Theo Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông đô thị- Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, thành phố sẽ đưa thêm 5 tuyến xe buýt đấu thầu vào hoạt động ngay trong năm nay, đồng thời điều chỉnh mạng lưới các tuyến tăng kết nối và cải thiện hạ tầng xe buýt để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của hành khách đi xe buýt.
Theo Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông đô thị- Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, thành phố sẽ đưa thêm 5 tuyến xe buýt đấu thầu vào hoạt động ngay trong năm nay, đồng thời điều chỉnh mạng lưới các tuyến tăng kết nối và cải thiện hạ tầng xe buýt để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của hành khách đi xe buýt.
Ngoài ra, từ nay đến cuối năm cũng sẽ thay mới 160 xe buýt các loại… hướng tới mục tiêu tăng số người sử dụng xe buýt, hạn chế dần xe cá nhân, giải quyết ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô, phấn đấu đạt tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt là 15% vào 2015 và 25% vào năm 2020.
Thời gian qua, thành phố đã quan tâm phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với tổng số 84 tuyến; 1.146 xe phục vụ cho trên 1,1 triệu lượt khách mỗi ngày. Tuy nhiên, bên cạnh sự tăng trưởng, hệ thống xe buýt vẫn bộc lộ một số bất cập như chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu của hành khách, vi phạm về thái độ phục vụ của lái, phụ xe, vi phạm về bán vé, làm thất thoát nguồn thu; tình trạng trộm cắp trên xe buýt còn diễn biến phức tạp; tình trạng bỏ bến, thay đổi lộ trình, chậm trễ vẫn thường xảy ra do tình trạng ùn tắc giao thông…
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông đô thị Hà Nội, hiện trạng giao thông đô thị Hà Nội đang đứng trước sự bất cập giữa tốc độ gia tăng nhanh chóng các phương tiện giao thông (xe máy chiếm 70%) trong khi hạ tầng giao thông phát triển chậm chưa tương xứng, quỹ đất dành cho giao thông thấp. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông vẫn còn hạn chế dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông vẫn còn xảy ra.
Theo TTXVN