Các thành phố lớn trên thế giới đều đã có, hoặc đang xây dựng hệ thống metro (xe điện ngầm). Đây là phương tiện giao thông an toàn, sạch sẽ, đúng giờ, vận chuyển được nhiều hành khách nhất. Tuy nhiên, việc xây dựng khó khăn và tốn kém hơn rất nhiều so với xây dựng đường sắt, đường tàu điện, đường ôtô, mạng lưới xe buýt v.v... Sau đây là một vài nét về Metro Moskva, Liên bang Nga.
Các thành phố lớn trên thế giới đều đã có, hoặc đang xây dựng hệ thống metro (xe điện ngầm). Đây là phương tiện giao thông an toàn, sạch sẽ, đúng giờ, vận chuyển được nhiều hành khách nhất. Tuy nhiên, việc xây dựng khó khăn và tốn kém hơn rất nhiều so với xây dựng đường sắt, đường tàu điện, đường ôtô, mạng lưới xe buýt v.v... Sau đây là một vài nét về Metro Moskva, Liên bang Nga.
Một ga tàu điện ngầm tại thành phố Moskva, Nga
Metro Moskva 75 tuổi
Khoảng cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX (1875-1902), Moskva đã nhận được nhiều dự án xây dựng metro, nhưng đều không thực hiện được vì nhiều lý do, cả về kinh tế lẫn kỹ thuật. Trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, lại có thêm một loạt dự án khác, song cũng bị từ chối. Năm 1925, nhu cầu giao thông của Moskva càng trở nên bức thiết.
Thế nhưng dự án về cung đường Myasnitsky, có cả công ty nước ngoài Siemens Bauunion GmbH tham gia thiết kế, cũng bị bác bỏ. Về sau, việc xây dựng metro không đơn thuần chỉ để đáp ứng nhu cầu giao thông, mà còn vì sự thúc bách của cả những yếu tố chính trị - quân sự, nên năm 1933 Moskva khởi công xây dựng tuyến đường đầu tiên từ công viên Sokolniky đến "Đồi Lênin" (nay lấy lại tên cũ "Đồi Chim sẻ").
Ngày 15/5/1935, khai trương tuyến đường này. Từ đó Moskva bắt đầu có thêm một phương tiện giao thông mới. Trước Chiến tranh thế giới lần thứ hai, việc xây dựng metro ở Moskva càng trở nên khẩn trương.
Metro Moskva là một trong những hệ thống metro hiện đại, tiên tiến và phục vụ hiệu quả nhất trên thế giới. Việc đi lại bằng metro ở Moskva trở nên vô cùng thuận lợi, rất nhanh chóng, đúng giờ và an toàn gần như tuyệt đối. Năm 2008, metro Moskva đã vận chuyển 2,573 tỉ lượt hành khách, đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Metro Tokyo - 3 tỉ lượt hành khách...
Hệ thống metro bao trùm khắp Moskva
Metro Moskva hiện có 12 tuyến với tổng chiều dài 293,1km, 177 nhà ga, cấu tạo như một mạng nhện bao trùm khắp thành phố. Phần lớn trong số 177 nhà ga đang hoạt động nằm sâu trong lòng đất, chỉ có 14 ga nổi trên mặt đất, hoặc ở trên cầu bắc qua sông Moskva. Ga Park Pobedy nằm ở độ sâu nhất 84m. Các ga metro cách nhau trung bình 1,8-2,5 km.
Nhưng cũng có những nơi xa hơn nhiều, xa nhất là đoạn đường giữa hai ga Krylatskoe - Stroghino dài 6,625 km. Còn ngắn nhất là giữa ga Delovoi Sentr và ga Mejdunarodnaya chỉ có 497m (khu vực này nằm ở trung tâm thành phố, lượng khách đi lại hàng ngày rất đông). Hầu hết các ga đều dài từ 155-160m, tương thích với đoàn tàu 8 toa. Có một vài ga dài hơn 160m, trong đó ga Đồi Chim sẻ dài nhất: 282m.
Mỗi nhà ga metro Moskva đều mang một dáng dấp kiến trúc riêng, rất ít trùng lặp. Nhiều ga lộng lẫy như những cung điện dưới lòng đất. Các trụ cột cũng như thành, vòm tunnel ở ga được ốp đá hoa cương, chạm trổ những bức phù điêu, hoặc trang trí bằng những bức tranh dân gian đậm nét Nga.
Trước Chiến tranh thế giới lần thứ hai, ở nhiều ga còn trang trí rất nhiều tượng đồng. Trong chiến tranh người Nga đã phải hy sinh không ít tượng đồng để sản xuất vũ khí.
