Có thể nói tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn là những vấn đề nóng đang được dư luận xã hội và người dân hết sức quan tâm. Từ khi được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ông Đinh La Thăng đã có quan điểm thái độ dứt khoát rõ ràng của một người tư lệnh trước những vấn đề bức xúc của xã hội về ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn hiện nay.
Có thể nói tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn là những vấn đề nóng đang được dư luận xã hội và người dân hết sức quan tâm. Từ khi được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ông Đinh La Thăng đã có quan điểm thái độ dứt khoát rõ ràng của một người tư lệnh trước những vấn đề bức xúc của xã hội về ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn hiện nay.
Qua những giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra và theo dõi mấy việc mà Bộ trưởng đã xử lý, dư luận xã hội coi đó là những tín hiệu đáng mừng và người dân cũng hy vọng vấn đề bức xúc của giao thông sẽ ngày càng tốt lên nhưng không phải nói là làm được ngay. Đây là một vấn đề hết sức khó khăn phức tạp. Tháo gỡ vấn đề này không thể một mình ngành giao thông có thể làm được mà cần có sự đồng lòng chung tay góp sức của các bộ, ban, ngành cơ quan chức năng có liên quan, đặc biệt là ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật của mọi người khi tham gia giao thông. Với góc độ một người dân tôi xin được bầy tỏ tình cảm những suy tư và cảm nhận cá nhân về những quan điểm những giải pháp mà ngành giao thông và các cơ quan chức năng đã và đang tập trung chỉ đạo thực hiện.
Thực ra việc chống ùn tắc giao thông không phải bây giờ chúng ta mới nghĩ đến, mà đã làm từ nhiều năm nay, nhưng chỉ đạo không quyết liệt nên hiệu quả không được như mong muốn, nhất là những vấn đề ở tầm chiến lược như công tác quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông ở các thành phố lớn, phát triển các loại hình phương tiện phục vụ sự đi lại của người dân, vấn đề dân nhập cư vào thành phố, khoảng cách giầu nghèo giữa nông thôn và thành thị, vấn đề phát triển phương tiện cá nhân như ô tô con xe máy sao cho cân đối với dân số và quỹ đất thành phố, công tác giáo dục tuyên truyền về luật giao thông gắn với chế tài xử phạt… Lẽ ra ở tầm chiến lược chúng ta đã phải tính đến từ lâu, phải làm đồng bộ. Nhưng có thể do khả năng về tài chính hoăc nguyên nhân nào đấy mà chúng ta để trôi đi quá lâu. Nay chúng ta buộc phải làm tuy có muộn nhưng còn hơn là không làm. Tất nhiên sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trở ngại, nhất là ý thức tùy tiện của con người khi tham gia giao thông.
Một thực tế ai cũng thấy ra đường phố bây giờ thực sự không an toàn một cảnh tượng lộn xộn, mạnh ai người ấy đi. Nhiều tờ báo mạng đã mô tả vấn đề này, ở đây xin không nhắc lại.
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải mới đưa ra các giải pháp như hạn chế phương tiện cá nhân, phân luồng, phân tuyến … nhưng cũng nhiều ý kiến đồng tình cũng có mà lo lăng băn khoăn cũng không ít, vì vậy cũng mong Bộ trưởng và ngành giao thông cùng các cơ quan chức năng đừng nản lòng, vì sự an toàn và quyền lợi của đa số nhân dân. Chúng ta đã có bài học về cấm đốt pháo nổ và đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, lúc đầu cũng nhiều ý kiến nhưng các bộ, ngành và chính quyền các địa phương nghiêm túc chấp hành nên chủ trương này đã có hiệu quả, đi vào cuộc sống. Tôi nghĩ việc phân làn phân tuyến hiện nay cũng cần phải làm và kiên quyết đừng vì một vài người đi ẩu va chạm gây tai nạn hay một vài ý kiến chưa xác đáng mà đã nản lòng. Chỉ có điều là cần phân định cắm biển sao cho khoa học, đúng luật. Thời gian đầu cần tuyên truyền hướng dẫn nhưng cũng chỉ nên một thời gian thôi, vì chúng ta nói mãi rồi, hết cuộc vận động này đến cuộc vận động khác nhưng chẳng mấy hiệu quả rồi những hành vi tiêu cực trong giao thông cứ lấn át người thi hành công vụ nên tình hình càng ngày càng phức tạp.
