Để có thể thu hút được lượng khách rải rác lân cận các ga tàu, một số nước trên thế giới đã kết hợp tàu và xe đạp.
Quy định về giờ, loại tàu, có thể tính thêm phí
Mô hình này cực kỳ phát triển tại các nước châu Âu, nhất là các quốc gia yêu xe đạp như Hà Lan, Đan Mạch, Pháp…
Có thể lấy ví dụ tại Thủ đô Copenhagen (Đan Mạch), theo tổ chức vận động xe đạp Cycling Embassy của Đan Mạch, hiện tại có hơn 1/3 số chuyến tàu tại thành phố này có sự kết hợp của xe đạp.
Chủ yếu người Copenhagen kết hợp xe đạp và tàu để đi làm khi nhà hoặc nơi làm việc cách ga tàu từ 1-3km.
Với từng loại tàu, từng tuyến, Đan Mạch sẽ có quy định khác nhau. Chẳng hạn, trên loại tàu S (tàu phục vụ kết nối khu trung tâm và ngoại thành), từ năm 2010, hành khách đi trong và xung quanh Thủ đô Copenhagen được miễn phí mang xe đạp lên tàu.
Nơi để xe đạp trên tàu S của Đan Mạch. Ảnh: Ole Kassow/Pinterest
Với một số loại tàu khác, như tàu điện, tàu liên thành phố, người dùng cần mua vé cho xe đạp, có thể phải đặt chỗ trước và tuân theo quy định giờ được mang xe đạp lên, một số tàu không được mang lên trong giờ cao điểm.
Với tàu liên thành phố, chỗ để xe đạp hạn chế, hành khách có thể sử dụng các loại xe đạp gấp nhỏ và coi đó như hành lý xách tay.
Ngoài ra, nhiều sân ga tàu điện ở Đan Mạch có chỗ đỗ xe ngay trên vỉa hè gần ga tàu hoặc xây hẳn khu đỗ xe dưới tầng hầm.
Tại Mỹ, New York là một trong những thành phố cho phép mang xe đạp lên các phương tiện công cộng. Trang web của Cơ quan Giao thông Đô thị New York (MTA) có nêu thông tin cụ thể về quy định và lời khuyên hữu ích về cách sử dụng xe đạp trên các phương tiện giao thông công cộng.
Theo đó, hành khách có thể mang xe đạp lên tàu điện ngầm nhưng mỗi tàu có quy định về loại xe và giờ được phép mang xe khác nhau.
Theo hướng dẫn của MTA, hành khách có thể mang cả xe đạp bình thường và xe đạp gấp lên tàu nhưng tốt nhất “nên tránh đi vào giờ cao điểm”.
Đầu tiên hành khách sẽ phải thông báo việc mang xe đạp lên tàu với nhân viên trực ở cổng ga, trả phí và nếu là xe đạp không gấp thì phải đi qua cổng ngách.
Khi lên tàu, người mang xe nên đứng ở gần hoặc ở cuối toa để hạn chế gây ảnh hưởng tới người khác.
Trong những ngày cuối tuần, mỗi tàu chỉ cho phép chứa tối đa 4 chiếc xe đạp và cuối tuần là 8 xe.
Ở một số quốc gia, trên tàu có những giá đỡ để giữ xe đạp ở trong góc toa tàu thậm chí giá treo trên tường để tiết kiệm không gian.
Bắt buộc phải mang xe đạp gấp
Singapore đặt tấm đo kích thước phương tiện được sử dụng trên tàu điện. Ảnh: StraitTimes
Không chỉ ở châu Âu, tại châu Á, cũng có nhiều quốc gia cho phép mang xe đạp lên tàu điện như Singpore (từ năm 2017), Ấn Độ (từ năm 2020)…
Từ ngày 1/6/2017, sau 6 tháng thử nghiệm, Singapore chính thức cho người dân mang thêm xe đạp gấp, thiết bị di chuyển cá nhân (PMD) lên tàu điện và xe buýt tất cả các giờ trong ngày.
Đây là một phần trong chiến lược “Đi bộ - Đi xe đạp - Dùng phương tiện công cộng” của quốc đảo này, nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng.
Không ít người dân như anh Xavier Lum, 38 tuổi đã kết hợp đi xe đạp và tàu điện để đi làm, khoảng cách 12km vừa để tránh tắc đường vừa để giảm cân, tăng cường sức khoẻ.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều người dân chú ý tới sức khỏe và bảo vệ môi trường hơn, xu hướng đi xe đạp tại Singapore càng tăng cao, nhiều đơn vị kinh doanh xe đạp ghi nhận lượng xe tăng 30%.
Tuy nhiên, Singapore ra quy định rất nghiêm ngặt về kích thước và loại xe được phép mang lên phương tiện công cộng.
Cụ thể xe đạp gấp/thiết bị PMD phải có kích thước không quá 120 x 70 x 40cm khi gập lại và bắt buộc phải gập gọn trong toàn thời gian ở trên tàu/xe buýt, ở sân ga/bến xe.
Hơn nữa, hành khách phải bọc phương tiện nếu bánh xe bẩn hoặc ướt; những bộ phận của xe dễ làm bị thương hoặc làm hư hại tài sản như bàn đạp, tay lái… phải được bọc lại hoặc gập gọn nếu có thể.
Người mang xe đạp lên cũng phải có ý thức không được ngáng đường đi lại, chặn cửa hoặc đường di chuyển của hành khách khác.
Tại các nhà ga, bến xe, Singapore sẽ đặt một tấm đo kích thước thiết bị, cho phép người dân ướm phương tiện để biết có đủ điều kiện hay không.
Dù đã chuẩn bị kỹ càng và có quy định rõ ràng như vậy nhưng vẫn có trường hợp liều lĩnh mang cả chiếc xe đạp không gấp lên tàu, treo trên thanh ngang bất chấp nhân viên tàu ngăn cản và buộc phải trình báo cảnh sát để xử lý và khiến dư luận bức xúc.