Theo Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh, từ nhiều năm qua số lượng hành khách đi xe buýt tại thành phố liên tục tăng. Vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) thành phố bao gồm cả xe buýt và xe taxi đã phục vụ được khoảng 10,5% nhu cầu đi lại của người dân, trong đó 2/3 số lượng hành khách do xe buýt thực hiện. Đây là một thành quả đáng ghi nhận, song so với kỳ vọng của đại đa số người dân, đây vẫn là con số khá khiêm tốn. Theo nhiều chuyên gia, ngoài nỗ lực tự thân của ngành giao thông vận tải, rất cần sự tiếp sức của các cơ quan quản lý đô thị.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh, từ nhiều năm qua số lượng hành khách đi xe buýt tại thành phố liên tục tăng. Vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) thành phố bao gồm cả xe buýt và xe taxi đã phục vụ được khoảng 10,5% nhu cầu đi lại của người dân, trong đó 2/3 số lượng hành khách do xe buýt thực hiện. Đây là một thành quả đáng ghi nhận, song so với kỳ vọng của đại đa số người dân, đây vẫn là con số khá khiêm tốn. Theo nhiều chuyên gia, ngoài nỗ lực tự thân của ngành giao thông vận tải, rất cần sự tiếp sức của các cơ quan quản lý đô thị.
Ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX xe buýt TP. Hồ Chí Minh, người có thâm niên trong ngành VTHKCC TP. Hồ Chí Minh hơn 20 năm và hiện đang là lãnh đạo một trong những đơn vị xe buýt lớn nhất thành phố, chia sẻ với phóng viên Báo SGGP về những trải nghiệm của mình trong những năm tháng gắn liền với hoạt động này.
Theo ông, trạm dừng, nhà chờ có một ý nghĩa rất quan đối với hoạt động của xe buýt. Từ khi Liên hiệp HTX xe buýt TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Đại học Nông Lâm và Đại học Đại Cương xây dựng được 2 nhà chờ xe buýt ở 2 trường, số lượng hành khách mà đặc biệt là sinh viên tăng mạnh.
Tại Đại học Nông Lâm, Liên hiệp HTX xe buýt TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với trường xây dựng một nhà điều hành xe buýt 2 tầng với đầy đủ chỗ nghỉ ngơi cho tài xế và tiếp viên; một căn tin và hệ thống nhà vệ sinh sạch sẽ phục vụ cho hành khách đến chờ xe buýt trên một khu đất khoảng 4.000m². Có chỗ nghỉ ngơi sau một chuyến đi mệt mỏi, tinh thần của tài xế và tiếp viên thoải mái hơn, hiện tượng cáu gắt với hành khách giảm hẳn.
Đối với sinh viên và hành khách của Liên hiệp HTX xe buýt nói chung, có căn tin phục vụ nước với giá phải chăng, chỗ ngồi đợi xe thoáng mát, không bị những thành phần bất hảo quấy rối trong lúc đợi xe… họ đã đi xe buýt nhiều hơn. Tại Đại học Đại Cương, Liên hiệp HTX xe buýt TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với trường xây dựng một bãi đậu xe có trải bê tông nhựa sạch sẽ cho xe buýt dừng đậu, một căn tin, nhà chờ cho hành khách chờ xe. Toàn khu vực được rào và bảo vệ an toàn nên sinh viên rất yên tâm khi đi xe buýt ở đây. Ông Phùng Đăng Hải ước tính, lượng khách đến với các tuyến xe buýt có các trạm dừng, nhà chờ thoải mái như vậy đã tăng khoảng 20% so với trước kia.
Hiện là Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh và trước đây đã có một thời gian dài cọ sát với hoạt động của xe buýt với tư cách là Giám đốc Công ty Xe khách Sài Gòn - doanh nghiệp quốc doanh kinh doanh xe buýt lớn nhất của TP. Hồ Chí Minh, ông Dương Hồng Thanh đưa ra nhiều thông tin rất đáng chú ý khi nói về vai trò của các trạm dừng, nhà chờ xe buýt đối với hoạt động của xe buýt.
