Những năm gần đây, hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Đắc Lắc có những bước phát triển mạnh mẽ, qua đó phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, góp phần giảm áp lực giao thông và hình thành nét văn hóa giao thông trong toàn xã hội.
Những năm gần đây, hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Đắc Lắc có những bước phát triển mạnh mẽ, qua đó phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, góp phần giảm áp lực giao thông và hình thành nét văn hóa giao thông trong toàn xã hội.
Hiện, toàn tỉnh có 6 doanh nghiệp (DN) hoạt động kinh doanh vận tải xe buýt, với tổng số 209 đầu xe gồm Công ty Cổ phần vận tải xe khách Đắc Lắc (24 xe), Công ty Cổ phận Vận tải ô tô Đắc Lắc (93 xe), Công ty vận tải hành khách công cộng Buôn Hồ (27 xe), Hợp tác xã vận tải Quyết Thắng (45 xe), Hợp tác xã vận tải hàng hóa Cư Mil (18 xe), Hợp tác xã vận tải cơ giới Krông Bông (2 xe). Trong đó, có những DN mạnh dạn đầu tư vốn lớn để mua sắm xe chất lượng cao, chiêu mộ đội ngũ lái xe, phục vụ có tay nghề và mô hình quản lý, hoạt động khá bài bản, góp phần làm cho chất lượng xe buýt Đắc Lắc ngày càng được nâng lên.
Theo đánh giá của Tổng Cục đường bộ Việt Nam, Đắc Lắc là một trong những địa phương có mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt phát triển mạnh trong cả nước. Hiện toàn tỉnh có 17 tuyến xe buýt nội tỉnh và 4 tuyến đi các huyện, thị tỉnh Đắc Nông, mỗi ngày có hơn 1.000 lượt xe đi và về. Một số địa phương vùng sâu, vùng xa cũng có tuyến xe buýt đến nơi như: xã Cư Drăm (huyện Krông Bông), xã Ea Lê (huyện Ea Súp), xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar)… Các tuyến xe buýt liên xã, liên huyện cùng với những ưu điểm như tiện lợi, ổn định về thời gian đi lại, giá rẻ, an toàn…, xe buýt còn tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại cho người dân, đặc biệt là vùng nông thôn.
Có được thành công trên, một điều quan trọng là Nhà nước sớm có chủ trương xã hội hóa vận tải xe buýt được thực hiện từ gần 10 năm nay, đã thu hút nhiều nguồn lực tham gia, đặc biệt là các DN sẵn sàng đầu tư và thu lợi từ lĩnh vực này. Bên cạnh đó, ngành giao thông vận tải cũng đã có những giải pháp hữu hiệu khác để nâng cao chất lượng dịch vụ hoạt động xe buýt như cho lắp thêm vào xe những thiết bị hiện đại, đào tạo đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ có chuyên môn, ổn định giá vé xe buýt ở mức có lợi cho cả DN và người dân... Ông Đỗ Bình Chính, Phó giám đốc Sở GTVT cho biết: Thực hiện Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2012-2020 của Bộ Giao thông Vận tải đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 8/3/2012, UBND tỉnh Đắc Lắc đã giao Sở GTVT xây dựng hoàn thành quy hoạch phát triển mạng lưới tuyến xe buýt giai đoạn từ nay đến năm 2020 với mục tiêu nâng cao số lượng, chất lượng xe buýt phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân ngày càng tốt hơn, góp phần hạn chế tắc đường trên địa bàn tỉnh và TP. Buôn Ma Thuột./.
Theo báo Đắc Lắc