Một số người cho rằng, để quy định mới thực sự có tác động tới môi trường, Chính phủ Pháp cần phải mạnh tay hơn.
Pháp sẽ cấm các chuyến bay chặng ngắn để khuyến khích người dân sử dụng tàu hỏa
Thời gian tới, nếu một dự luật vừa được giới thiệu và thông qua ở Hạ viện Pháp, người dân tại Pháp sẽ không thể di chuyển giữa các địa phương có khoảng cách gần bằng máy bay mà buộc phải chọn tàu hỏa.
Giảm hoạt động hàng không, ưu tiên tàu
Dự luật mới quy định, những chuyến bay nội địa chặng ngắn mà có thể đi tàu với thời gian hành trình dưới 2,5 giờ sẽ bị cấm. Cụ thể với một số tuyến như từ Thủ đô Paris với thành phố Nantes (hơn 385km) hay từ thành phố Lyon đến Bordeaux (hơn 550km), trừ những chuyến bay kết nối.
Hạ viện Pháp còn đồng ý cấm xây dựng sân bay mới hoặc mở rộng sân bay để tránh hệ lụy làm tăng lượng khí thải.
Trước đó, Chính phủ Pháp cũng đưa ra một điều kiện đặc biệt với hãng hàng không quốc gia Air France đó là, yêu cầu rút tất cả các chuyến bay nội địa cạnh tranh với phương thức vận tải bằng đường sắt trước khi cho hãng Air France vay 7 tỷ euro trong thời điểm đỉnh dịch Covid-19 thứ nhất hồi tháng 4/2020.
Mục đích cuối cùng của các nhà làm luật ở Pháp, đó là khuyến khích người dân sử dụng tàu, giảm sử dụng máy bay để cắt giảm 40% lượng khí thải CO2 ở Pháp so với mức năm 1990.
Thực tế, Pháp không phải quốc gia đầu tiên cấm các chuyến bay chặng ngắn. Từ tháng 11/2020, hãng hàng không Austrian Airlines của Áo cũng loại bỏ các chuyến bay chặng ngắn từ Vienna đến thành phố Graz và thay bằng đi tàu trong 3 giờ.
Đại diện tổ chức Greenpeace EU, ông John Hyland cho rằng, quy định này nên được áp dụng trên toàn liên minh châu Âu.
Trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh châu Âu Europe 1, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Agnes Pannerier-Runacher cũng thừa nhận, hàng không là một trong những lĩnh vực gây phát thải CO2 cao. Do đó, để chống lại biến đổi khí hậu, thế giới cần phải giảm khí thải ở lĩnh vực này.
Nhóm người tiêu dùng Pháp UFC - Que Choisir cũng mới công bố một phân tích về lợi ích của tàu so với máy bay cho biết: Nếu xét trên cùng tuyến, trung bình mức CO2/mỗi hành khách mà một chiếc máy bay phát ra sẽ cao hơn tàu khoảng 77 lần. Chưa kể, tàu lại rẻ hơn (chỉ khoảng 4 euro) và hạn chế thời gian lãng phí so với khi đến sân bay làm các thủ tục phức tạp.
Đảng LaREM của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ca ngợi dự luật này là bước chuyển đổi sâu sắc của ngành hàng không. Việc ưu tiên tàu hoặc các phương tiện công cộng khác trong chặng ngắn là rất khôn ngoan và là hành động quan trọng góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Đối lập với những lời hoan nghênh đó, dự luật mới lại vấp phải không ít phản đối của một số bộ phận chính trị gia đảng đối lập.
Tờ Huffington Post France dẫn lời các Nghị sĩ Joel Aviragnet và David Habib lên án biện pháp này kéo lùi sự phát triển và dễ dẫn đến thất nghiệp. Trong khi đó, một số Nghị sĩ theo phe cộng hòa chỉ trích dự luật này sẽ giáng thêm đòn, đánh gục ngành hàng không vốn ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch Covid-19.
Cần mạnh tay hơn
Một số người cho rằng, để quy định mới thực sự có tác động tới môi trường, Chính phủ Pháp cần phải mạnh tay hơn.
Hội đồng Công dân Pháp về Khí hậu do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thành lập năm 2019 với 150 thành viên, đề xuất nâng giới hạn đối với các chuyến bay có thời gian hành trình từ 4 giờ trở xuống. Qua đó, mức độ bao phủ của quy định sẽ rộng hơn, tác động tới nhiều tuyến hàng không bận rộn như các tuyến từ Marseilles - Montpellier và mang lại hiệu quả giảm khí thải cao hơn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Giao thông Pháp, ông Jean-Baptiste Djebbari đã làm rõ về quyết định chọn mốc 2,5 giờ, là bởi: “Nếu đặt mức cao hơn sẽ khiến một số vùng thường xuyên tắc nghẽn trên đường bộ như Massif Central bị cô lập”.
Còn một số tổ chức giao thông khác như Giao thông & Môi trường lại cho rằng, quy định hạn chế bay chặng ngắn, chuyển sang đường sắt không có nhiều tác động đến môi trường. Bởi trung bình, 2/3 lượng khí thải hàng không là từ các chuyến bay đường dài. Do đó, họ đề xuất biện pháp sử dụng các nhiên liệu sạch hơn như nhiên liệu tổng hợp. Chính phủ Pháp nên đưa việc sử dụng nhiên liệu xanh và tính phí khí thải carbon thành luật để buộc các hãng hàng không bay sạch hơn.
Bên cạnh đó, phía công đoàn phi công hàng không Pháp (SNPL) bày tỏ thất vọng vì theo họ, để cách thức này thực sự tạo ra ý nghĩa thiết thực giúp giảm khí thải thì cần phải có quy định chung tầm cỡ quốc tế hoặc ít nhất là khu vực châu Âu.
Nếu chỉ áp dụng loanh quanh trong nước đồng nghĩa sẽ chỉ có các hãng hàng không trong nước tham gia, như vậy sẽ không có nhiều tác động lớn tới môi trường.
Trên quy mô quốc tế, Tổ chức hàng không dân dụng (ICAO) và Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) từng công bố nghiên cứu cho biết, không kể 2 năm hứng chịu dịch Covid-19 vừa qua, tốc độ phát triển của hàng không toàn cầu đã và đang trên đà gia tăng chóng mặt, kéo theo lượng khí thải CO2 tăng cao gấp 4 lần so với thập kỷ trước. Mức tiêu thụ nhiên liệu tăng 44 triệu lít/ngày.
Nếu không thay đổi, mỗi năm ngành hàng không sẽ xả ra bầu khí khuyển 1 tỷ tấn khí thải CO2, góp phần không nhỏ làm biến đổi khí hậu Trái đất, theo đánh giá của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA).