Trong 12 năm qua, Qatar đã “lột xác” hạ tầng giao thông một mặt để phục vụ World Cup 2022, mặt khác để phục vụ tầm nhìn giao thông xanh.
Hệ thống giao thông lấy người hâm mộ làm trung tâm
Cách đây gần 12 năm, ngày 2/12/2010, Qatar hân hoan khi chính thức vượt qua 4 quốc gia Mỹ, Hàn Quốc, Australia và Nhật Bản, được trao quyền đăng cai World Cup. Bên cạnh niềm vui, đất nước nhỏ bé Vùng Vịnh đối mặt với rất nhiều chỉ trích về cáo buộc tham nhũng cũng như những lo ngại Qatar không đủ tiêu chuẩn, rủi ro, diện tích nhỏ…
Cuối cùng, trong 12 năm qua, Qatar đã nỗ lực nâng cấp hạ tầng, nhất là “lột xác” hạ tầng giao thông để tổ chức một giải World Cup 2022 suôn sẻ nhất và phục vụ định hướng giao thông của Qatar về lâu dài, biến những điểm yếu như diện tích nhỏ trở thành lợi thế.
Ông Eng Thani Al Zarraa, Giám đốc Điều hành Hoạt động đi lại thuộc Ủy ban Tối cao về Giao nhận và Di sản của Qatar (SC) khẳng định người hâm mộ sẽ luôn là đối tượng hướng đến trung tâm trong suốt World Cup 2022.
Qatar đã nỗ lực nâng cấp hạ tầng, nhất là “lột xác” hạ tầng giao thông
để tổ chức một giải World Cup 2022 suôn sẻ nhất và phục vụ định hướng giao thông của Qatar
“Trong giai đoạn lập kế hoạch, tham vọng của chúng tôi là tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động di chuyển giữa các sân vận động, chỗ ở và nhiều địa điểm khác. Và nhờ sự hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan, như Tổng công ty xây dựng Ashghal, Tổng công ty đường sắt Qatar (Qatar Rail) và Bộ Giao thông vận tải, chúng tôi đã đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu đặt ra ”, ông Al Zarraa nói.
Thông tin với báo giới, ông Al Zahraa cho biết: Ước tính, khoảng 200 tỷ USD đã được đầu tư riêng cho cơ sở hạ tầng và phương tiện giao thông.
Từ nước không có đường sắt đến hệ thống tàu điện hiện đại
Khi Qatar được trao vai trò chủ nhà World Cup năm 2010, nước này chưa hề có mạng lưới đường sắt. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2011, Qatar thành lập Qatar Rail với mục đích xây dựng, quản lý và vận hành đường sắt Qatar, từ đó, hệ thống đường sắt nước này đã phát triển nhanh chóng.
Từ năm 2019, Qatar Rail đã xây dựng xong Doha Metro, một hệ thống tàu điện ngầm ba tuyến đỏ, xanh lá cây và vàng trải dài 37 nhà ga trên khắp thủ đô và hiện kết nối 5 trong số 8 sân vận động World Cup.
Tàu điện Qatar là phương tiện giao thông chủ chốt
phục vụ hoạt động đi lại trong mùa World Cup 2022
Trong đó, tuyến đỏ, chạy từ Sân bay Quốc tế Hamad qua trung tâm Doha đến Lusail, nơi trận chung kết sẽ diễn ra vào ngày 18/12. Các nhà ga và trên tàu đều được trang bị hệ thống Wi-Fi công cộng và có hệ thống camera để giám sát hành vi của người hâm mộ khi di chuyển đến và đi từ các trận đấu.
Tàu điện ngầm Doha thường chạy 75 chuyến trong 21 giờ mỗi ngày với tốc độ lên đến 62 dặm/giờ, tổng công suất chở khách lên tới 31.200 người. Và để giảm bớt tắc nghẽn trong suốt giải đấu, Qatar Rail tăng cường hoạt động của Doha Metro lên tới 110 chuyến với công suất chở khách 45.700 người. Hệ thống tàu không người lái cũng sẽ cung cấp dịch vụ gần như 24 giờ/ngày trong suốt giải đấu.
Doha Metro không chỉ là trung tâm của mạng lưới đường sắt Qatar phục vụ World Cup, nó còn nằm trong một dự án lớn hơn, kết nối hệ thống tàu điện Lusail LRT mới mở và một tuyến đường sắt đường dài đi qua các thành phố trên khắp Qatar, cũng như các quốc gia khác của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) bao gồm cả Saudi Arabia, Bahrain, Kuwait và UAE.
“Tàu điện ngầm là lựa chọn giao thông cốt lõi cho người hâm mộ và đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa mọi người đến và đi từ các sân vận động. Chúng tôi đã may mắn chứng kiến sự thành công của hệ thống này, đặc biệt là trong FIFA Arab Cup, khi nơi đây phục vụ 2,5 triệu hành khách trong 19 ngày”, ông Al Zarraa nói.