Ông Dương Hồng Thanh cho biết, Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh đang quản lý 81 trạm dừng, nhà chờ (ở đầu và cuối bến) nhưng chỉ có 22 trong số này là ổn định. Số còn lại phải liên tục điều chỉnh do nhiều nguyên nhân khác nhau: người dân, doanh nghiệp không muốn có trạm xe buýt đặt ngay trước cửa nhà mình; địa phương yêu cầu thay đổi… Khoảng 4.000 trạm dừng, nhà chờ trên tuyến cũng cùng số phận. Sự bấp bênh của đa phần trạm dừng, nhà chờ đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của xe buýt. Người dân sẽ bị rối hoặc sẽ rất khó tìm ra trạm dừng, nhà chờ cần thiết… Sự không ổn định này cũng làm cho ngành chức năng rất khó quản lý và giữ gìn vệ sinh các nhà chờ. Nhiều nhà chờ đã bị biến thành nơi vứt rác, tiểu tiện, chỗ nằm ngủ của những người vô gia cư… Những trạm dừng, nhà chờ như vậy, rõ ràng không thể hấp dẫn người dân đi xe buýt. Nhiều tuyến xe buýt đã bị giảm lượng khách không nhỏ khi trạm dừng, nhà chờ trên tuyến bị thay đổi, bị làm mất vệ sinh…
Hơn một năm trước đây, trong Hội thảo “Làm thế nào để xe buýt trở thành phương tiện đi lại chính của người dân TP. Hồ Chí Minh?” do Báo SGGP, Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, Sở Giao thông Vận tải, Sở Quy hoạch Kiến trúc đồng tổ chức, PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, đã đưa ra một vấn đề mà thoạt đầu nhiều người cho rằng không liên quan gì tới xe buýt, đó là vỉa hè. Tuy nhiên, sau khi nghe ông Nguyễn Trọng Hòa phân tích, nhiều người đã nhất trí với ông. “Tại sao ở nhiều nước, người dân có thể đi bộ hàng kilômét để đi đến trạm xe buýt, trạm metro? Chắc chắn có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó không thể không nhắc đến những vỉa hè thoáng mát và an toàn đã “nâng bước người đi”. Với những vỉa hè như vậy, người dân sẽ không cảm thấy mệt mỏi khi phải đi bộ mà ngược lại, đó còn là một cách tập thể dục. Vừa được tập thể dục, vừa được đi xe công cộng để đến chỗ làm một cách an toàn… Người dân sẵn lòng đi xe công cộng ngay”.
Từ chuyện nước ngoài, ông Nguyễn Trọng Hòa còn nêu ra một ví dụ về mối liên quan mật thiết giữa xe buýt và vỉa hè ở ngay tại TP. Hồ Chí Minh. Từ đô thị mới Phú Mỹ Hưng về trung tâm thành phố có một tuyến xe buýt dù không được trợ giá nhưng vẫn hoạt động khá hiệu quả. Phóng viên Báo SGGP đã đi tìm hiểu việc này và được biết, tuyến xe buýt mà ông Nguyễn Trọng Hòa đề cập tới do Công ty TNHH Phú Cảnh đầu tư và kinh doanh từ 8 năm qua. Theo lãnh đạo công ty, ngoài nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ hành khách của đơn vị, cấu trúc đô thị ở Phú Mỹ Hưng, đặc biệt là hệ thống vỉa hè thoáng mát, thuận tiện cho người đi bộ tiếp cận xe buýt đã góp một phần quan trọng trong sự thành công của tuyến xe buýt.
Theo Trung tâm Quản lý và Điều hành VTHKCC TP. Hồ Chí Minh, hiện nay diện tích bến bãi và tính luôn cả các điểm trung chuyển khách mà trung tâm đang quản lý là 22,9ha. Trong khi đó, theo Quy hoạch Phát triển Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh đến 2020, diện tích bến kỹ thuật chuyên dụng dùng cho xe buýt phải là 51,5 ha và diện tích các điểm đầu mối trung chuyển phải là 29,65 ha. Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh đang cố gắng làm việc với các quận, huyện để tìm kiếm đủ diện tích đất dành cho hoạt động của xe buýt nói riêng và của tất cả các phương tiện vận tải khác nói chung nhưng bao giờ tìm ra đủ quỹ đất, xem ra vẫn chưa xác định được thời gian.
Trở lại với thực tế vỉa hè ở TP. Hồ Chí Minh, theo Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh, thành phố ước có khoảng 16 triệu m2 diện tích vỉa hè trên tổng số khoảng 31 triệu m2 diện tích lòng đường. Sở Giao thông Vận tải đang thống kê cụ thể xem bao nhiêu đường có vỉa hè, nhưng ước tính bước đầu của nhiều chuyên gia trong sở thì chỉ có khoảng 30% tuyến đường có vỉa hè thuận tiện cho người đi bộ, 40% tuyến đường có vỉa hè nhưng vỉa hè quá nhỏ, gập nghềnh, trồi, sụt… không đảm bảo an toàn cho người đi bộ và 30% số đường còn lại không có vỉa hè. Các tuyến đường có vỉa hè đa số tập trung ở các quận nội thành và trung tâm các quận, huyện ngoại thành. Đó là chưa kể đến một thực tế khác, hầu hết vỉa hè của TP. Hồ Chí Minh đã bị chiếm dụng làm nơi buôn bán. Người đi bộ hầu như không còn đường đi trên vỉa hè.
TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều chương trình giữ cho vỉa hè, lòng lề đường được thông thoáng nhưng kết quả còn khá hạn chế. Điều này đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của xe buýt. Rất ít người dân “dám” đi bộ ở nhiều tuyến vỉa hè của thành phố. Xe buýt không thể tiếp cận tận nhà người dân, do vậy không thể khác được khi người dân chọn phương tiện cá nhân để đi vì lên xe là đã ra tới đường, né được vỉa hè.
Tất nhiên, để phát triển VTHKCC mà hiện nay là xe buýt, TP. Hồ Chí Minh phải làm rất nhiều việc trong quá trình quản lý và quy hoạch đô thị. Nhưng từ những thực tế nêu trên, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, đây là những vấn đề mà thành phố có thể tập trung giải quyết ngay. Và một khi vấn đề đã được giải quyết cơ bản thì nó sẽ có tác dụng tiếp sức rất tốt cho hoạt động của xe buýt.
Nguồn: Báo SGGP