Theo Kế hoạch Xanh 2030 của Chính phủ Singapore, quốc đảo sư tử đặt mục tiêu trong thập kỷ tới, nước này sẽ trở thành một điểm du lịch bền vững.
Tuy nhiên, thực tế là ngành du lịch tàu biển nổi tiếng thế giới của Singapore lại đang đi ngược với xu hướng.
Là một trong những trung tâm cảng biển của thế giới, Singapore đóng vai trò quan trọng trong ngành du lịch bằng siêu du thuyền. Năm 2019, trước khi bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19, quốc đảo ở Đông Nam Á đã đón 1,8 triệu lượt khách (tương đương 1/3 lượng khách toàn cầu).
Tuy nhiên, theo báo cáo từ Liên đoàn Bảo vệ Tự nhiên và Đa dạng sinh học (Đức) thực hiện năm 2017, một chuyến tàu du lịch biển sử dụng 150 tấn nhiên liệu/ngày, với lượng khí thải tương đương 1 triệu chiếc ô tô.
Trung tâm tàu du lịch biển Vịnh Marina chuyên phục vụ các tàu du lịch lớn
Một nghiên cứu năm 2014 do tổ chức phi chính phủ “Người bạn của Trái Đất” cho thấy, tàu du lịch biển đã xả ra hơn 1 tỷ gallon chất thải/năm. Do đó, nếu tiếp tục duy trì hoạt động du lịch biển như hiện tại, Singapore khó có thể đạt mục tiêu “xanh”.
Ông Michael Chiam, giảng viên cấp cao trường Đại học bách khoa Ngee Ann đánh giá, hiện nay ngày càng có nhiều người hiểu về tác động của biến đổi khí hậu, tầm quan trọng của hoạt động kinh doanh bền vững nên khách du lịch sẽ có xu hướng chuyển sang sử dụng các dịch vụ thân thiện môi trường.
Vì vậy, Singapore cần sớm đẩy mạnh chiến lược trở thành trung tâm tàu du lịch biển bền vững, thu hút các công ty vận hành siêu du thuyền có thiên hướng thân thiện môi trường để đón đầu xu hướng này.
Để giảm phát thải, từ năm 2018, Cơ quan quản lý cảng Singapore (PSA) đã lên kế hoạch lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại 2 cảng là Trung tâm tàu vận tải biển (Singapore Cruise Centre - SCC) chuyên phục vụ tàu vừa, nhỏ và Trung tâm tàu du lịch biển Vịnh Marina (MBCCS) dành cho tàu lớn.
Bên cạnh đó, SCC cũng đầu tư vốn và nguồn lực để làm sạch nguồn nước, giảm rác thải cũng như đo lường mức ô nhiễm.
Tuy nhiên, những biện pháp trên chỉ hỗ trợ giảm thải phần nào. Ngành du lịch tàu biển của Singapore có thực sự “xanh” hay không lại phụ thuộc chính vào hoạt động của tàu.
Các doanh nghiệp tàu biển hạn chế khí thải, rác thải
Tàu Quantum of the Sea đậu bên ngoài Trung tâm tàu du lịch biển Vịnh Marina
Nhiều năm trở lại đây, ba hãng tàu du lịch biển lớn nhất đã cam kết hành động vì môi trường. Trong đó, tập đoàn Royal Caribbean (đơn vị sở hữu 24 siêu du thuyền) cho biết, họ đã đóng và cải tiến tàu để cải thiện hiệu quả năng lượng, hạn chế khí thải ra môi trường.
Siêu du thuyền Quantum of the Seas neo đậu tại Singapore, với công suất 5.000 khách, là con tàu đầu tiên thuộc Royal Caribbean được trang bị hệ thống bôi trơn, làm mát hoàn toàn bằng không khí.
Ngoài ra, Royal Caribbean còn kết hợp thêm một số hệ thống đẩy, chân vịt ở mũi tàu... nhằm mục đích giảm lực cản với thân tàu, tăng hiệu quả nhiên liệu.
Khoảng 60% tàu thuộc hệ thống của Royal Caribbean được trang bị hệ thống lọc khí thải tiên tiến, xử lý khí thải bằng cách bơm nước vào trong hệ thống xả thải.
Công nghệ này được nhận định giúp loại bỏ tới 98% khí thải SO2 và khoảng 60 - 80% bụi mịn và một phần khí NO, theo Royal Caribbean.
Hãng Princess Cruises (đơn vị vận hành khoảng 14 tàu) cũng đang đóng 2 tàu hành trình có thể sử dụng song song hai loại nhiên liệu diesel - LNG (khí đốt thiên nhiên hóa lỏng). Hãng hướng tới, trong tương lai chủ yếu sẽ chỉ sử dụng LNG.
Mặc dù LNG cũng là nhiên liệu hóa thạch nhưng được đánh giá là nhiên liệu sạch hơn, có thể thay thế các nhiên liệu tàu biển truyền thống vì thải ra ít khí CO2 và gần như không có bụi mịn, khí ni-tơ hay các loại khí lưu huỳnh ô-xít (như SO2, SO3...).
Một hãng tàu khác là Genting Cruise Lines, đang vận hành siêu du thuyền Dream Cruises, cũng cam kết sẽ thay đổi vì môi trường với nhiều động thái như tăng hiệu quả nhiên liệu, tiết kiệm nhiên liệu và nước.
Về rác thải, cả 3 công ty đều nhấn mạnh quyết tâm giảm chất thải rắn bằng các giải pháp hạn chế hoặc loại bỏ hoàn toàn đồ nhựa dùng một lần như chai đựng dầu gội đầu, ống hút, dụng cụ ăn bằng nhựa...
Royal Caribbean cho biết, họ đã thực hiện chương trình “Save the Waves” trong thời gian 29 năm với mục tiêu có thể tái chế tất cả rác thải.
Royal Caribbean nhấn mạnh, trong khi Singapore vẫn đang tìm cách giảm khoảng 20% lượng rác thải rắn tính trên đầu người đến năm 2026 thì Royal Caribbean đã đặt mục tiêu tất cả tàu du lịch đều phải giảm tối đa chất thải rắn từ rất lâu, đến nay đã tái chế 85% chất thải trước thời hạn năm 2020.
Cơ quan cảng và hàng hải của Singapore cũng cấm các tàu sử dụng thiết bị lọc khí thải vòng hở trong vùng biển của nước này và coi chất thải từ các tàu du lịch là chất thải công nghiệp độc hại.
Mặc dù có nhiều nỗ lực và cố gắng cải tiến công nghệ, thiết bị nhưng những sáng kiến thân thiện môi trường của các hãng tàu vẫn gây hoài nghi. Nhiều nhóm hoạt động vì môi trường chỉ trích, một số thiết bị lọc khí trên tàu hành trình đã không hoàn toàn loại bỏ khí thải, mà chỉ biến đổi SO2 thành a-xít sulfuric và thải ra môi trường.