Các phương tiện thân thiện với môi trường đang trở thành mối quan tâm lớn ngày nay. Các nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới đang tìm cách thương mại hóa phương tiện chạy bằng điện không gây ô nhiễm.
Các phương tiện thân thiện với môi trường đang trở thành mối quan tâm lớn ngày nay. Các nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới đang tìm cách thương mại hóa phương tiện chạy bằng điện không gây ô nhiễm. Và thành phố Seoul cũng vừa góp sức vào công cuộc đó. Từ năm ngoái, chính quyền thành phố Seoul đã hợp tác với các nhà sản xuất xe buýt trong nước như Công ty công nghiệp nặng Hyundai để chế tạo và đưa vào chạy thí điểm các loại xe buýt điện bắt đầu từ ngày 21/6 vừa qua. Ông Kim Hwang-rae, Trưởng nhóm phổ cập xe xanh của chính quyền thành phố Seoul giải thích về loại xe này như sau:
Ưu điểm của xe buýt điện kiểu Hàn Quốc
Kích cỡ của 1 chiếc xe buýt điện khá to nên nó cũng phải sử dụng một loại ắc quy lớn. Ở đây chúng tôi sử dụng loại ắc quy lithium ion hiệu suất cao, có thể chạy 120km trong một lần sạc với vận tốc đối đa là 100km/h. Thêm nữa, công ty công nghiệp nặng Hyundai đã phát triển một loại sạc điện siêu tốc để rút ngắn thời gian sạc ắc quy xuống còn 20 phút. Đây có thể xem là loại sạc điện nhanh nhất trên thế giới. Ngoài ra, loại xe buýt này còn có 1 ưu điểm khác là, không giống những loại phương tiện đi lại bình thường được chế tạo từ các tấm thép hay nhôm, xe buýt điện ở đây sử dụng vật liệu composite carbon nhẹ và nhờ vậy mà giảm được trọng tải xuống 25%. Bộ khung nhẹ cũng cho phép xe chạy quãng đường dài hơn chỉ trong một lần sạc và cắt giảm đáng kể lượng điện tiêu thụ.
Xe buýt điện, còn được gọi là Elec-City, hiện đang vận hành trên các con đường xung quanh núi Namsan, ở trung tâm Seoul. Đối với các loại xe buýt điện như thế này thì ắc quy luôn là vấn đề khó giải quyết nhất nhưng xe buýt điện của Hàn Quốc lại có ắc quy hiệu suất cao nhất thế giới. Chỉ với một lần sạc, một chiếc xe buýt điện có thể chạy tới 120km và đạt vận tốc tối đa là 100km/h. Đương nhiên để đạt được điều đó, thì trọng lượng của ắc quy cũng phải được giảm nhẹ đi. Vì vậy, các nhà sản xuất Hàn Quốc đã quyết định sử dụng vật liệu composite carbon nhẹ để giảm trọng tải. Bên cạnh đó, họ cũng ứng dụng nhiều công nghệ cao vào các linh kiện như động cơ xe, ắc quy, bộ biến tần và các công tắc, vượt hẳn các loại xe điện thông thường. Kết quả là, Hàn Quốc đã cho ra đời thành công loại xe buýt điện “xanh, sạch”. Tuy nhiên có vẻ như Hàn Quốc đi hơi muộn trong lĩnh vực này. Ông Kim cho biết:
Hàn Quốc vận hành xe buýt điện muộn hơn các nước phát triển khác
Các loại xe điện chỉ chạy bằng điện nên không xả khí thải độc hại ra môi trường hay khí NO2, nguyên nhân chủ yếu gây ra mưa axit. Vì thế chúng được gọi là “phương tiện giao thông của tương lai”. Các công ty của Hàn Quốc đi đầu về công nghệ sản xuất linh kiện như động cơ điện, bộ điều khiển và ắc quy. Tuy vậy, thực tế họ vẫn đi sau các nước phát triển trong việc kết hợp những công nghệ khác nhau đó để tạo ra 1 chiếc xe điện hoàn chỉnh.
