Từ sân bay tốt nhất châu Âu thành nỗi ám ảnh của hành khách

Chủ nhật, 16/10/2022 11:28
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sân bay Amsterdam Schiphol, Hà Lan gặp nhiều khó khăn trong công tác vận hành đến mức phải cắt giảm số chuyến bay suốt từ đầu năm 2022 đến nay.

Đã có lần lọt vào danh sách các sân bay tốt nhất thế giới, 15 năm liên tục (1988 - 2003) được bầu chọn là sân bay tốt nhất châu Âu, nay Amsterdam Schiphol, Hà Lan đang rơi vào cảnh hỗn loạn, bị cả hãng hàng không, hành khách bức xúc, than phiền.

“Tình cảnh vô vọng”

Hành khách xếp hàng dài chờ đợi bên ngoài sân bay Schiphol, Amsterdam, Hà Lan

Sân bay Amsterdam Schiphol, Hà Lan gặp nhiều khó khăn trong công tác vận hành đến mức phải cắt giảm số chuyến bay suốt từ đầu năm 2022 đến nay.

Trong đợt mới nhất, sân bay Schiphol đề nghị các hãng bay cắt giảm tới 22% số chuyến trong mùa Đông tới, khiến một số hãng hàng không, bao gồm hãng bay quốc gia của Hà Lan KLM phải lên tiếng chỉ trích.

Trong một thông báo, KLM cho rằng, tình trạng cắt giảm chuyến bay tại Schiphol là “tình cảnh vô vọng”, ảnh hưởng tới danh tiếng của hãng đối với hành khách cũng như nhu cầu đi lại sau đại dịch Covid-19. Hãng bay ước tính sẽ chịu thiệt hại hơn 100 triệu Euro vì bị cắt giảm chuyến.

Trong mùa Hè qua, một số hãng bay gồm Air Malta, TUI và Transavia đã buộc phải chuyển bớt một số chuyến bay từ sân bay Schiphol sang các sân bay khác. Các hãng cho rằng, tình hình hiện tại là do công tác quản lý yếu kém của sân bay Schiphol.

Trước tình hình này, ngày 15/9, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Royal Schiphol Group, ông Dick Benschop thông báo từ chức. Ông Benschop sẽ tiếp tục công tác cho tới khi có người kế nhiệm.

Chờ hàng tiếng vẫn không lên được máy bay

Trước tình trạng này, nhiều hành khách, trong đó có anh Fadi Bizri rất bức xúc vì mất nhiều giờ đợi check-in, kiểm tra an ninh, hộ chiếu.

Anh Bizri cho biết, vì phải chờ làm thủ tục và kiểm tra an ninh quá lâu nên khi xong anh phải tức tốc chạy tới cổng để lên máy bay nhưng cuối cùng chuyến bay vẫn bị hoãn.

“Tôi đã ký gửi hành lý nên chỉ còn đeo một chiếc balo và phải chạy hết tốc lực mới kịp tới cổng lên máy bay. Tôi không hiểu những gia đình có trẻ nhỏ, người già hay người gặp khó khăn trong việc di chuyển sẽ phải xử lý như thế nào”, anh Bizri nói.

Nhiều hành khách khác đã than phiền về dịch vụ tại sân bay Schiphol trên mạng xã hội, đăng kèm những bức ảnh cho thấy hàng dài hành khách xếp hàng bên trong và bên ngoài sân bay.

Thậm chí, chính nhân viên của Schiphol cũng than phiền về dịch vụ tại sân bay của mình. Phát biểu tại Lễ hội Hàng không Thế giới (World Aviation Festival) ở Amsterdam, ông Bøe-Lillegraven, người đứng đầu bộ phận dữ liệu tại Royal Schiphol Group, đã trình chiếu bức ảnh chụp hàng dài hành khách xếp hàng chờ đợi bên ngoài sân bay và cho biết, ông cùng gia đình phải chờ đợi suốt 4 giờ tại sân bay khi lên đường đi nghỉ.

Vì đâu nên nỗi?

Nhiều hành khách phải xếp hàng đợi trong nhiều giờ để được lên chuyến bay tại sân bay Schiphol

Tại Lễ hội Hàng không Thế giới hồi đầu tháng 10 có sự tham gia của 5.000 chuyên gia trong ngành hàng không, tình trạng gián đoạn hoạt động đi lại của hành khách tại sân bay Schiphol là một trong những chủ đề thảo luận chính.

