Chính phủ Nga thông báo kế hoạch đầu tư 770 tỷ rubles (khoảng 14,5 tỷ USD) vào ngành công nghiệp hàng không của nước này.
Ngày 27/6, thông tin trong cuộc họp với các quan chức chính phủ được truyền hình trực tiếp, Phó Thủ tướng Nga Yury Borisov cho biết mục tiêu: “Đến năm 2030, số lượng máy bay sản xuất trong nước ở các hãng hàng không của Nga sẽ chiếm 81%”.
Nga đang thúc đẩy sản xuất máy bay nội địa nhưng hiện tại chỉ có máy bay Sukhoi Superjet được sản xuất hàng loạt bên trong nước Nga dù phần lớn bộ phận như động cơ vẫn phải nhập khẩu.
Nga đang chuẩn bị sản xuất hàng loạt máy bay tầm trung MS-21 dù loại này cũng phải sử dụng nhiều bộ phận nhập khẩu từ nước ngoài. Bên cạnh đó, Nga cũng kỳ vọng sẽ bắt đầu chế tạo số lượng nhỏ máy bay Tu-214 được đầu tư, thiết kế từ thời Liên Xô.
Máy bay Sukhoi Superjet 100 của Nga.
Để làm được như vậy, Chính phủ Nga có kế hoạch đầu tư 770 tỷ rubles (khoảng 14,5 tỷ USD) vào ngành công nghiệp hàng không của nước này.
Theo chương trình này, các hãng hàng không Nga sẽ nhận khoảng 1.000 máy bay sản xuất nội địa tính đến năm 2030.
Trước đó, báo Vedomosti đưa tin riêng Aeroflot – hãng hàng không lớn nhất của "xứ bạch dương"– có thể sớm ký hợp đồng với Tập đoàn Sản xuất Máy bay Thống nhất (UAC) thuộc sở hữu nhà nước để mua khoảng 300 máy bay mới.
Tuy nhiên hãng bay này chưa bình luận cụ thể về thông tin trên.
Nỗ lực nội địa hóa ngành hàng không Nga được đẩy mạnh khi ngành này đang gặp rất nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt từ phương Tây sau khi Moscow thực hiện chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine, cấm các hãng hàng không Nga bay đến các địa điểm tại châu Âu, Mỹ và nhiều nước khác.
Hiện tại, các hãng hàng không đã dừng phần lớn các chuyến bay quốc tế do các công ty cho thuê máy bay tuyên bố sẽ thu hồi lại máy bay nằm trong diện bị trừng phạt. Song Moscow đã thông qua 1 dự luật cho phép giữ lại hàng trăm máy bay nước ngoài để đáp trả các lệnh cấm vận từ phương Tây.