Việc Trung Quốc ngày 26/12 đưa tàu khách cao tốc với tốc độ nhanh nhất thế giới 350km/h vào phục vụ trên tuyến đường sắt Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc)-Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông) khiến cho các hãng hàng không Trung Quốc có đường bay Vũ Hán-Quảng Châu và chiều ngược lại thực sự lo ngại.
Việc Trung Quốc ngày 26/12 đưa tàu khách cao tốc với tốc độ nhanh nhất thế giới 350km/h vào phục vụ trên tuyến đường sắt Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc)-Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông) khiến cho các hãng hàng không Trung Quốc có đường bay Vũ Hán-Quảng Châu và chiều ngược lại thực sự lo ngại.
Tuyến đường sắt cao tốc trên dài 1.068km với lợi thế thời gian chạy tàu rút xuống chưa đầy 3 tiếng đồng hồ so với hơn 10 tiếng đồng hồ trước đây.
Chủ tịch Hãng hàng không Phương Nam Trung Quốc (CSA) Tư Hiến Dân cho biết tàu khách cao tốc có 3 lợi thế so với hàng không là thoải mái, đúng giờ và an toàn hơn. Điều này khiến cho thị trường của hàng không bị thu hẹp trước sức cạnh tranh của tàu cao tốc.
Thực tế cho thấy, ngày 1/4/2009, khi tuyến đường sắt cao tốc Vũ Hán-Hợp Phì (An Huy) đưa vào hoạt động, lượng khách của CSA tuyến bay Vũ Hán-Thượng Hải giảm đi một nửa.
Tương tự, sau khi tuyến đường sắt cao tốc Thạch Gia Trang (Hà Bắc)-Thái Nguyên (Sơn Tây) đi vào hoạt động, lượng khách đi máy bay của hãng Hàng không Phương Đông Trung Quốc (CEA) ngay trong ngày hôm sau đã giảm 36%.
Để cạnh tranh với tàu cao tốc tuyến Vũ Hán-Quảng Châu, CSA đã đưa ra một loạt biện pháp gồm giảm một nửa giá vé, ký thỏa thuận với các sân bay Vũ Hán và Quảng Châu ưu tiên để các chuyến bay cất cánh đúng giờ.
Trung Quốc có kế hoạch phát triển dịch vụ tàu khách cao tốc vươn tới 70% số thành phố lớn trên toàn quốc vào năm 2020. Trong vòng 10 năm tới, Trung Quốc sẽ xây dựng khoảng 16.000km đường sắt có tốc độ 350km/h.
Trước mắt, đến năm 2012, Trung Quốc sẽ hoàn thành xây dựng 42 tuyến đường sắt cao tốc với độ dài 13.000km. Lúc đó, tàu khách cao tốc trở thành đối thủ thực sự đáng gờm của các hãng hàng không trong nước./.
TTXVN