Để xoay xở, công ty Gate Gourmet còn mở thêm dịch vụ cung cấp cơm hộp trưa phục vụ các khu vực lân cận xung quanh 3 sân bay kể trên.
ANA mở dịch vụ dùng bữa sang trọng trên máy bay
“Cái khó ló cái khôn”. Đây có lẽ là câu thành ngữ hoàn toàn khớp với tình cảnh phải xoay xở trong lúc khó khăn của các hãng hàng không và những ngành kinh doanh liên quan trước ảnh hưởng chưa từng có từ đại dịch Covid-19.
Ăn cơm máy bay ngay tại nhà
Nếu như không có dịch bệnh, ít ai nghĩ đến chuyện nhân viên công sở hay công nhân nhà máy lại được thưởng thức những suất ăn hoành tráng, với đủ hương vị đặc sản của các quốc gia trên thế giới.
Nhưng đây chính là thực tế đang diễn ra tại Nhật Bản khi các công ty cung cấp suất ăn máy bay tìm hướng đi và đối tác mới để giải quyết bế tắc khi các hãng hàng không vắng khách vì dịch bệnh.
Trước đại dịch, nhu cầu hàng không đang tăng trưởng mạnh, Gate Gourmet Japan, một công ty TNHH chuyên sản xuất bữa ăn trên máy bay (có trụ sở tại Narita, tỉnh Chiba, Nhật Bản) ăn nên làm ra với năng suất 15.000 suất ăn/ngày cung cấp cho 24 hãng hàng không tại các sân bay lớn như: Narita, Haneda và Hiroshima. Nay, hãng chỉ còn chế biến 200 - 300 suất/ngày.
Không ngồi chờ dịch bệnh qua đi, Gate Gourmet đã nghĩ ra sáng kiến sử dụng một nền tảng gây quỹ cộng đồng (crowdfunding) để kêu gọi đóng góp vào quỹ lưu động của công ty và đổi lấy thực phẩm vốn được dùng để cung cấp cho các hãng bay như pizza đông lạnh đạt tiêu chuẩn phù hợp cho người ăn kiêng Hồi giáo (tiêu chuẩn halal) và một số sản phẩm khác. Mục tiêu là nhằm hạn chế thực phẩm thừa do dư nguồn cung.
Sau 2 dự án gọi vốn vào tháng 10 và tháng 12, công ty thu hút được 10,39 triệu yen (2,1 tỷ VNĐ), vượt quá chỉ tiêu đặt ra ban đầu.
Một người dân 59 tuổi đến từ thành phố Chigasaki đã đóng góp cho dự án của Gate Gourmet, chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với quyết tâm hạn chế lãng phí thực phẩm và kiên nhẫn duy trì hoạt động trong lúc khó khăn của công ty này. Tôi cũng rất quan tâm tới những thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn halal. Theo tôi, công ty nên mở rộng các kênh kinh doanh với những thực phẩm không dị ứng và một số sản phẩm đặc biệt khác”.
Để xoay xở, công ty Gate Gourmet còn mở thêm dịch vụ cung cấp cơm hộp trưa phục vụ các khu vực lân cận xung quanh 3 sân bay kể trên.
Kể từ đầu tháng 4 năm ngoái, cơ sở của Gate Gourmet tại Hiroshima đã nhận được đơn hàng giao cơm trưa 3 ngày/tuần cho nhiều cơ quan, tòa thị chính, một bệnh viện và một viện dưỡng lão gần sân bay Hiroshima.
Giá của mỗi hộp cơm trưa khoảng 600 yen (126 nghìn VNĐ) bao gồm cả thuế. Thực đơn hàng tuần do các đầu bếp chuyên nghiệp thiết kế và rất đa dạng từ các món thông dụng như hamburger cho đến những món ăn đặc sản hoặc thực phẩm dành riêng cho trẻ em.
Cơ sở của Gate Gourmet tại Hiroshima sắp tới sẽ cung cấp cả cơm gà Singapore và một số sản phẩm cơm trưa khác để thực khách hoàn toàn có thể thưởng thức những bữa ăn như trên máy bay ngay tại nhà, công sở hay trường học.