Tôi đồng tình với việc chỉ đạo phát triển các loại phương tiện công cộng để phục vụ sự đi lại của công chức và người dân trong thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đây có thể coi là việc làm đúng hướng hợp lòng dân, vừa có tinh cấp bách, vừa lâu dài phù hợp với xu thế phát triển của một thành phố văn minh hiện đại. Trong lúc chúng ta chưa có tàu điện ngầm, đường sắt trên cao và các phương tiện hữu ích khác, thì việc ưu tiên phát triển xe buýt là cần thiết, có thể sẽ tốn kém, ngân sách phải bù lỗ, nhưng dần dần thực hiện xã hội hóa dịch vụ giao thông trong thành phố sẽ đỡ cho ngân sách và đến khi có tàu điện ngầm, đường sắt trên cao thì không phát triển xe buýt nữa cũng chưa muộn. Đi cùng với biện pháp nâng cao năng lực phục vụ của xe buýt và hạn chế một số phương tiện vào thành phố, cần khẩn trương xúc tiến các bãi đỗ xe con và xe máy ở ngoại ô để người dân có thể dễ dàng tiếp cận với xe buýt khi vào nội đô.
Tôi là người cao tuổi, đối tượng chính sách, đi xe buýt trong thành phố Hà Nội mỗi tháng it nhất cũng 20 ngày, còn thường xuyên là 25 ngày. Tôi đã đi nhiều tuyến kể cả về các tỉnh. Nhớ lại ngày đầu Hà Nội vận động người dân làm quen với việc đi xe buýt tuyến Bách Khoa - Chèm - Đại học Mỏ chỉ lưa thưa mấy người sử dụng, các tuyến khác cũng thế giờ thì quá đông đúc, chật chội, nhất là vào giờ cao điểm xe nào cũng chật cứng. Điều ấy là tất yếu vì dân số phát triển, người nhập cư vào thành phố ngày càng tăng. Nhưng về cơ bản xe buýt vẫn đảm bảo phục vụ đi lại cho người dân ở nhiều đối tượng khác nhau và có những ưu điểm: phù hợp cho người thu nhập thấp, an toàn hơn các phương tiện khác, về thời gian phục vụ thì phần lớn đón trả khách đúng giờ. Tôi đi hàng tháng gần chục năm nay trong thành phố Hà Nội đón đưa các cháu đi học, về quê giỗ tết, hiếu hỷ... nhưng ít khi lỡ việc. Tôi nghĩ những giờ cao điểm người đi xe buýt cũng phải tính đến thời gian cho phù hợp, nếu cần thiết cũng phải đi bộ một ít. Có thể nói ngoài giờ cao điểm xe buýt phần lớn là đúng giờ và nghiêm túc, thông thoáng. Theo tôi hiểu, xe buýt hiện nay cung cách phục vụ cũng có tiến bộ hơn trước nhiều. Trong dịp Đại lễ kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã đưa một loạt xe mới vào phục vụ như tuyến số 2 Bác Cổ - Hà Đông, tuyến 31 Bách Khoa - Chèm Đại học Mỏ, tuyến 28 Đông Ngạc - Giáp Bát v.v... Hầu hết các xe buýt đều có điều hòa không khí, xe và ghế sạch. Ta cũng nên hiểu sạch trên xe buýt ở mức tương đối trong điều kiện phục vụ của một thành phố đông dân, quá tải hiện nay. Thái độ phục vụ cũng khá hơn. Người già chúng tôi đi xe buýt hầu hết là được các em học sinh sinh viên nhường ghế ngồi không phải, đứng kể cả trong giờ cao điểm. Đây là một nét văn hóa không phải ngành vận tải công cộng trong thành phố muốn là làm được ngay, mà phải trải qua một quá trình vận động ý thức của con người.
