Mới đây, các Bộ trưởng cấp khu vực tại Đức đã đề nghị Chính phủ công bố giới hạn tốc độ trên đường Autobahn với lý do không ai ngờ tới…
Hạn chế tốc độ để… độc lập nhiên liệu với Nga
Trong hội nghị diễn ra giữa tháng 5, các Bộ trưởng Môi trường cấp bang cho rằng, động thái này sẽ giúp tiết kiệm năng lượng, giảm phụ thuộc khí đốt, dầu mỏ vào Nga - vấn đề ngày càng nổi cộm kể từ khi nổ ra cuộc xung đột tại Ukraine.
Đường cao tốc Autobahn Đức
Trong thông báo chung, các lãnh đạo môi trường khu vực của nước Đức nhận định, việc giới hạn tốc độ trên đường Autobahn là phương pháp có thể thực hiện ngay, hiệu quả lập tức và không tốn kém, giúp giảm mức tiêu thụ nhiên liệu của Đức cũng như giảm nhu cầu nhập khẩu dầu mỏ từ nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ môi trường bang Lower Saxony - ông Olaf Lies, người chủ trì hội nghị cho biết: “Theo quan điểm của tôi, việc chạy xe không giới hạn tốc độ không còn phù hợp trong thời gian này. Chúng ta cần phải tăng cường bảo vệ môi trường thông qua hạn chế tốc độ”.
Người đứng đầu về môi trường bang Thuringia - bà Anja Siegesmund ca ngợi sáng kiến này là “biện pháp nhanh, hiệu quả để tiết kiệm hàng triệu lít nhiên liệu và giảm hàng triệu tấn khí thải CO2/năm”.
Chỉ có Bộ trưởng đến từ 2 bang Bavaria và North Rhine-Westphalia của Đức là không ủng hộ vì cho rằng nó chỉ có tác động hạn chế.
Tuy nhiên, trong thông báo chung cuối cùng, bao gồm đề xuất trên và một số đề xuất về chính sách môi trường khác, tất cả các quan chức môi trường cấp bang đồng lòng thông qua.
Trong đề xuất, họ cho rằng có thể áp dụng hạn chế tốc độ trong khoảng thời gian giới hạn và sẽ tiếp tục nếu cuộc xung đột Nga - Ukraine còn kéo dài.
Các quan chức năng Đức cũng chưa ấn định giới hạn tốc độ cụ thể nhưng ông Olaf Lies nghiêng về phương án giới hạn ở mức 130km/h.
35% nguồn nhập khẩu dầu của Đức là từ Nga
Để đề xuất này đi vào thực tiễn, cần nhiều thủ tục và quy trình hơn nữa. Song, tại thời điểm này, Thủ tướng Đức Olaf Scholz chưa đưa đề nghị này vào chương trình chính sách vì Đảng Dân chủ tự do (FDP) - một phần trong chính phủ liên minh do Đảng Dân chủ xã hội dẫn đầu phản đối.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Liên bang Đức Volker Wissing (đến từ Đảng FDP) đánh giá việc hạn chế tốc độ tại Đức là vấn đề “cực kỳ gây tranh cãi” và “gây chia rẽ xã hội sâu sắc”.
Ông còn chỉ ra một lý do khiến đề xuất trên không hợp lý là Đức không có đủ biển báo để giới hạn tốc độ tạm thời trong vài tháng rồi dỡ bỏ như vậy.
Chính quyền Berlin nói chung cũng chưa bình luận sâu về phương án trên.
Tuy nhiên, việc nhóm Bộ trưởng các bang của Đức cùng đồng tình đề xuất hạn chế tốc độ để giảm tiêu thụ nhiên liệu phần nào cho thấy mức độ phụ thuộc dầu mỏ và khí đốt của Đức vào nguồn xuất khẩu, nhất là Nga đang trở thành vấn đề rất cấp bách.
Berlin đang xoay xở đủ mọi cách để giảm nhập khẩu nhiên liệu từ Nga, phù hợp với chủ trương chung của châu Âu là trừng phạt năng lượng Nga. Trước khi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine bắt đầu, 35% nguồn nhập khẩu dầu của Đức là từ Nga. Kể từ khi xung đột nổ ra tỉ lệ này đã giảm xuống 12%.
Đầu tháng 5 này, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã cảnh báo khu vực phía Đông nước Đức có thể đối mặt với thiếu hụt nhiên liệu nếu Liên minh châu Âu nhất quyết theo đuổi kế hoạch cấm vận dầu mỏ Nga.
Khu vực Đông Đức đang sử dụng nhiên liệu từ nhà máy lọc dầu Schwedt, nơi vận hành hoàn toàn dựa trên nguồn nguyên liệu nhập khẩu Nga. Đây là một trong những cơ sở lọc dầu thô lớn nhất tại Đức và cung cấp 90% xăng, diesel được sử dụng tại Berlin và bang Brandenburg.
“Đặc sản”cao tốc không giới hạn
Trước nay, đường cao tốc Autobahn là “đặc sản” của nước Đức, rất ít quốc gia trên thế giới không có giới hạn tốc độ cụ thể với đường cao tốc.
Tại Nga, giới hạn này là 110km/h, ở Tây Ban Nha, Bộ Đào Nha, Bỉ tốc độ tối đa trên đường cao tốc là 120km/h còn tại Mỹ, tốc độ tối đa trên cao tốc thay đổi theo từng bang, dao động từ 105 - 140km/h.
Người Đức cũng nhiều lần trăn trở về vấn đề hạn chế tốc độ. Trước đó đã có ít nhất 4 đề nghị vào các năm 2019, 2013, 2012, 2007 để giới hạn tốc độ trên đường cao tốc Đức.
Trong lần gần nhất năm 2019, các thành viên Đảng Xanh ủng hộ đề xuất áp dụng giới hạn tốc độ tối đa 80 dặm/giờ (khoảng 130km/h) trên toàn bộ mạng lưới đường cao tốc liên bang - Autobahn, với lập luận việc giới hạn tốc độ là cần thiết nhằm giảm số vụ tử vong do tai nạn giao thông và giảm khí thải.
Tuy nhiên năm đó, 79% thành viên quốc hội Đức phản đối nên đề xuất này buộc phải gác lại.
Để tạo điều kiện cho xe di chuyển tốc độ cao, những con đường trên cao tốc Autobahn liên tục được bảo trì nhằm đảm bảo các phương tiện an toàn khi lưu thông ở tốc độ cao.
Nếu bề mặt đường của Autobahn có vấn đề, nguy cơ dẫn đến những vụ tai nạn nghiêm trọng là rất cao. Thậm chí, Autobahn còn có một đội công nhân hoạt động suốt ngày đêm để rà soát và đảm bảo khắc phục mọi hư hỏng trên đường ngay lập tức.
Dù không đặt giới hạn tốc độ nhưng Autobahn được đánh giá an toàn hơn bất kì hệ thống đường cao tốc nào khác trên thế giới khi chỉ có chưa tới 10% số vụ tai nạn giao thông tại Đức xảy ra trên Autobahn.
Theo khảo sát do Viện Forsa Đức thực hiện, 57% lái xe Đức ủng hộ áp đặt giới hạn tốc độ cao tốc; số người phản đối là 39%.
Khảo sát cũng cho thấy 85% người ủng hộ đặt giới hạn tốc độ cho rằng, đây là biện pháp cần thiết vì lý do an toàn. Chỉ một số nhỏ nhận thấy cần hạn chế vì tác động từ xung đột Nga - Ukraine.