Để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, Chính phủ Israel nảy ra sáng kiến giảm lượt xe cá nhân của lực lượng lao động thuộc khu vực công.
Một số biện pháp được đặt ra như cho làm việc ở nhà, hỗ trợ tiền đi lại, hỗ trợ cho lao động không mua ô tô cá nhân…
Tắc nghẽn trên đường cao tốc Ayalon
“Khủng hoảng giao thông quốc gia”
Theo Công ty Kiểm soát giao thông thông minh (ITC), tình hình tắc nghẽn giao thông tại Israel thuộc vào mức tồi tệ nhất trong các nền kinh tế đã phát triển.
Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OECD) cho biết, hạ tầng giao thông tại Israel đã tụt hậu đáng kể so với hầu hết các quốc gia thành viên trong OECD. Tình trạng ùn tắc giao thông của Israel cũng thuộc vào mức tồi tệ nhất trong khối.
Sau 2 năm dịch bệnh, tình hình tắc nghẽn càng trầm trọng hơn khi người dân bắt đầu sử dụng phương tiện cá nhân nhiều hơn. Tình trạng ùn tắc khiến cuộc sống, công việc của nhiều người bị xáo trộn đáng kể.
Với anh Saar Bar-On, cư dân sống ở thành phố Givatayim, phía Đông Thủ đô Tel Aviv, vấn nạn ùn tắc khiến anh phải thay đổi cả giờ làm việc và giờ hẹn hò.
Nếu không muốn bị trễ hẹn với bạn gái sống ở Ramat Hasharon (cách nhà anh khoảng 13km), anh Saar Bar-On phải đặt báo thức lúc 6h sáng. Còn nếu đi vào giờ cao điểm thì thời gian lái xe sẽ tăng gấp 3 lần, thành 1 giờ hoặc hơn.
“Còn khi đi họp, bất kể thời gian họp muộn, tôi vẫn phải ra khỏi nhà trước 6h30 phút sáng. Chỉ cần chậm 30 phút, tôi sẽ phải ngồi trong ô tô chờ mòn mỏi”, anh Bar-On chia sẻ.
Theo dữ liệu từ ứng dụng định vị Waze, lưu lượng di chuyển đường bộ của Israel đã tăng trung bình 23% so với mức trước đại dịch. Đặc biệt, ở một số thành phố, con số này còn tồi tệ hơn.
Ông Felix Shakhman, người đứng đầu bộ phận thu thập, khảo sát và nghiên cứu dữ liệu tại Công ty Ayalon Highways cho biết, đường cao tốc Ayalon - con đường đông đúc nhất của Israel, giao thông bắt đầu có chiều hướng tắc sớm hơn và kéo dài đến tối muộn.
“Giờ cao điểm bây giờ bắt đầu lúc 6h30 sáng, kéo dài cả ngày và kết thúc vào đêm muộn. Tần suất đỉnh điểm tắc nghẽn xuất hiện nhiều hơn”, ông Shakhman cho biết.
Vấn nạn ùn tắc giao thông tại Israel nghiêm trọng, gây thiệt hại về kinh tế đến mức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Merav Michaeli phải tuyên bố “đang xảy ra một cuộc khủng hoảng giao thông quốc gia”.
Nhiều biện pháp giảm áp lực giao thông
Để giải quyết vấn nạn này, Chính phủ Israel đã đề ra dự án mới mang tên “Một triệu lượt” do Thủ tướng Israel Naftali Bennett và Bộ trưởng Bộ Giao thông Israel Merav Michaeli công bố trong một thông báo chung vào cuối tháng 6.
Dự án bao gồm các biện pháp để cải thiện giao thông công cộng, hủy bỏ ưu đãi đối với ô tô thuộc sở hữu cá nhân và cho phép lao động làm việc ở nhà nhiều hơn.
Ông Michaeli cho biết, mục đích là để “đảo ngược kim tự tháp” và đưa giao thông công cộng lên cao hơn so với các phương tiện thuộc sở hữu của tư nhân.
Trước hết, để thu hút người dùng, Israel sẽ tăng cường giao thông công cộng, đầu tư để xây dựng 120km làn xe buýt trên toàn quốc, củng cố lực lượng thực thi pháp luật.
Chính phủ cũng quan tâm mở rộng dịch vụ xe buýt, cải thiện an toàn đối với lái xe buýt, cải thiện điều kiện làm việc của các lái xe buýt để dịch vụ xe buýt hấp dẫn hơn.
Tổ chức Tài xế buýt Israel cho biết, hiện nay Israel đang thiếu hụt 5.000 lái xe và các lái xe hiện tại đang phải tăng ca gấp đôi. Nhiều tài xế bị hành khách lạm dụng, tấn công và từ rất lâu những vấn đề này không được giải quyết. Do đó, vài tháng gần đây, các lái xe buýt ở nước này đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình đòi hỏi điều kiện làm việc tốt hơn.
Trong kế hoạch trên, có biện pháp đáng chú ý là việc Israel sẽ mở rộng trợ cấp đối với các lao động trong khu vực công như tiền đi lại (dù họ có sở hữu phương tiện cá nhân hay không), đồng thời họ cũng được ưu tiên sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Đồng nghĩa, mỗi công nhân viên chức không mua ô tô riêng sẽ được hưởng hỗ trợ tới 1.000 NIS (6,6 triệu VNĐ)/người.
Một yếu tố khác của kế hoạch này đó là khuyến khích chia sẻ ô tô, cho phép lao động khu vực công có thể làm việc tại nhà và cung cấp thêm nhiều phương tiện giao thông cộng hơn nữa ở gần các khu vực có nhiều cơ quan, tổ chức.
Bên cạnh đó, Israel còn ứng dụng công nghệ như đèn tín hiệu giao thông thông minh để giảm thiểu tắc nghẽn.
Một quan chức Bộ Giao thông Israel cho biết, Bộ này đã đạt được thỏa thuận với Bộ Tài chính để cấp 200 triệu NIS (khoảng 1.330 tỷ VNĐ) cho dự án “Một triệu lượt”.
Quan chức trên đánh giá, dự án này được ủng hộ rộng rãi và ông tin dù sau các cuộc bầu cử tới đây, Israel có thay đổi quyền lực thì kế hoạch này cũng vẫn được thực hiện.