Nói như vậy để thấy rằng, nếu có ai đó thỉnh thoảng tham gia đi xe buýt một vài lần gặp phải giờ cao điểm phải chờ đợi lâu một chút hay bị lỡ chuyến vì quá đông hay sự cố tai nạn tắc đường, hoặc một vài nhân viên phục vụ chưa tốt, gặp một vài cảnh tượng chen lấn xô đẩy móc túi, thì cũng nên bình tĩnh suy xét, không nên phủ định sự nỗ lực cố gắng bao nhiêu năm nay của ngành giao thông Hà Nội, rằng xe buýt to cồng kềnh chỉ gây cản trở giao thông. Nói như vậy là không nên. Tôi có đọc một vài cuộc phỏng vấn, một số bài phóng sự chỉ nặng về phê phán, cũng không nói gì đến ý thức của người tham gia giao thông, liệu như thế có công bằng không? Cũng chẳng thấy đề xuất ra những biện pháp gì cả, rồi đổ cho quy hoạch rồi nhà cao tầng, rồi nghiên cứu nọ, nghiên cứu kia… toàn những chuyện xa lạ với thực tế bức xúc hiện nay.
Tôi nghĩ đến một lúc nào đó chúng ta sẽ không chịu nổi sự ô nhiễm của khói bụi, mỗi khi có việc ra đường chỉ có nước đứng mà nhìn nhau nhích từng bước một. Lúc ấy, chắc nhiều người phải bỏ ô tô xe máy để đi bộ cho nhanh. Tôi chỉ là một người dân bình thường ít có thời gian quan tâm nhiều đến những việc lớn lao, thường chỉ hay để ý đến những việc cụ thể sát với cuộc sống hàng ngày, nên cũng mạo muội xin được hỏi: Nếu ai đó cho rằng xe buýt gây ách tăc giao thông vậy thì phát triển phương tiện gì? Những người già chúng tôi, người lao động, học sinh, sinh viên đi lại hàng ngày bằng loại phương tiện gì? Nếu không hạn chế phương tiện cá nhân vào thành phố, không phân làn phân tuyến, thì liệu cơ sở hạ tầng như hiện nay có đáp ứng được không? Có phải ai cũng có ô tô con, xe máy, nhất là taxi thì lại càng hạn chế. Cuộc sống đâu có phải chỉ ngồi ở trong nhà. Mỗi khi có công có việc buộc phải đi xe ôm, nhưng tiền đâu mà đi thường xuyên. Từ Bách Khoa - Chèm - Đại Học Mỏ nếu đi xe buýt chỉ có 3000 đồng/lượt, nhưng đi xe ôm cũng phải mất hơn 100 ngàn đồng, còn đi taxi ít nhất cũng phải hơn 200 ngàn đồng/lượt, một sự chênh lệch quá lớn về kinh tế.
Đối tượng đi xe buýt thường xuyên đa số là người lao động, người về hưu, học sinh sinh viên. vì vậy khi thấy Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa ra biện pháp chấn chỉnh và tăng cường loại hình vận tải hành khách trong nội đô bằng phương tiện xe buýt và các phương tiện khác thì rõ là hợp lòng dân.
Tuy nhiên, xe buýt cũng còn những mặt hạn chế bất cập như phương tiện cũ, giờ cao điểm thì bỏ bến bỏ khách, chạy nhanh vượt ẩu gây tai nạn, thái độ phục vụ chưa văn minh lịch sự. Những hiện tượng ấy chỉ là cá biệt không nhiều, cần điều chỉnh, khắc phục.
Nhân đây tôi cũng xin góp ý nên có đường riêng cho loại xe buýt có trọng tải lớn, lộ trình nên rút ngắn chỉ độ 10 đến 15 cây số là vừa. Làm như vậy cũng giảm sức ép căng thẳng cho lái xe trong giờ cao điểm, người đi xe buýt cũng đỡ phải chờ đợi lâu. Hiện nay, tuyến 31 Đại học Mỏ đến Bách khoa, tuyến số 8 Long Biên - Đông Mỹ, tuyến 38 Mai Động - Nam Thăng Long, tuyến 26 Mai Động - Sân vận động quốc gia, tuyến số 6 Cầu Giẽ - Giáp Bát… lộ trình là quá dài. Đây phần lớn là những tuyến xe dài trên hai chục cây số, không thích hợp. Cần nghiên cứu có một loại xe thích hợp chạy ngoài giờ cao điểm cho đỡ tốn kém xăng dầu. Cần tăng chuyến phục vụ nhanh cho cán bộ, công chức đi lại làm việc với khoảng cách ngắn trong thành phố. Khi ra đường chỉ độ năm bẩy phút là có thể đi được ngay. Cần điều chỉnh khoảng cách các điểm dừng đỗ cho hợp lý. Theo tôi mỗi điểm cách nhau từ tám trăm đến một ki lô mét là vừa. Cần tuyển dụng những lái xe có ý thức cao, nghề nghiệp giỏi. Nhân viên phục vụ trên xe cũng cần được học tập, bồi dưỡng về văn hóa ứng xử, tạo sự giao lưu với khách một cách văn minh, lịch sự. Phải thông báo đỉểm dừng đỗ thường xuyên. Theo tôi giá vé xe buýt hiện nay là hơi thấp, cần điều chỉnh lên cho hợp lý, đỡ phần nào cho ngân sách theo tôi vé chuyến nâng lên 5000 đồng, vé tháng nâng lên 100.000 đồng là hợp lý.