Trong bài phát biểu tại sự kiện, ông Benschop thừa nhận sân bay Schiphol đang gặp phải những vấn đề vận hành nghiêm trọng do thiếu nhân sự và không thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Thực chất, không riêng sân bay Schiphol mà toàn ngành hàng không tại châu Âu đang đối mặt với rất nhiều vấn đề khi nhu cầu đi lại tăng đột biến sau đại dịch, trong khi nhân sự thiếu hụt.

Song, ở sân bay của Hà Lan thì tình trạng này là đặc biệt nghiêm trọng.

Bất ổn bắt đầu từ 23/4 - ngày đầu tiên của kỳ nghỉ mùa Xuân tại Hà Lan và cũng là ngày nhân viên phục vụ trên mặt đất của hãng bay KLM đình công, gây gián đoạn nhiều chuyến bay.

Tới tháng 5, tình trạng này ở Schiphol lại tiếp diễn do thiếu nhân viên an ninh. Hành khách phải xếp hàng dài chờ kiểm tra an ninh.

Sau khi sân bay khẩn trương ra quyết định thưởng thêm 5,25 Euro/giờ cho nhân viên an ninh trong mùa cao điểm, vấn đề này phần nào được giải quyết. Song do chính sách thưởng này không áp dụng với nhân viên vệ sinh nên tháng 6, khối nhân viên này đã đình công.

Tiếp đó, hết mùa Hè, khi sân bay Schiphol chấm dứt chương trình thưởng cho một số nhân viên, nhiều người xin thôi việc để chuyển sang các công việc có mức lương cao hơn.

Kết quả, cảnh tượng hàng dài hành khách chờ đợi tại sân bay Schiphol xuất hiện trở lại, đặc biệt vào dịp cuối tuần.

Ông Joost van Doesburg, quan chức thuộc một hiệp hội đại diện cho lao động tại sân bay Schiphol cho rằng, các biện pháp cắt giảm chi phí chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề.

Thay vào đó, theo ông Joost, sân bay cần sắp xếp lịch làm việc phù hợp hơn cho lao động, giảm thuê ngoài đối với những công việc liên quan tới vận hành sân bay, cải thiện chính sách lương, đãi ngộ.

Ông Joost chỉ ra: “Một nhân viên tại siêu thị có thể có mức lương cao hơn nhân viên an ninh tại sân bay Schiphol. Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp đối phó khẩn cấp, cần thực hiện các biện pháp bền vững và thay đổi cấu trúc để cải thiện việc làm cho lao động”.

Chụp ảnh làm bằng chứng đòi bồi thường

Trong khi các biện pháp mà sân bay đề ra đều cần thời gian để có hiệu quả, trước mắt, một số hành khách “thấu nỗi đau chờ đợi” như anh Bizri gợi ý việc chuyển sang đi sân bay khác như Rotterdam The Hague hay sân bay Brussels ở Bỉ hoặc đi tàu.

Những người bắt buộc phải sử dụng dịch vụ tại sân bay Schiphol có thể tham khảo thông tin trên trang web của sân bay về dự báo những ngày sân bay đông đúc, ước tính thời gian chờ đợi cho chuyến bay của mình; tới sân bay 4 giờ trước khi chuyến bay khởi hành.

Hành khách sử dụng dịch vụ tại sân bay Schiphol cũng lập nhóm trên Facebook với 8.300 thành viên, thường xuyên chia sẻ thông tin cập nhật về thời gian chờ đợi, các chuyến bay bị hoãn; khuyến nghị các hành khách khác không ký gửi hành lý để tránh thất lạc.

Sân bay Schiphol cũng có kế hoạch bồi thường cho hành khách bị lỡ chuyến bay do thời gian chờ đợi kéo dài. Một số hành khách khuyến nghị rằng, ngay khi đặt chân tới sân bay, hành khách nên chụp ảnh để làm bằng chứng trong trường hợp cần yêu cầu bồi thường.

Cô Ugne Lipeikaite là một người thường xuyên đi công tác châu Âu, nhiều lần phải nếm trải cảnh chờ đợi tại sân bay Schiphol, thậm chí có lần chờ dài vẫn không lên được máy bay. Nhưng thay vì tức giận, cô đã tìm được giải pháp khác là đọc sách trong thư viện ở sân bay.

“Trong chuyến đi dài phải chuyển tiếp nhiều lần, bạn cần học cách bình tĩnh và thuận theo tình hình và học cách trân trọng những điều nhỏ bé. Bạn thấy đấy, ở Uganda, dịch Ebola đang bùng phát trở lại, đe doạ tính mạng của bao người. Vậy việc chờ đợi, khó chịu trong vài giờ để lên máy bay đâu có xá gì so với nỗi lo bệnh tật”, Lipeikaite chia sẻ.

nhunghv

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)