Cơm hộp của Gate Gourmet thường được bảo quản và giao ở nhiệt độ từ 10 độ C trở xuống và khách có thể làm nóng bằng lò vi sóng trước khi ăn. Với cách thức này, công ty đang nhận khoảng 300 đơn/tuần.
Anh Taeko Fukunaka, 46 tuổi nhân viên của công ty sản xuất găng tay lao động tại tỉnh Hiroshima - đơn vị đặt cơm trưa do Gate Gourmet sản xuất khoảng một năm nay chia sẻ: “Cơm trưa rất ngon và đầy đặn. Tôi chưa bao giờ ăn trên máy bay nên rất tò mò muốn thử”.
Một công ty khác cung cấp suất ăn trên tàu bay là Nagoya Air Catering cũng đang xoay chuyển tình hình như Gate Gourmet.
Công ty có trụ sở tại Tokoname, tỉnh Aichi từng cung cấp khoảng 6.000 bữa ăn/ngày cho hơn 20 hãng hàng không tại sân bay Chubu. Nhưng nay, vì dịch bệnh, sân bay chỉ đón 13 chuyến bay quốc tế/tuần nên năng suất công ty buộc phải giảm xuống còn 100 suất/ngày.
Trước cú sốc đó, hãng đã chuyển sang bán cơm cho một số bãi đậu xe của đối tác kinh doanh tại Tokoname và nhà ga Jing-mae ở Nagoya, từ mùa xuân năm ngoái.
Dịch vụ dùng bữa trên máy bay đang đỗ ở sân bay
Quảng cáo bán suất ăn hàng không của Gate Gourmet
Không nằm ngoài “cơn bão” Covid-19, một số hãng hàng không của Nhật Bản như All Nippon Airways (ANA) cũng chuyển hướng kinh doanh trực tuyến cung cấp bữa ăn do một công ty thuộc tập đoàn này sản xuất từ tháng 12 năm ngoái.
All Nippon thường bán theo gói 12 bữa với giá niêm yết 9 nghìn yen (1,8 triệu VNĐ) bao gồm cả thuế và phí vận chuyển. Mỗi gói không chỉ có món ăn mang hương vị Nhật Bản mà còn của nhiều nước châu Á.
Tính đến ngày 7/4, ANA đã bán tổng cộng 34 nghìn gói. Mô hình này ngày càng được nhiều thực khách địa phương biết đến. Có khi, ANA bán sạch hàng chỉ trong 5 phút. Cô Mari Yamashita, 41 tuổi, công dân tại Kyoto thường xuyên đặt hàng của ANA cho 2 con trai đang học cấp 3 mang đến trường chia sẻ: “Các con tôi rất thích vì mỗi hộp cơm rất đầy, các con có thể ăn no”.
Ngoài bán thực phẩm, ANA còn kinh doanh luôn cả đồ uống vốn dùng để phục vụ trên máy bay qua hình thưc trực tuyến. Không chỉ vậy, ANA còn mở dịch vụ trực tiếp đón thực khách hạng sang dùng bữa trên máy bay Boeing 777 đang đỗ tại sân bay Haneda ở Tokyo.
Với suất đắt nhất, hành khách có thể ngồi ghế hạng nhất và dùng bữa với thực đơn đặc biệt như gan ngỗng, phi lê bò Wagyu... với giá hơn 12 triệu VNĐ. Còn một lựa chọn khác là dùng bữa hạng thương gia với giá 6,2 triệu VNĐ.
Trên thế giới cũng có nhiều hãng hàng không như Singapore Airlines (Singapore), Jeju Air (Hàn Quốc) áp dụng chiêu thức bán suất ăn hàng không. Trong khi đó, một số hãng ở châu Âu như British Airways lại mở dịch vụ giao suất ăn máy bay tận nhà với giá 110 USD (2,5 triệu VNĐ) cho những thực khách nhớ những bữa ăn hàng không.
Còn hãng bay Finair của Phần Lan thì đưa các suất ăn của mình tới phục vụ ở siêu thị gần sân bay Helsinki với giá rẻ khoảng 12,9 euro (trị giá 350 nghìn VNĐ)/suất trong 7 tháng trở lại đây.