Hàng triệu lao động trong ngành giao thông Mỹ lao đao, thậm chí đứng trước cảnh chết đói, tự sát và trầm cảm vì dịch bệnh Covid-19.
Dịch bệnh đẩy số lượng người sử dụng taxi chạm đáy, nhiều tài xế giàu kinh nghiệm thất nghiệp,
bên bờ vực nợ nần và không còn tiền mua thực phẩm
Người lao động trong ngành này đang nhìn về chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden với sự kỳ vọng lớn lao.
Nợ nần và đói khổ
Ông Joseph Palma, nhân viên dịch vụ khách hàng của Công ty Eulen Americ (nhà thầu của hãng hàng không American Airlines) phải cất xó bộ đồng phục hơn 10 tháng nay sau khi bị cho nghỉ việc vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Palma chỉ là một trong 123.300 nhân viên hàng không của Mỹ mất việc từ tháng 2 và trong 250.000 nhân viên khác thuộc tất cả các ngành hàng không, đường sắt, đường bộ của nước này mất việc làm, theo hãng tin CNN dẫn thông tin từ Cục Thống kê lao động của Mỹ. Bản thân các hãng hàng không cũng vừa chứng kiến 35 tỷ USD, tổng lợi nhuận tăng sau 1 thập kỷ, bốc hơi chỉ trong một năm vì dịch bệnh.
Trong gói cứu trợ mới nhất được Quốc hội Mỹ thông qua dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, có khoảng 15 tỷ USD được phân bổ cho các hãng hàng không đặt trụ sở tại Mỹ, qua đó có khoảng 32.000 nhân viên hàng không được quay trở lại làm việc tính đến cuối tháng 3/2020. Nhưng, cũng như bao nhân viên hợp đồng khác, ông Palma không có tên trong danh sách. Các hãng bay bao giờ cũng ưu tiên những nhân viên chính thức.
Đến nay, vẫn còn hàng trăm nghìn người đang lay lắt sống vì không thể đi làm do ngành công nghiệp giao thông tê liệt.
Chia sẻ về cuộc sống thất nghiệp, ông Palma cho biết: “Đây thực sự là khoảng thời gian vô cùng khó khăn. Tôi đã dùng cạn tiền tiết kiệm để trả các loại hóa đơn, tiền thuê nhà, tiền thực phẩm”.
Vì không còn đủ tiền ăn nên ông Palma buộc phải trả lại căn nhà đang thuê với giá 1.125 USD/tháng, chi hết số tiền 275 USD/tuần từ trợ cấp thất nghiệp để thuê một phòng nhỏ, sống lay lắt nhờ phiếu thực phẩm. Hết phiếu, ông chi li từng đồng và chọn đồ gần hết hạn để giảm chi phí.
“Đó là cách duy nhất để tôi kiếm đồ ăn lúc này. Đồ ăn gần hết hạn rẻ hơn được gần một nửa”, ông chia sẻ và nói thêm: “Có khi chẳng đủ tiền để đi phương tiện công cộng, tôi phải lang thang đi bộ để tìm việc mong có thêm tiền trang trải nhiều khoản nợ ngập đầu khác từ bệnh tật và những khoản nợ thời sinh viên”.
Một hoàn cảnh điển hình khác trong ngành giao thông Mỹ là của ông Gerson Fernandes, lái xe taxi vàng - vốn là biểu tượng của New York. Những người lái taxi truyền thống như ông vốn đã rất khó khăn vì cuộc chiến khốc liệt với taxi công nghệ, nay gần như bị triệt luôn công việc vì dịch bệnh.
Ông mua phù hiệu taxi để được phép hoạt động độc lập từ năm 2003 với giá 245.000 USD và vẫn đang phải trả góp hàng tháng. Kể từ khi dịch bệnh bùng nổ, người lái taxi với 21 năm kinh nghiệm này không còn đủ khả năng thanh toán khoản tiền trả góp 3.000 USD/tháng nữa.
Hiện tại, ông Fernandes cũng nhận được trợ cấp thất nghiệp theo chương trình Hỗ trợ Thất nghiệp vì dịch bệnh trong thời gian TP New York tạm phong tỏa và dừng nhận sau khi thành phố mở cửa trở lại.
