Chuyến xe buýt từ trung tâm TP Móng Cái đến với 2 xã vùng cao, biên giới Bắc Sơn, Hải Sơn đã hoạt động được 6 năm, đó cũng là chừng ấy thời gian để bà con, học sinh, cán bộ, chiến sỹ nơi phên dậu của Tổ quốc vơi bớt được khó khăn, vất vả trong việc đi lại.
Tuyến xe buýt Móng Cái - Bắc Sơn - Hải Sơn được đưa vào hoạt động năm 2011
đã tạo điều kiện thuận tiện cho bà con nhân dân biên giới đi lại.
Ý tưởng nhỏ – niềm vui lớn
Hải Sơn, Bắc Sơn là một trong những xã vùng cao, biên giới khó khăn nhất của TP Móng Cái. Do địa hình chủ yếu là đồi núi, có độ dốc cao, trải dài theo đường biên giới nên việc đi lại rất vất vả. Ngồi trên chuyến xe buýt từ Móng Cái – Bắc Sơn – Hải Sơn, dù quãng đường từ trung tâm thành phố đến điểm cuối cùng là xã Hải Sơn chỉ có hơn 30km nhưng chủ yếu là đường quanh co, dốc cao thấp, có lúc là vực sâu, thậm chí là nhiều ổ gà, ổ voi; nhiều đoạn đường đang nâng cấp, sửa chữa bụi mù mịt nên phải mất 2 giờ đồng hồ chúng tôi mới đến được điểm cuối cùng của tuyến là xã Hải Sơn. Có đi như vậy, chúng tôi mới thấm thía được nỗi khó khăn, vất vả của cán bộ, nhân dân, học sinh nơi đây, nhất là trước khi có chuyến xe buýt này, họ phải vất vả, khó khăn đến nhường nào khi phải đi bằng xe máy, xe đạp, thậm chí là cuốc bộ để lên thành phố.
Với đặc thù địa hình như vậy nên việc đưa tuyến xe buýt Móng Cái – Bắc Sơn – Hải Sơn vào hoạt động đã trở nên hữu hiệu, phát huy hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân nơi đây trong việc đi lại, làm việc, học hành. Theo chia sẻ của lãnh đạo xã Hải Sơn, mô hình tuyến xe buýt này đến với bà con vùng biên giới Hải Sơn và Bắc Sơn được triển khai từ tháng 11-2011, bắt nguồn từ ý tưởng của lãnh đạo TP Móng Cái với mong muốn cán bộ, nhân dân, học sinh vùng biên giới được thuận tiện đi lại, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn; đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân làm ăn buôn bán, phát triển kinh tế; giáo viên bớt khó khăn khi dạy học ở vùng miền núi xa xôi; các em học sinh được đến trường và cán bộ, chiến sỹ bớt khó khăn vất vả khi làm nhiệm vụ. Mô hình đi vào hoạt động với sự tham gia của HTX Dịch vụ Tổng hợp Vĩnh Thực đã thực sự mang đến niềm vui lớn cho vùng phên dậu của Tổ quốc.
Chuyến xe là niềm ao ước lâu nay của người dân xã Hải Sơn.
Đồng chí Mễ Quang Vinh, Bí thư Đảng ủy xã Hải Sơn phấn khởi nói: “Chuyến xe buýt thực sự là niềm ao ước bấy lâu nay của bà con vùng biên giới nơi đây. Để đưa được chuyến xe này vào hoạt động là cả sự nỗ lực của thành phố từ việc kêu gọi doanh nghiệp vận tải đến việc ban hành Nghị quyết về cơ chế hỗ trợ để đảm bảo duy trì chuyến xe hoạt động thường xuyên, liên tục. Điều đó thể hiện sự quan tâm lớn lao của thành phố dành cho nhân dân vùng biên giới”. Và quả thực, sau 6 năm, tuyến xe buýt này đã cho thấy hiệu quả về mặt đảm bảo an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu, mong mỏi của bà con, thầy cô giáo và các em học sinh nơi đây. “Đặc biệt, từ khi có chuyến xe buýt này, nhiều phụ huynh và học sinh cảm thấy yên tâm và thuận tiện hơn với con đường từ trường về nhà và ngược lại sẽ không mất nhiều thời gian và công sức, nhất là những em học sinh nhà xa trường; đồng thời di chuyển bằng xe buýt cũng bảo vệ sức khỏe cho bà con, thầy cô giáo và các cháu học sinh, nhất là vào thời điểm thời tiết rét đậm hoặc những ngày nắng nóng. Việc đảm bảo an toàn giao thông tăng rõ rệt, không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng” - Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Hải Sơn phấn khởi nói.
