc toàn lực, hiện thực hóa chiến lược giao thông toàn diện từ hạ tầng đến hệ thống thanh toán.

Hạ tầng Indonesia đã thực sự lột xác sau khi hệ thống tàu điện ngầm MRT Jakarta (trị giá 350 tỷ USD) và hệ thống đường sắt trọng tải nhẹ LRT Jakarta ra mắt năm ngoái, đồng thời kết hợp xe minivan công cộng vào hệ thống xe buýt Transjakarta.

Bên cạnh đó, chính phủ còn xây dựng hệ thống thanh toán Jak Lingko, cho phép người dùng có thể linh hoạt sử dụng bất cứ phương tiện công cộng nào, hay chuyển từ phương tiện này sang phương tiện khác mà không cần lo tính toán giá vé hoặc cầm theo thẻ của mỗi loại. Với Jak Lingko, giá vé của tất cả các phương tiện được tính trên 1 nền tảng chung.

Một yếu tố đặc biệt khác làm nên thành công của Jakarta chính là nỗ lực không ngừng nghỉ để thúc đẩy hệ thống giao thông thân thiện môi trường như đường cho xe đạp và người đi bộ.

Tính đến thời điểm này, tổng chiều dài đường dành riêng cho xe đạp tại Jakarta đã lên tới 63km. 500km là mục tiêu cuối cùng mà chính quyền địa phương hướng tới. Nhờ thế, lượng người sử dụng xe đạp trên các tuyến đường chính của Jakarta tăng 10 lần.

Thay đổi tư duy quản lý

Ác mộng tắc đường từng gây thiệt hại hơn 4 tỷ USD cho Jakarta mỗi năm

Ngoài hạ tầng, Chính phủ Indonesia còn có sự thay đổi vượt bậc về tư duy và cách thức vận hành. Một trong số đó là nỗ lực củng cố Cơ quan Giao thông vận tải đường bộ, với trách nhiệm điều phối hạ tầng vận tải của hàng chục cơ quan Trung ương và địa phương.

Ông Unamil Asri, người đứng đầu cơ quan Giao thông và vận tải đường bộ thuộc Bộ Kế hoạch Indonesia cho biết: “Chính phủ cần phối hợp tất cả các dịch vụ vận tải, tạo điều kiện cho hành khách di chuyển từ khi bước ra khỏi nhà cho đến khi tới địa điểm họ mong muốn. Chẳng hạn như phương tiện để đưa người dân từ nhà tới bến xe buýt, sân ga hoặc từ đó tới nơi làm việc”.

Chiến lược này được kỳ vọng sẽ giúp tăng lưu lượng sử dụng giao thông công cộng từ 19% lên 60% và mở rộng mạng lưới bao phủ lên ít nhất 80% tổng số km đường bộ.

Ông Ahmad Yani, Giám đốc vận tải công cộng tại Bộ Giao thông Indonesia cho biết, thời gian đi lại trung bình của người dân Jakarta đã giảm còn một nửa, xuống 1,5 giờ/ngày.

Ngoài ra, còn một yếu tố khác không thể không nhắc tới chính là nỗ lực lôi kéo các công ty tư nhân để bù đắp lỗ hổng trong hệ thống giao thông công cộng, điển hình như sự tham gia của Go-Jek, một ứng dụng gọi xe của Indonesia. Chính phủ đã kết hợp Go-Jek và Grab Taxi Holdings để đưa đón khách ở những nơi mà xe buýt hay tàu điện không tới được.

Anh Muhammad Ridick, một người tham gia giao thông bằng xe máy, thường xuyên mất 5 giờ/ngày để di chuyển từ nhà tới nơi làm việc cách nhà 40km mong mỏi, trong tương lai, anh sẽ chuyển sang dùng giao thông công cộng vì hệ thống này đã khắc phục được nhiều khuyết điểm so với trước kia.

nhunghv

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)