64 trận diễn ra trong bán kính 55km
Vì quy mô và diện tích của Qatar rất nhỏ nên lần đầu tiên trong lịch sử World Cup, 64 trận đấu đều diễn ra trong bán kính 55km của Doha. Với quy mô nhỏ như vậy, vào những ngày diễn ra trận đấu, người hâm mộ sẽ sử dụng xe buýt, tàu điện ngầm, hệ thống vận chuyển đường sắt nhẹ và taxi để di chuyển.
5 trong số 8 sân vận động phục vụ World Cup được kết nối trực tiếp với tàu điện ngầm, các sân vận động còn lại được kết nối bằng sự phối hợp hoạt động của dịch vụ tàu điện ngầm và xe buýt.
Với sự thuận tiện này, các cầu thủ và ban huấn luyện sẽ có thể tập trung vào việc tập luyện và không lãng phí thời gian do phải di chuyển xa.
8 sân vận động của Qatar phục vụ World Cup
Người hâm mộ có thể ở cùng một khu nghỉ và tham dự tất cả các trận đấu bằng phương tiện công cộng. Hơn nữa, tất cả những người có thẻ Fan ID (còn được gọi là Thẻ Hayya) sẽ được sử dụng phương tiện công cộng miễn phí từ ngày 10 tháng 11 đến ngày 23 tháng 12 năm 2022.
Người hâm mộ có cơ hội tham dự nhiều hơn một trận đấu mỗi ngày trong giai đoạn đầu của giải đấu.
Khách du lịch cũng có thể sử dụng taxi, ô tô riêng có người lái, taxi nước kết nối các khu vực Vùng Vịnh cũng như xe đạp, xe scooter và xe máy điện.
“Cốt lõi trong kế hoạch của chúng tôi là cung cấp các giải pháp thân thiện với môi trường để thay thế cho các phương tiện giao thông truyền thống. Người hâm mộ sẽ có thể thuê xe máy điện và xe scooter điện ở Vịnh Tây, thành phố “thông minh” Lusail (nơi diễn ra trận khai mạc và trận chung kết) và Hòn Ngọc. Đây là một giải pháp tiện lợi và cũng là một cách thực sự thú vị để khám phá Qatar, ”Al Zarraa nói.
Nâng cấp giao thông đường bộ và hướng tới bền vững
Để phối hợp với các tuyến tàu điện, Qatar cũng tiến hành mở mang đường xá và phát triển 3 mạng lưới xe điện (tram).
Có tổng cộng 30 dự án đường bộ đã được thực hiện ở Qatar vào cuối năm 2016, bao gồm dự án cải thiện các đường liên kết, nút giao thông và đường hầm. Chương trình phát triển đường bộ lớn nhất của Qatar vào thời điểm đó là Chương trình Đường cao tốc trị giá hàng tỷ USD nhằm phát triển mạng lưới cầu đường của đất nước.
Và 3 mạng lưới xe điện đang được triển khai ở thành phố Lusail, khu vực sân vận động Qatar Foundation và khu vực trung tâm Doha - Msheireb.
Cụ thể, Lusail có khoảng 25 xe điện hoạt động theo bốn tuyến - màu hồng, tím, xanh ngọc và cam. Xe điện ở khu vực Qatar Foundation - một trong những điểm thu hút khách du lịch chính của Qatar và là nơi có một trong những sân vận động chính, có thể chở tới 180 hành khách. Và xe điện tại Msheireb kết nối toàn bộ khu vực lân cận, trong đó có cả trung tâm Doha.
Xe điện tram tại khu vực trung tâm Doha.
Đồng thời, để khuyến khích sử dụng các dịch vụ giao thông bền vững, nước này cũng cung cấp dịch vụ sử dụng ô tô điện, xe scooter và xe buýt. Một đội xe buýt gồm 4.000 chiếc, trong đó có 700 chiếc chạy điện, được sử dụng để đưa đón hành khách di chuyển giữa các trung tâm giao thông và sân vận động.
Trong khi đó, xe buýt cũng ước tính vận chuyển khoảng 50.000 hành khách mỗi ngày trong thời gian diễn ra World Cup.
Hệ thống giao thông của Qatar đã phát huy hiệu quả ngay trong những ngày đầu của giải đấu. Bộ Giao thông vận tải Qatar (MoT) ngày 23/11 cũng chia sẻ rằng Doha Metro và hệ thống xe điện tại nước này đã đón được 2.294.604 hành khách sau khi World Cup bắt đầu. Tổng cộng 674.172 hành khách đã được di chuyển bằng cả tàu điện ngầm và tàu điện vào ngày 22/11.
Thêm vào đó, mạng lưới giao thông xanh của Qatar sẽ đặt ra các tiêu chuẩn mới cho tính bền vững và đóng góp rất nhiều cho người dân địa phương – đối tượng chính sẽ sử dụng các hệ thống này sau khi World Cup khép lại.
Ông Al Zarraa nói: “Sự chuyển đổi mà Qatar đang thực hiện sẽ mang lại lợi ích tốt cho người dân hậu World Cup, khi cung cấp các giải pháp thay thế giao thông bền vững và giá cả phải chăng và cũng đưa ra nhiều lựa chọn giao thông khác nhau để giúp đất nước giảm lượng khí thải carbon”.