Những chiếc xe điện scooter nhỏ gọn, chạy êm ru, tưởng chừng vô hại nhưng lại đang trở thành “hung thần trên đường phố” Nga.
Chính quyền Liên bang Nga đã bàn cách quản lý loại xe này từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều thay đổi.
Một vụ tai nạn xe điện scooter trên đường phố Nga
180 vụ tai nạn, ít nhất 5 người chết trong 6 tháng
Dịch vụ cho thuê xe điện đầu tiên xuất hiện ở Nga là vào mùa hè năm 2018, từ Thủ đô Moscow. Đích thân thị trưởng Moscow Sergey Sobyanin đã tham dự lễ khai trương với kỳ vọng đây sẽ là hình thức giao thông mới hiệu quả, bảo vệ môi trường.
Từ đó đến nay, thị trường cho thuê xe điện không ngừng phát triển, đã có hàng chục doanh nghiệp tham gia trên toàn quốc.
Đặc biệt trong đại dịch, khi các phương tiện vận tải công cộng bị hạn chế, loại hình này càng phát triển. Trong vòng 1 tháng (từ tháng 3 - 4/2020), nhu cầu dùng xe scooter tăng 350%.
Theo tờ Guardian (Anh), chỉ từ đầu tháng 4 - 6/2021, riêng Thủ đô Moscow đã có hơn 1,2 triệu lượt dùng, dự kiến tiếp tục tăng trong mùa thu. Xe scooter càng phát triển, số vụ tai nạn liên quan càng tăng cao, trở thành “hung thần trên đường phố” khiến người tham gia giao thông lo sợ.
Theo số liệu từ Bộ Nội vụ Nga, trong 6 tháng đầu năm 2021, đã xảy ra 180 vụ tai nạn liên quan tới xe scooter, khiến ít nhất 5 người chết.
Gần đây nhất là vụ nam diễn viên múa ballet của nhà hát Mariinsky, anh David Zaleev đã gặp tai nạn khi lái xe scooter trong lúc say rượu dẫn đến hôn mê suốt nhiều tuần.
Đầu tháng 6, tại TP St. Petersburg cũng xảy ra nhiều vụ tai nạn xe scooter khiến 2 bé trai 4 tuổi và 1 bé gái 5 tuổi bị thương nghiêm trọng.
Không ít người dân Moscow như chị Olga Vovikova chia sẻ, rất sợ hãi khi nhìn thấy xe scooter lượn lờ trên đường.
“Nhiều lần, tôi đang đi bộ thì gặp xe scooter chạy thành hàng 2, hàng 3 phóng đến. Tôi phải dừng lại để tránh ngay. Nhưng đó là những trường hợp may mắn, có thể nhìn thấy và chủ động tránh. Còn thực tế, có không ít trường hợp, những chiếc xe điện lừ lừ từ đâu chạy ra làm tôi giật bắn mình, rất nguy hiểm”, chị Olga nói.
Thiếu cơ sở pháp lý và hạ tầng
Tình trạng này diễn ra một phần là vì Nga chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng và nghiêm ngặt để quản lý loại phương tiện này.
Hiện chưa có quy định phân loại cụ thể nên những chiếc xe scooter có thể tăng tốc tới 30-50km/h trong vài giây chỉ được coi như phương tiện hỗ trợ người đi bộ (xe lăn, xe đẩy…). Như vậy, người dùng có quyền đi trên vỉa hè, đường dành cho người đi bộ hay đường cho xe đạp.
Lý do thứ 2 là chưa có luật quản lý dịch vụ cho thuê xe điện cấp liên bang. Từ nhiều năm trước, chính quyền Nga đã quan tâm đến vấn đề này và đã bàn một số đề xuất sửa đổi nhưng nay vẫn chưa có quy định quản lý nghiêm, theo Russian Beyond.
“Theo quy định hiện hành, xe scooter điện được xếp ngang hàng người đi bộ nhưng có tốc độ nhanh gấp 10 lần. Do đó, người đi bộ rất có thể bị thương nghiêm trọng nếu gặp tai nạn với loại xe này”, Ông Maxim Kadakov, Biên tập viên Tạp chí ô tô Za Rulyom nói.
Hiện tại, các dịch vụ cho thuê scooter không yêu cầu người dùng phải đăng ký thông tin, mà chỉ cần thẻ ngân hàng. Người dùng dễ dàng ấn vào ô “Tôi đã đủ 18 tuổi”, trả tiền và lấy xe sử dụng.
Nếu động cơ điện của xe không quá 250 watt thì không cần xuất trình bằng lái. Quy định đội mũ bảo hiểm cũng không bắt buộc.
Tháng 6 vừa rồi, theo Guardian, chính quyền Thủ đô Moscow (Nga) mới đưa ra một số quy định hạn chế tốc độ trong khoảng 15km/h tại khu vực trung tâm.
Khi xe scooter (được theo dõi bằng thiết bị định vị GPS) đi vào khu vực chỉ định, sẽ tự động giảm tốc theo chương trình lập trình sẵn. Chính quyền địa phương đang nghiên cứu, có thể mở rộng thêm một số khu vực tương tự trong thành phố.
Hiện nay, các công ty cho thuê xe điện trên toàn nước Nga cũng phối hợp với chính quyền địa phương để thiết lập khu vực giới hạn tốc độ.
Civic Chamber là Viện Tư vấn xã hội dân sự đã đề xuất nên coi xe scooter công suất cao là xe máy điện và yêu cầu người sử dụng đăng ký thông tin chi tiết, thiết lập cơ sở dữ liệu người vi phạm.
Bộ Giao thông Nga cũng đang nghiên cứu hạn chế tốc độ với loại xe này trên vỉa hè ở khoảng 20km/h, có thể ban hành lệnh cấm sử dụng trong công viên, gần tàu điện ngầm, nhà ga và trung tâm thương mại.
Ngoài pháp lý, còn một vấn đề khác với scooter đó là thiếu hạ tầng.
Chia sẻ trên trang Russian Beyond, ông Alexander Osipov, lãnh đạo phong trào “Sử dụng phương tiện giao thông điện cỡ nhỏ” tại Nga chỉ ra, xe điện được sử dụng rộng rãi tại các thành phố lớn nhưng kể cả Moscow hay St. Petersburg đều chưa có đủ hạ tầng tương đương như các nước châu Âu, để người dùng xe scooter thoải mái đi lại.