Ngồi cùng trên chuyến xe buýt, bác Chu Thị Suất, quê ở Hải Yên, Móng Cái là khách quen thuộc trên chuyến xe buýt này, đều đặn hàng tuần về thăm cháu ở thôn Pò Hèn không giấu được xúc động nói: “Trước đây khi chưa có xe buýt này bác rất ngại đi lại nhưng giờ bác đã là khách quen của xe. Xe đi thoải mái, thuận tiện lắm. Chú lái xe dễ gần, nhẹ nhàng, cẩn thận nên bác yên tâm lắm”. Còn em Phùn Thị Hậu thì vui vẻ: “Chuyến xe buýt này gắn với thời cắp sách đến trường của em. Đến nay em vẫn thấy mình thật may mắn khi đồng hành với chuyến xe buýt trong suốt những năm học cấp 3, giúp em yên tâm mỗi khi đến trường, nhất là vào những ngày đông rét mướt, mùa hè nắng nóng”.
Đây mà mô hình cần được nhân rộng, đặc biệt ở những khu vực vùng sâu, vùng xa.
Mô hình cần nhân rộng
Đã 6 năm kể từ ngày chuyến xe buýt lăn bánh, giờ nó đã trở nên quen thuộc với cán bộ, người dân, học sinh vùng biên nơi đây. Người tài xế hàng ngày miệt mài cùng chiếc xe buýt đến với bà con vùng biên giới Ôn Văn Lùng không giấu được niềm vui khi chúng tôi đề cập đến hiệu quả lớn lao của chuyến xe buýt. Anh chia sẻ, anh gắn bó với công việc này, với chuyến xe buýt này từ những ngày đầu tiên, chứng kiến bao nhiêu niềm vui cũng như nỗi vất vả của nhân dân, cán bộ, chiến sỹ nơi đây. Có lẽ cả cuộc đời lái xe, đây là lần nhận công tác đặc biệt nhất và để lại nhiều kỷ niệm nhất. Anh thừa nhận: “Cả nhân dân 2 xã đều là “người quen” của anh bởi chẳng có ai trong xã không biết anh Lùng là tài xế xe buýt”. Hằng ngày anh chạy 4 chuyến cả đi và về. Công việc của anh bắt đầu từ 6 giờ 30 sáng và kết thúc vào 18 giờ 30, hiện giờ đường sá đang nâng cấp, cải tạo nên xe di chuyển khó khăn và mất nhiều thời gian hơn. Khách chủ yếu của nhà xe là bà con, giáo viên và học sinh, với giá vé toàn tuyến là 30.000 đồng, một chặng là 10.000 đồng. Riêng các cháu học sinh được HTX hỗ trợ giảm giá vé để động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho các cháu đến trường.
Chuyến xe buýt đã mang lại niềm vui, sự phấn khởi cho nhân dân các xã vùng cao biên giới Móng Cái.
Được biết, hiện nay TP Móng Cái vẫn có cơ chế hỗ trợ cho HTX 10 triệu đồng/tháng nhưng sau khi trừ các khoản chi phí, HTX Dịch vụ Tổng hợp Vĩnh Thực thường xuyên phải bù lỗ hơn 20 triệu đồng/tháng. Anh Hoàng văn Hải, Giám đốc HTX Dịch vụ Tổng hợp Vĩnh Thực tâm sự: “Để duy trì chuyến xe buýt này, HTX phải bù đắp chi phí từ việc khai thác các tuyến khác trong thành phố. Dù thua lỗ là vậy nhưng với sự kêu gọi của thành phố cũng như ý nghĩa lớn lao và hiệu quả về mặt an sinh xã hội, đảm bảo an toàn giao thông mà chuyến xe mang lại, HTX không có ý định xóa bỏ tuyến xe này. Tuy nhiên, HTX mong muốn TP Móng Cái xem xét có cơ chế hỗ trợ, tạo điều thuận lợi cho HTX để đảm bảo duy trì tuyến này hoạt động thường xuyên, để đảm bảo hoạt động đi lại cho bà con, học sinh, cán bộ, chiến sỹ nơi biên giới xa xôi”.
Đây cũng là mong mỏi lớn lao của nhân dân, của lãnh đạo 2 xã vùng cao biên giới. Hy vọng rằng, những khó khăn sẽ sớm giải quyết và mô hình xe buýt lên các vùng cao, vùng miền núi xa xôi, khó khăn tiếp tục được nhân rộng./.