Một phần không phận của Tây Ban Nha phải đóng cửa, khoảng 300 chuyến bay bị hoãn do lo ngại mảnh vỡ từ tên lửa Trung Quốc rơi trở lại Trái Đất.
Theo các cơ quan kiểm soát không gian Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, 4 ngày sau khi được phóng từ khu vực phía Nam Trung Quốc, một mảnh vỡ với kích thước khổng lồ của tên lửa Trường Chinh 5B đã tách ra và đang quay trở lại bầu khí quyển Trái Đất ở khu vực phía Nam Thái Bình Dương.
Trung tâm Giám sát và Theo dõi Không gian của EU (EUSST) – tổ chức đang theo dõi hành trình mảnh vỡ trở lại Trái đất, cho biết phần lõi của tên lửa dài khoảng 30 mét và nặng từ 17 đến 23 tấn, là “một trong những mảnh vỡ lớn nhất rơi trở lại Trái Đất trong thời gian gần đây” và cần phải theo dõi sát sao.
Tên lửa Trường Chinh 5B. Ảnh - VCG/Getty Images
Liên quan tới sự việc này, cơ quan quản lý hàng không Tây Ban Nha – Enaire đã thông báo hạn chế không phận đối với khu vực phía Bắc và Đông của đất nước bao gồm các đảo Catalonia và Balearic.
Trong thông báo, Enair cho biết: “Vì phần còn lại của tên lửa Trung Quốc đang quay trở lại Trái Đất không kiểm soát, đi qua lãnh thổ quốc gia của chúng tôi, theo khuyến nghị của Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh Châu Âu và các cơ quan liên quan do Cơ quan an ninh quốc gia dẫn đầu, đã thiết lập một vùng cấm bay rộng 100km.
Theo thông tin cập nhật sau đó, hoạt động đóng không phận kéo dài từ 9h37 -10h17 sáng 4/11 theo giờ địa phương khiến hoạt động bay trong khu vực cấm phải tạm dừng khoảng nửa giờ. Cơ quan Vận hành Sân bay Tây Ban Nha – Aena thống kê, có 300 trong số 5.484 chuyến bay trên 46 sân bay bị ảnh hưởng.
Theo thông tin mới nhất, quỹ đạo của vật thể trên cách bề mặt Trái đất khoảng 177 km với trọng lượng 21,6 tấn, nhưng nó đang giảm dần khi rơi qua bầu khí quyển.
Tên lửa đẩy Trường Chinh 5B-Y4, mang theo mô-đun Mộng Thiên, đã được phóng lên vũ trụ từ bãi phóng Văn Xương, trên bờ biển đảo Hải Nam, miền Nam Trung Quốc từ ngày 31/10. Mô-đun Mộng Thiên sẽ được ghép nối với 2 mô-đun đã được đưa lên quỹ đạo trước đó ở độ cao 400 km, qua đó đưa việc xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung của nước này đi vào giai đoạn hoàn tất.