Sau hơn 3 năm nghiên cứu với hàng chục tỷ USD chi phí sản xuất và thử nghiệm cùng nhiều lần trì hoãn, máy bay Dreamliner của Boeing cuối cùng đã có thể sải cánh trên đường băng.
Ngày 27/9, chiếc 787 Dreamliner đầu tiên đã tới Tokyo để hãng hàng không Nhật Bản All Nippon Airway (ANA) đưa vào sử dụng vào cuối tháng 10 tới.
Hãng hàng không Nhật Bản sẽ khởi hành chuyến bay đầu tiên bằng 787 Dreamliner trên tuyến bay Tokyo-Hong Kong (Trung Quốc), và sau đó là các chuyến đến Bắc Kinh và Frankfurt, Đức.
Năm 2008, ANA đã đặt hàng Boeing 55 chiếc Dreamliner. Đây là một phần trong chiến lược vươn ra thế giới của hãng này. Với chiếc máy bay tiết kiệm nhiên liệu nhất thế giới hiện nay của Boeing, ANA hy vọng sẽ cắt giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh với các hãng hàng không.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, Ban giám đốc của Boeing có tổng hành dinh ở thành phố Chicago đã thông báo kế hoạch tăng gần gấp đôi sản lượng chế tạo máy bay 787 Dreamliner trong vòng 6 tháng tới và hy vọng đến cuối thập kỷ này, dây chuyền sản xuất loại máy bay động cơ phản lực chở khách đầu tiên của thế giới làm bằng vật liệu composite và tiết kiệm nhiên liệu nhất này của hãng sẽ bắt đầu có lãi khi khoản thu của một chiếc 787 Dreamliner được bán ra cao hơn giá thành sản xuất.
Giám đốc phụ trách kinh doanh các máy bay thương mại của Boeing, ông Jim Albaugh cho biết công ty có kế hoạch từ tháng 11 tới sẽ nâng công suất chế tạo 787 Dreamliner lên 2,5 chiếc/tháng so với 2 chiếc như hiện nay và đến cuối mùa Đông năm 2011 và đầu mùa Xuân năm 2012 sẽ nâng lên 3,5 chiếc/tháng.
Mục tiêu xa hơn của Boeing là đến cuối năm 2013 sẽ nâng công suất lên 10 chiếc 787 Dreamliner mỗi tháng.
Phát biểu với báo chí ngày 26/9 trong buổi lễ bàn giao tượng trưng chìa khóa chiếc 787 Dreamliner đầu tiên cho hãng hàng không Nhật Bản, ông Albaugh thừa nhận dự án Dreamliner gặp khó khăn ngay từ ban đầu, liên tục bị trì hoãn và hiện tại "chúng tôi cũng đang đứng trước hai thách thức lớn là tăng sản lượng và làm ăn có lãi."
Theo tính toán của Boeing, chậm nhất là đến trước năm 2020 dự án Dreamliner sẽ bắt đầu có lãi. Các phân xưởng của Boeing hiện đang đứng trước áp lực phải đẩy nhanh việc chế tạo các động cơ và cắt giảm chi phí sản xuất.
Dreamliner là loại máy bay chở khách có đơn đặt mua tăng nhanh nhất trong lịch sử hàng không. Tính đến cuối tháng 7/2011, tổng số đơn đặt hàng của thế giới mua loại máy bay này đã lên tới 827 chiếc so với đối thủ A350 của châu Âu mới chỉ có 567 chiếc.
Công ty tài chính chuyên cho thuê máy bay ILFC (International Lease Finance Corporation) có trụ sở ở thành phố Los Angeles, bang California, là đối tác đặt mua nhiều nhất 74 chiếc, tiếp đến là hãng hàng không Nhật Bản ANA 55 chiếc, hãng Qantas của Australia 50 chiếc và Air Canada 37 chiếc...
Dreamliner thân rộng, có sức chở từ 290 đến hơn 300 hành khách, tùy đơn đặt hàng của các hãng. Loại máy bay này lần đầu tiên được chế tạo bằng vật liệu composite thay vì bằng nhôm (aluminum) như các loại máy bay chở khách hiện có.
Dreamliner có thể tiết kiệm được 20% nhiên liệu so với loại máy bay cùng kích cỡ là Boeing 767 và được lắp đặt các thiết bị giảm tiếng ồn.
Giá mỗi chiếc 787 Dreamliner ở thời điểm năm 2010 từ 186 triệu đến 218 triệu USD, tùy chủng loại từ 787-1 đến 787-10. Đến nay đã có 9 chiếc Dreamliner được xuất xưởng, nhưng có 6 chiếc thừa trọng lượng so với thiết kế do vậy chuyên để bay thử nghiệm.
Đến ngày 15/8 vừa qua, Dreamliner đã bay thử nghiệm được 1.707 chuyến với tổng cộng 4.828 giờ. Trong thời gian bay thử nghiệm, 787 Dreamliner đã hạ cánh xuống các sân bay của 14 quốc gia từ châu Mỹ tới châu Âu, sang châu Á.
Ngày 26/8, Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ (FAA) và Cơ quan An toàn hàng không châu Âu (EASA) đã tổ chức buổi lễ tại công xưởng của Boeing ở thành phố Everett, bang Washington, để cấp chứng giấy chứng nhận cho 787 Dreamliner. Tổng chi phí của dự án này đến nay là 32 tỷ USD./.
TTXVN