Các biện pháp trừng phạt vào giới tỷ phú Nga tiềm ẩn nhiều thiệt hại cho thương mại châu Âu.
Loạt nước châu Âu bắt đầu hành động
Sau hàng loạt các biện pháp cấm vận nhằm vào chính quyền Nga và hệ thống tài chính nước này do hành động quân sự tại Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden và phương Tây tiếp tục có các biện pháp nhằm vào các nhà tài phiệt và quan chức Nga.
Trong làn sóng này, khoảng 500 cá nhân Nga bị đưa vào danh sách trừng phạt của Liên minh châu Âu, chưa kể các động thái riêng của Mỹ và Anh.
Hiện tại, một số quốc gia đã bắt đầu thực thi lệnh trừng phạt.
Du thuyền Lady M có giá 65 triệu euro và thuộc sở hữu
của người giàu nhất Nga là tỉ phú Alexey Mordashov
Mới nhất, cảnh sát Italy đã thu giữ rất nhiều tài sản từ 5 người Nga nằm trong lệnh trừng phạt từ phương Tây vì Nga tấn công Ukraine.
Danh sách tài sản bị thu giữ do Văn phòng Thủ tướng Italy - Mario Draghi công bố ngày 5/3 nổi bật 2 siêu du thuyền sang trọng.
Du thuyền đắt nhất có chiều dài 65 m mang tên “Lady M” có giá 65 triệu euro (1,6 nghìn tỉ VNĐ) thuộc sở hữu của tỷ phú Alexey Mordashov, bị thu giữ tại cảng Imperia.
Phương tiện thứ hai là Lena đã bị giữ tại cảng Sanremo, trị giá khoảng 50 triệu euro (1,2 nghìn tỉ VNĐ) thuộc sở hữu của ông Gennady Timchenko người được Tổng thống Nga Vladimir Putin coi là thân tín.
Tại Pháp, Hải quan nước này đã thu giữ siêu du thuyền dài 88 m, trị giá 120 triệu USD (2,7 nghìn tỉ VNĐ) mang tên "Amore Vero" (Tình yêu đích thực) của nhà tài phiệt Igor Sechin, Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Rosneft Nga.
Rory Jackson, biên tập viên mảng kinh tế tại tạp chí du thuyền Superyacht Group, nhận định các lực lượng chức năng khu vực sẽ nhắm đến những con thuyền liên quan đến Nga đang ở châu Âu để tân trang, bảo dưỡng.
Ông Rory cũng nói rằng, giới tài phiệt Nga cũng đang nhanh chóng tìm cách bảo vệ du thuyền, đưa tàu đến khu vực biển Caribbe hoặc di chuyển đến những nơi xa tầm tay của chính quyền châu Âu hoặc Mỹ như Seychelles hay Maldives.
Tranh cãi về hành động thu giữ thuyền của các tỷ phú
Giải thích lý do cho động thái bắt giữ du thuyền Amore Vero, Bộ trưởng Pháp Bruno Le Maire cho biết: “Nhân viên hải quan Pháp đang áp dụng biện pháp trừng phạt của EU đối với những người thân cận của chính phủ Nga”.
Cuối tháng Hai, lực lượng hải quân Pháp cũng chặn bắt một tàu hàng chở ô tô mang cờ Nga tại eo biển Manche. Quan chức địa phương Veronique Magnin thời điểm đó cho biết con tàu này "bị nghi ngờ có liên quan đến các lợi ích của Nga vốn nằm trong các lệnh trừng phạt".
Du thuyền mang tên "Amore Vero" (Tình yêu đích thực) của nhà tài phiệt Igor Sechin,
Giám đốc điều hành tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Rosneft Nga. Ảnh - AFP
Khi tình hình Nga – Ukraine dần trở nên căng thẳng, chính phủ Pháp đã trao cho các quan chức hàng hải nước này quyền chặn các tàu bị nghi vi phạm lệnh trừng phạt. Hiện tại, Paris đang lập danh sách tài sản thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga ở Pháp, bao gồm du thuyền và xe hơi sang trọng.
