Hà Nội: Nâng cấp chất lượng hạ tầng xe buýt

Thứ tư, 03/10/2012 08:55
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Để nâng cao chất lượng phục vụ, Hà Nội cũng đã tăng cường đầu tư phương tiện và hạ tầng phục vụ xe buýt.

Để nâng cao chất lượng phục vụ, Hà Nội cũng đã tăng cường đầu tư phương tiện và hạ tầng phục vụ xe buýt.

Hiện Hà Nội có gần 1.300 xe buýt đang lưu hành, trong đó phương tiện dưới 5 năm là 370 xe (chiếm 29%), phương tiện từ 5-9 năm là 464 xe (chiếm hơn 36%), phương tiện trên 9 năm là 438 xe (chiếm trên 34%).

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết: “Theo quy định, niên hạn xe buýt hoạt động trong nội đô là 20 năm. Các tiêu chuẩn về an toàn, khí thải xác nhận qua đăng kiểm. Tuy nhiên vẫn có một số xe buýt đạt tiêu chuẩn euro1 gây ô nhiễm và sắp tới sẽ thay thế bằng xe tiêu chuẩn euro3. Chúng tôi mong muốn tất cả xe đều tốt, xe số tự động, giảm chi phí vận hành nhưng giá xe khá đắt và cần có thời gian. Dự kiến, đến cuối năm nay, các đơn vị vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt thay mới 160 xe”.

Để tăng cường năng lực vận hành, đảm bảo cung ứng dịch vụ tốt hơn với các trục hướng tâm, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội đưa vào mô hình vận tải hành khách khối lượng lớn. UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Sở GTVT và đơn vị quản lý xe buýt nghiên cứu chọn lựa loại xe buýt phù hợp, đặt hàng doanh nghiệp trong nước sản xuất theo mẫu xe phù hợp với hạ tầng nội đô.

Năm 2012 sẽ ưu tiên đầu tư phương tiện mới, hướng tới hình thành một đoàn phương tiện đạt tiêu chuẩn buýt đô thị thân thiện môi trường, sử dụng nhiên liệu sạch (như CNG, LPG…) và xe buýt có thiết bị hỗ trợ người khuyết tật.

“Hiện có một số đô thị ở Việt Nam sử dụng xe buýt dùng nhiên liệu sạch nhưng cùng với đó phải đầu tư hệ thống cung cấp nhiên liệu. Do đó muốn sử dụng loại xe này cần có chính sách hỗ trợ đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ từ xe đến việc cung cấp nhiên liệu”, ông Hải cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Hải: “Đối với chủng loại xe, sẽ căn cứ vào nhu cầu trên từng tuyến để bố trí bởi còn liên quan đến hiệu quả kinh tế. Chẳng hạn như ở tuyến phố cổ, đường hẹp, nếu thay xe buýt to bằng 2-3 xe nhỏ thì diện tích mặt đường chiếm nhiều hơn, lượng phát thải lớn hơn. Các đơn vị quản lý cần rà soát các tuyến đường thiếu xe để tăng cường xe mới hoặc từ các tuyến thừa, giải quyết bức xúc của người dân vào giờ cao điểm”.Ông Nguyễn Hoàng Hải thừa nhận: “Tình trạng chiếm dụng hạ tầng xe buýt, chiếm dụng lòng đường vỉa hè khá phổ biến gây khó khăn cho xe buýt vào điểm đón khách, nguy hiểm cho hành khách lên xuống xe, theo thống kê, tại quận nội thành có trên 70 vị trí thường xuyên bị chiếm dụng bởi hàng rong, xe rác, xe ôm… Việc duy trì các nhà chờ khỏi bị lấn chiếm là khó khăn. Trung tâm đã thường xuyên kiểm tra, phát hiện và phối hợp với cơ quan chức năng như thanh tra giao thông, cảnh sát trật tự để tổ chức giải tỏa, chống tái chiếm, nhưng cứ xử lý xong lại tái diễn”.

Trong năm 2012, Hà Nội tập trung thay mới 142 nhà chờ, đầu tư mới 100 nhà chờ khác; cải tạo 3 điểm đầu cuối (Xuân Mai, Sóc Sơn, Thanh Tước); hình thành 3 điểm trung chuyển (Nam Thăng Long, Hoàng Quốc Việt, Nhổn). Giai đoạn sau năm 2012 tiếp tục mở rộng các điểm đầu cuối và trung chuyển, đường dành riêng cho xe buýt.

Hy vọng với những sự đầu tư này, hệ thống xe buýt của Hà Nội sẽ có sự chuyển biến, nâng cao về chất lượng, trở thành phương tiện công cộng ưu việt của Thủ đô trong thời gian tới.

Theo báo Tin tức

Kiều Anh (Theo báo Tin tức)

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)