Như ông Kim đã chỉ ra, Hàn Quốc sở hữu công nghệ đẳng cấp thế giới trong sản xuất các vật liệu phụ tùng ô tô, nhưng việc kết hợp các yếu tố này thành xe điện hoàn chỉnh thì chỉ mới được bắt đầu. Ngược lại, các nước phát triển khác đã đầu tư phát triển các ắc quy và động cơ điện từ lâu rồi. Thực tế, ý tưởng về một chiếc xe điện còn đến trước cả ý tưởng về xe chạy bằng xăng. 1 doanh nhân người Scotland là Robert Anderson đã sáng chế ra chiếc xe chạy bằng điện đầu tiên trên thế giới vào khoảng năm 1832. Sau đó, Christopher Becker người Hà Lan cũng tạo ra chiếc xe ô tô điện cỡ nhỏ vào năm 1835. Nhưng chính cân nặng của ắc quy và thời gian sạc lâu đã không cho phép loại phương tiện “xanh” này lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên, với mức độ ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, việc phát triển xe điện được nối lại vào những năm 1990. Các nước như Mỹ, Pháp, Úc, và Thuỵ Sĩ đã vận hành xe buýt điện thân thiện môi trường tại các điểm du lịch. Liệu Hàn Quốc có quá chậm trễ không khi mới đưa xe buýt điện vào hoạt động chính thức từ mùa hè năm nay?
Bước chậm nhưng chắc trên nền tảng trình độ công nghệ cao
Hầu hết các phụ tùng sử dụng trong xe buýt điện ở Hàn Quốc như động cơ, bộ điều khiển, bộ biến tần và ắc quy đều được sản xuất bởi chính các công ty Hàn Quốc và đạt chất lượng đẳng cấp quốc tế. Cũng bởi linh kiện của chiếc xe buýt điện đều đã được nghiên cứu từ trước, nên giờ đây các công ty Hàn Quốc chỉ cần làm sao rút ngắn được thời gian sạc điện. Ngoài ra, cũng cần đào tạo thêm các lái xe chuyên nghiệp để điều khiển loại xe buýt này. Tôi tin tưởng rằng, với nền tảng trình độ công nghệ cao hiện có cùng những nỗ lực như vậy, Hàn Quốc sẽ có thêm nhiều hơn nữa các xe buýt “xanh” chạy trên khắp các con đường nội thành.
Tuy Hàn Quốc có hơi chậm chân khi đưa vào sử dụng xe buýt điện, nhưng quốc gia lại đang sở hữu công nghệ hàng đầu thế giới về chế tạo linh kiện loại xe này. Năm ngoái, Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) đã giới thiệu một loại xe buýt điện khái niệm mới chạy bằng mạng lưới cung cấp điện không dây đặt dưới vỉa hè. Với những bước đi “chậm nhưng chắc” đó, Hàn Quốc đặt mục tiêu đưa 3600 xe buýt điện vào hoạt động tới năm 2020, mở ra kỷ nguyên các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
Mong đợi vào tương lai của xe buýt điện ở Hàn Quốc
Chỉ cần sử dụng 1 chiếc xe buýt điện thay thế 1 chiếc xe thông thường thì có thể giảm được khoảng 40 tấn CO2 trong 1 năm. Theo đó, nếu kế hoạch vận hành 3600 chiếc xe điện trở thành hiện thực thì có thể giảm chừng 150 nghìn tấn CO2, tương đương với việc trồng 2,5 triệu cây thông để hấp thu khí carbon. Ngoài ra, nó cũng giúp giảm khoảng 800 tấn ô xít Nitơ (NOx) hàng năm, nhờ đó môi trường không khí của chúng ta sẽ được cải thiện nhiều. Không chỉ thế, nó còn giúp giảm phí nhiên liệu khi chạy xe. Nói tóm lại, khai thác thành công loại xe này là “1 mũi tên bắn trúng 2 đích”, vừa tốt cho môi trường vừa tiết kiệm nhiên liệu.
Theo KBS World