Washington cũng đang xây dựng một lực lượng đặc nhiệm để “tìm và thu giữ du thuyền, căn hộ sang trọng hay máy bay phản lực riêng của các ông lớn Nga”.
Tuy nhiên, những động thái này vấp phải sự chỉ trích từ phía Nga. Chia sẻ với kênh truyền hình Russia 24, Đại sứ Nga tại Pháp Alexei Meshkov nhấn mạnh: “Về nguyên tắc, đối với tàu Nga, lãnh hải của Pháp ngày nay chẳng khác nào lãnh hải của Somalia (nơi thường xuyên xảy ra các vụ cướp biển - PV). Các tàu bị bắt giữ, khám xét mà không có bất kỳ lời giải thích nào”.
Trong tuyên bố ngày 1/3, ông Alisher Usmanov cũng cho biết: “Tôi tin, quyết định như vậy là không công bằng. Những lý do đang được sử dụng để biện minh cho các biện pháp trừng phạt là sự tập hợp của những cáo buộc sai trái, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm và uy tín kinh doanh của tôi”.
Phương Tây đối mặt loạt thách thức
Thứ nhất, việc thu giữ tài sản của các nhà tài phiệt Nga, như du thuyền, biệt thự, không phải là điều dễ dàng đối với các nhà chức trách phương Tây.
Quyền sở hữu tài sản của giới tỷ phú có thể bị che giấu một cách có chủ đích dưới danh nghĩa các công ty ẩn danh được thành lập tại các thiên đường thuế ở nước ngoài.
Trung bình, các chủ sở hữu phải chi 10% giá mua hàng năm để duy trì du thuyền trong trạng thái sẵn sàng hoạt động.
Ông Txema Rubio, Giám đốc thương mại của xưởng đóng và tân trang tàu thuyền MB92 tại Barcelona, nơi du thuyền lớn thứ hai thế giới Eclipse của tỷ phú Nga Roman Abramovich đang bảo dưỡng, cho biết: “Chi phí bảo dưỡng du thuyền trung bình khoảng 900 nghìn euro, trong một số trường hợp, con số này có thể tăng lên tới 20 triệu euro”.
Quá trình tân trang, bảo dưỡng tối thiểu tốn ba tháng, đôi khi dài hơn, và trong thời gian đó, xưởng đóng tàu có thể cần đến hàng trăm nhân viên.
Chủ sở hữu của những công ty đó có thể là thành viên gia đình hoặc bạn bè, thay vì chính chủ.
Trong trường hợp du thuyền, chúng thường được đăng ký tại các khu vực pháp lý có mức thuế thấp và đôi khi thuộc sở hữu của các quỹ tín thác hoặc công ty bình phong.
Bằng cách mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với thành viên trong các gia đình tỷ phú, các quan chức phương Tây đang hy vọng phần nào có thể đóng lại kẽ hở này.
Thứ hai, hành động bắt giữ du thuyền và tài sản của các nhà tài phiệt Nga tại phương Tây kéo theo thiệt hại cho chính phía áp đặt trừng phạt.
Giới tài phiệt Nga chiếm 10% thị trường du thuyền toàn cầu, theo ước tính của tờ Superyacht Group có trụ sở tại London. Do vậy, các biện pháp trừng phạt của EU được cho là sẽ ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị chế tạo siêu du thuyền của chính châu Âu, vốn tập trung ở Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha và Anh, cũng như lực lượng lao động bản địa.
Chi phí đóng và hoàn thiện du thuyền rất đắt đỏ, chưa kể tiền bảo trì, tân trang và duy trì thủy thủ đoàn.
Bên cạnh đó, các du thuyền cũng thường đi kèm nhiều “phụ kiện” tốn kém như xuồng cao tốc, ván trượt phản lực, ô tô, trực thăng và thậm chí cả tàu ngầm, vốn là nguồn tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người.