Nhưng do dịch hoành hành nên lượng khách vẫn chạm đáy, có thời điểm số chuyến taxi vàng giảm 90%, còn lượng taxi công nghệ giảm 85% nên cuộc sống của cánh tài xế như ông gần như rơi vào bế tắc. “Tôi đã cố gắng hết sức nhưng tình hình như thế này, tôi không biết còn cố được đến đâu và làm gì bây giờ?”, ông Fernandes kêu trời.
Trầm cảm và tự sát
Những thuyền viên bị kẹt trên tàu biển du lịch giăng biểu ngữ biểu tình
với nội dung: “Các ông còn muốn bao nhiêu người tự sát nữa?”
Ở một góc khác, trên những con tàu du lịch biển từng được mệnh danh như những thành phố nổi giữa đại dương của Mỹ nay trở thành những “thành phố ma” khi không thể hoạt động vì dịch.
Đặc biệt, từ tháng 4/2020, do các công ty tàu biển không ký thỏa thuận với Trung tâm Kiểm soát và Phòng tránh dịch bệnh Mỹ (CDC) để thực hiện trách nhiệm sắp xếp phương tiện vận tải đưa đón tàu viên vào đất liền vì lý do đắt đỏ, nhiều thuyền viên bị nhỡ thời gian rời tàu, họ phải sống trong khoang cabin nhỏ hẹp và không được trả lương.
Trong cảnh sống khổ cực, lênh đênh, chưa biết đến bao giờ mới được về với gia đình, nhiều thuyền viên đã tự sát vì trầm cảm. Theo báo cáo từ Bloomberg, đã có rất nhiều nhân viên tàu tự vẫn trong thời gian cách ly.
Về phía các doanh nghiệp, ông Chris Chiames, Giám đốc truyền thông của Tập đoàn tàu biển Carnival nổi tiếng cho biết: “Chúng tôi rất đau lòng khi nghe tin về những thuyền viên qua đời và gửi niềm tiếc thương sâu sắc tới gia đình, người thân của họ”. Ông Chiames khẳng định, công ty có hỗ trợ tư vấn tâm lý cho các thuyền viên nhưng người lao động không cảm thấy thỏa đáng.
Trên con tàu mang tên Navigator of the Seas thuộc Tập đoàn Royal Caribbean, nhiều thuyền viên tuyệt thực để biểu tình đòi được đưa về đất liền. Một đội nhân viên khác trên tàu Majesty of the Seas cũng thuộc tập đoàn này đã treo biển biểu tình với dòng chữ: “Các ông còn muốn bao nhiêu người tự sát nữa?”.
Theo hãng tin Bloomberg, một số gia đình thuyền viên đã đệ đơn kiện các công ty tàu biển, trong đó có gia đình thuyền viên tên Jozsef Szallers (28 tuổi) vừa được phát hiện chết trên tàu Carnival Breeze hồi tháng 5 vừa rồi.
Trông chờ quyết sách của ông Biden
Ông Joe Biden bước vào Nhà Trắng khi dịch bệnh đã hoành hành, trở thành 1 trong 4 cuộc khủng hoảng và tất cả đều cấp thiết, cần được xử lý.
Hiện tại, trước những ánh mắt trông mong vào quyết sách của chính quyền mới, để giải quyết bài toán trong ngành công nghiệp vận tải, ông Joe Biden chú trọng vào dập dịch để sớm đưa hoạt động giao thông thông suốt.
Một trong những sắc lệnh đầu tiên ông ký khi ngồi vào bàn Tổng thống là tăng cường an toàn trong vận tải nội địa và quốc tế như bắt buộc đeo khẩu trang tại tất cả các sân ga, sân bay, bến xe, tàu thuyền... điều mà chính quyền người tiền nhiệm thờ ơ.
Trong thời gian tới, tân Tổng thống Mỹ tiếp tục tăng cường đầu tư vào hạ tầng vừa cải thiện hoạt động vận tải vừa giúp tạo thêm việc làm lương cao.
Tuần vừa qua, người được ông Biden chọn làm Bộ trưởng Giao thông Mỹ Pete Buttigieg khẳng định: “Bộ Giao thông Mỹ sẽ đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch khôi phục nền kinh tế, qua việc hiện thực hóa kế hoạch của Tổng thống Biden về tầm nhìn hạ tầng, tạo ra hàng triệu việc làm lương cao”.