Đông Nam Á sẽ phát triển ngành công nghiệp xe điện theo hướng nào?

Thứ sáu, 12/03/2021 16:02
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tính đến năm 2030, Đông Nam Á sẽ đầu tư tới 6 tỷ USD vào xe hơi điện và cần thêm 500 triệu USD vào hạ tầng sạc.

VinFast được nhận định là một trong những nhân tố tạo đà phát triển cho xe điện khu vực

Quá trình điện hóa các phương tiện vận tải trên thế giới đang đến gần tới ngã rẽ khi nhiều nước như Nhật, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức… xác định sẽ loại bỏ hoàn toàn xe sử dụng động cơ đốt trong… ngay trong khoảng đầu thập kỷ tới và thay bằng xe điện. Vậy, khu vực Đông Nam Á có thể đi theo hướng nào trong tiến trình này?

Tăng đầu tư thêm 6 tỷ USD cho ô tô điện

Trước sự quyết liệt của các cường quốc trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản hay tại phương Tây trên đường đua xe điện, các nước Đông Nam Á đang nổi lên là điểm sáng của thế giới với sự năng động và giàu tiềm năng. Đây là động lực để thúc đẩy mạnh hơn tiến trình điện hóa các phương tiện vận tải đường bộ.

Tờ Bangkok Post dẫn phân tích từ tổ chức cố vấn hàng đầu Bain & Company (Mỹ) cho biết, tính đến năm 2030, khu vực này sẽ đầu tư tới 6 tỷ USD vào xe hơi điện và cần thêm 500 triệu USD vào hạ tầng sạc. Tổ chức cố vấn của Mỹ dự báo, mức đầu tư sẽ tăng mạnh nhất sau năm 2025.

Thực tế, Đông Nam Á chú ý đến xe điện từ cách đây 4 năm nhưng đến thời điểm gần đây, thị trường xe điện trong khu vực vẫn chưa thực sự sôi nổi. Nguyên nhân chính là do chi phí đầu tư phát triển xe còn cao, thiếu hạ tầng sạc, niềm tin của người dân với xe điện còn thấp...

Hiện tại, đất nước có sự dịch chuyển về xe điện nổi bật nhất trong khu vực Đông Nam Á chính là Singapore. Bộ trưởng Bộ Giao thông Singapore Ong Ye Kung công bố mục tiêu đầy tham vọng là chỉ 4 năm nữa, nước này sẽ cấm hoàn toàn xe hơi và taxi chạy bằng nhiên liệu diesel, chưa tính xe xăng.

Trước đó, Chính phủ Singapore cũng đặt ra “Kế hoạch Xanh” đến năm 2030 với sự tham gia của liên bộ. Quốc đảo sư tử còn thay đổi mục tiêu số lượng trạm sạc, tăng lên 60.000 trạm trên toàn quốc trong 9 năm tới, gấp đôi so với mục tiêu ban đầu là 28.000 trạm.

Thái Lan mới đặt ra lộ trình phát triển xe điện, đó là đến năm 2025, nước này sẽ sản xuất 250.000 xe thuần điện, đồng thời phát triển một trung tâm xe điện của cả khu vực ASEAN.

Tại quốc đảo Indonesia, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ký thêm luật thúc đẩy phương tiện vận tải đường bộ sử dụng pin và cũng muốn thành lập một trung tâm xe điện của ASEAN. Gần đây, Indonesia đã hoàn tất những bước cuối cùng để Tesla đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất pin ô tô điện, tận dụng nguồn niken tại đây.

Cách đi của Đông Nam Á sẽ khác

Tuy nhiên, theo các chuyên gia Dale Hardcastle, Francesco Cigala, Sharad Apte, là đối tác của Bain & Company ở các nước Đông Nam Á, đa phần thị trường khu vực sẽ không phát triển theo hướng giống như các nước châu Âu, trong đó lấy xe hơi cá nhân làm mục tiêu chuyển đổi đầu tiên.

Các chuyên gia của Bain & Company cho rằng, trong cuộc cách mạng điện hóa vận tải đường bộ, các nước trong khu vực Đông Nam Á có thể chọn cách chú trọng vào các loại phương tiện điện khác như xe máy, phương tiện công cộng rồi mới đến xe hơi.

Chẳng hạn tại Singapore, sẽ rất khó bắt gặp một chiếc xe hơi cá nhân chạy bằng điện tại đây nhưng tìm một chiếc taxi chạy bằng điện lại dễ dàng.

Theo Quốc vụ khanh cấp cao về giao thông Singapore Amy Khor: “Hiện nay, trên đường phố Singapore, người ta có thể bắt gặp tới quá nửa xe taxi là xe lai điện hoặc xe điện (EV), tỷ lệ này tăng 18% so với 3 năm trước”.

Bên cạnh đó, ASEAN còn là thị trường xe máy điện lớn nhất trên thế giới, dự kiến sẽ tiếp tục tăng thêm 3%/năm đến hết năm 2030. Hiện tại, cả Indonesia và Việt Nam - những thị trường lớn cho xe 2 bánh - đều cân nhắc thúc đẩy sử dụng rộng rãi xe đạp và xe máy điện.

Mặt khác, các chuyên gia của Bain & Company cho rằng, thị trường ASEAN còn mang lại cơ hội cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực xe điện. Bởi, các hãng sản xuất ô tô kỳ cựu sẽ tập trung vào những thị trường lớn, trọng yếu như Trung Quốc, châu Âu để phát triển xe điện trước và chưa dành nhiều quan tâm tới thị trường ở Đông Nam Á.

Hiện tại, đã có một số công ty trong khu vực Đông Nam Á cân nhắc sản xuất xe điện nội địa như: Dyson ở Singapore; Energy Absolute tại Thái Lan và tham vọng của nhà sản xuất ô tô đầu tiên tại Việt Nam - VinFast...

VinFast được trang báo ASEAN Today đánh giá là một trong những nhân tố quan trọng tạo đà phát triển cho ngành công nghiệp xe điện khu vực. Ngoài tham vọng tự sản xuất xe hơi điện, VinFast còn dự định sản xuất 250.000 xe máy điện/năm. Doanh nghiệp này có thể thu về lợi ích sớm ngay khi tương lai xe điện ở Đông Nam Á thành hiện thực.

nhunghv

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)