Để thể hiện quyết tâm và trách nhiệm của ngành, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo tất cả cán bộ công nhân viên chức mỗi tuần đi xe buýt một ngày, khi về cơ quan phải báo cáo số xe vé và tuyến xe đi, chỉ đạo Tổng cục Đường bộ VN khảo sát 14 tuyến xe buýt, nghe Sở Giao thông vận tải Hà Nội báo cáo về kế hoạch phân làn phân tuyến và tình hình hoạt động của xe buýt nội đô. Từ thực tế đó, Tổng cục Đường bộ VN đã có một báo cáo về tình hình giao thông nội đô và những mặt tích cực và hạn chế của xe buýt. Là người đi xe buýt lâu năm, tôi cho rằng báo cáo đó là trung thực sát, thực tế tình hình hiện nay. Cá nhân Bộ trưởng cũng đã đi một vài lần xe buýt. Ông cũng thấy sức ép căng thẳng của lái xe trong những giờ cao điểm và việc khoán chuyến là nguyên nhân gây nên việc chạy nhanh bỏ bến. Thực ra, thì ông không đi cũng có thể nắm được tình hình, vì hàng ngày ông cũng đi làm qua các tuyến phố, hoặc qua cơ quan tham mưu báo cáo, nhưng dù sao đi thực tế cũng tốt hơn và biết được nhiều thông tin. Người dân lao động khi nghe sự việc này đều trân trọng và coi đó là việc làm đáng quý môt cán bộ cấp cao, một đại biểu Quốc hội hiểu được tâm tư, nguyện vọng của cử tri.
Để rộng đường dư luận, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã cùng với các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu giao thông đã giao lưu trực tuyến với người dân do báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức. Cuộc giao lưu thật là thú vị. Nhiều câu hỏi được gửi đến các vị khách. Người hỏi cũng thắng thắn, người trả lời cũng nắm vững quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, hiểu sâu nhiều vấn đề, nắm vững luật pháp nên đã giải đáp được những băn khoăn thắc mắc, ít nhiều cũng tạo nên sự đồng thuận trong nhân dân.
Theo dõi phương tiện thông tin đại chúng, người dân cũng thấy khi Bộ trưởng trả lời phỏng vấn một số tờ báo ông rất kiệm lời. Có một nhà báo đặt câu hỏi: "Theo Bộ trưởng bao giờ thì ùn tắc giao thông có thể được hạn chế", Bộ trưởng đã trả lời: "Bây giờ bắt đầu triển khai, nhưng sang năm chúng ta thực hiện nghị quyết 88 và năm 2012 là Năm giao thông, thì chắc chắn đến cuối năm an toàn giao thông sẽ được cải thiện đáng kể và ùn tắc giảm chắc chắn là được. Một giải pháp đồng bộ cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhân dân đồng tình ủng hộ, công luận ủng hộ về chủ trương nguyên tắc thì chắc chắn thành công". Theo tôi hiểu đây cũng là một thông điệp người đứng đầu ngành giao thông muốn nhắn gửi đến người dân lúc này cần thông cảm chia sẻ khó khăn, nói ít hành động nhiều, tạo ra hiệu quả. Đến khi tai nạn giao thông được đẩy lùi, an toàn và ùn tắc giao thông được cải thiện, mọi người đều thấy trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông, lúc đó chúng ta ngồi lại với nhau để phân tích, phê phán, chắc cũng chưa muộn.
Trịnh Thế Cường, cựu chiến binh
P. Quốc tử giám, Q. Đống Đa, Hà Nội