New York dự kiến sẽ áp dụng mức phí tắc nghẽn giao thông lên tới 23 USD/ngày để giảm 15-20% lượng ô tô vào khu trung tâm.
Thành phố New York dự kiến thu phí với phương tiện đi vào hoặc ở lại trong khu trung tâm tính từ giữa Đường 60 thuộc khu trung tâm Manhattan với công viên Battery ở rìa Nam Manhattan.
Mức phí sẽ thay đổi theo ngày. Lái xe sẽ được yêu cầu trả phí từ 9-23 USD (tương đương 210.000 - 537.000 VNĐ) khi vào khu trung tâm ở khung giờ cao điểm, phí để xe qua đêm là 5 USD (khoảng 116.000 VNĐ)
New York đã thông qua kế hoạch từ năm 2019, dự định áp dụng vào năm 2021 nhưng chính quyền liên bang dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đã không có động thái xúc tiến dự án này.
Tắc nghẽn giao thông trên đường vào quận Manhattan, New York, Mỹ. Ảnh - AP
Để được thông qua, kế hoạch trên cần được Cơ quan Quản lý Cao tốc Liên bang Mỹ (FHWA) đồng ý. Đến nay, FHWA mới thông qua quá trình đánh giá môi trường cần thiết và sẽ nhận ý kiến đóng góp của người dân tới ngày 9/9.
Dù không đưa ra mốc thời gian cụ thể, Cơ quan Giao thông Đô thị Mỹ (MTA) cho biết sau khi được thông qua, có thể mất tới 10 tháng để quy định có hiệu lực. Trong giai đoạn này, New York sẽ triển khai và thiết kế hệ thống để có thể thực thi quy định.
“Thu phí tắc nghẽn tốt cho môi trường, cho giao thông công cộng và New York cũng như khu vực lân cận”, Giám đốc điều hành MTA Janno Lieber cho biết.
Theo bản báo cáo đánh giá tác động môi trường công bố ngày 9/8, việc thu phí sẽ giúp giảm lưu lượng giao thông, cải thiện chất lượng không khí, khuyến khích sử dụng xe bus và tăng sử dụng giao thông công cộng lên 1-2%. Thu phí tắc nghẽn giao thông cũng giúp tăng thu ngân sách 1-1,5 tỷ USD mỗi năm, hỗ trợ thêm cho kế hoạch vay 15 tỷ USD để cải thiện giao thông công cộng.
New York là khu vực có tình trạng tắc nghẽn giao thông trầm trọng nhất tại Mỹ và sẽ là thành phố lớn đầu tiên của Mỹ theo sau London áp dụng mức phí tắc nghẽn giao thông. Thủ đô của Anh đã thực hiện biện pháp này từ năm 2003.