Nay chỉ còn ở ga Ploschad Revolyutsya (Quảng trường Cách mạng) giữ lại được 77 pho tượng đồng, hình tượng tiêu biểu cho các giới sĩ, nông, công, binh và các tầng lớp vô sản khác. Sàn nền các ga lúc nào cũng sạch sẽ. Người dân Nga rất có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Trong sảnh dọc theo nhà ga, đèn chùm với chao đèn pha lê suốt ngày đêm tỏa sáng, chờ tàu bất cứ giờ nào cũng có thể đọc sách báo.
Hiện Metro Moskva có 4.510 toa xe. Trong những giờ cao điểm, cứ 1,5-2 phút có một chuyến tàu, những giờ ít người đi lại hơn thì khoảng cách từ 3-5 phút, sau 21 giờ các đoàn tàu cách nhau 6-7 phút. Tuy nhiên, trong hai ngày nghỉ cuối tuần và những ngày lễ, nhân dân đi lại nhiều, metro phải hoạt động với nhịp độ tăng cường suốt ngày 2-3 phút/chuyến.
Metro Moskva có 2.418 cửa quay, đảm bảo hành khách ra vào liên tục, mà không khí lạnh bên ngoài không thể ùa vào trong metro. Có tất cả 634 thang máy - băng tải với tổng chiều dài 66,8 km. Thang máy - băng tải dài nhất ở ga Park Pobedy 126m. Tốc độ trung bình của metro Moskva 40-42 km/giờ, bởi vậy đi từ đầu đến cuối thành phố cũng chỉ mất 30-40 phút.
Liên tục hiện đại hóa
Tổng giám đốc Metro Moskva Dmitry Gayev cho biết, trong vòng từ nay đến năm 2015, metro Moskva có nhiều việc phải làm, song chủ yếu sẽ tập trung vào hai vấn đề sau: Thứ nhất, đổi mới và tăng cường công suất hệ thống thông gió. Toàn bộ metro Moskva hiện có 500 hệ thống thông gió chính (ngoài ra, còn có hàng nghìn hệ thống thông gió phụ, công suất nhỏ hơn).
Trong khi thay đổi các hệ thống quạt cũ bằng những thiết bị mới, công suất lớn hơn, thì việc vận chuyển hành khách vẫn phải bảo đảm liên tục, không gián đoạn, không hạn chế số hành khách. Bởi thế, trên từng tuyến phải sửa chữa, đổi mới các hệ thống quạt gió theo "kiểu răng lược", mỗi năm trên mỗi tuyến chỉ làm ở 3-4 điểm.
Thứ hai, đổi mới đoàn tàu. Các toa xe mới đều phải lắp đặt hệ thống thông gió và điều hòa nhiệt độ cục bộ, bảo đảm cho hành khách trên bất cứ chuyến metro nào cũng cảm thấy thoải mái, dễ chịu, không bị ngột ngạt vì thiếu dưỡng khí, không bị rét vào mùa đông, không bị nóng bức vào mùa hè. Toàn bộ Metro Moskva có 4.510 toa xe, trong thời gian từ nay tới năm 2015, mỗi năm sẽ phải đổi mới khoảng 200-250 toa.
Metro bí mật?
Rất lâu rồi, dư luận cả trong và ngoài nước vẫn cho rằng ở Moskva còn có hệ thống metro thứ hai, mà người ta thường gọi là "metro-2". Đây là hệ thống metro bí mật, chỉ gồm một vài tuyến, tất cả đều xuất phát từ điện Kremly đi theo các hướng khác nhau ra ngoại ô Moskva.
Cũng có thể coi đây là hệ thống boongke chiến lược, mang ý nghĩa quân sự nhiều hơn là sử dụng cho giao thông. Đường ray của metro-2 cũng giống như metro-1, đều ở cỡ thông thường 1,524m. Tuy nhiên, tại metro-2 đường ray được cố định trên mặt đường bê tông, tạo thành một mặt phẳng, để các loại ôtô, xe thiết giáp cũng có thể di chuyển bình thường.
Điều khác biệt tại metro-2, đầu tàu sử dụng điện ắc quy cực mạnh, hoặc đầu kéo diezel. Ở metro-1, đầu kéo có thiết bị điện tiếp xúc với đường ray, tốc độ tối đa đạt 90 km/giờ. Nhưng ở metro-2, nếu sử dụng điện ắc quy, tốc độ chỉ đạt 15 km/giờ, còn sử dụng đầu kéo diesel thì tốc độ tối đa cũng chỉ đạt 60 km/giờ.
Theo Transportation