Bình Thuận: Đẩy mạnh phát triển mạng lưới xe buýt

Thứ năm, 08/11/2012 13:36
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Về lâu dài, khi kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, hệ thống giao thông đường bộ ngày càng hoàn thiện thì việc tổ chức mở rộng hoạt động các tuyến xe buýt nhằm giải quyết nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần ngăn chặn ùn tắc giao thông và giảm nguy cơ gây ra tai nạn giao thông đường bộ là đòi hỏi thiết thực.

Về lâu dài, khi kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, hệ thống giao thông đường bộ ngày càng hoàn thiện thì việc tổ chức mở rộng hoạt động các tuyến xe buýt nhằm giải quyết nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần ngăn chặn ùn tắc giao thông và giảm nguy cơ gây ra tai nạn giao thông đường bộ là đòi hỏi thiết thực.

Sau khi được UBND tỉnh cho phép đầu tư phát triển vận tải công cộng bằng xe buýt, tuyến xe buýt Phan Thiết - Mũi Né hình thành đầu tiên vào năm 2005. Đến nay, hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt ngày càng phát triển và từng bước đi dần vào nền nếp. Số liệu thống kê cho thấy hiện toàn tỉnh có 4 đơn vị đầu tư khai thác vận tải khách bằng xe buýt gồm HTX vận tải ô tô Phan Thiết, Công ty TNHH Suối Cát, Công ty TNHH sản xuất thương mại Quản Trung, HTX dịch vụ vận tải La Gi - Hàm Tân. Tổng số xe của các đơn vị trên là 79 chiếc, bình quân mỗi xe chở được 44 khách. Với 9 tuyến xe buýt đưa vào khai thác (6 tuyến từ thành phố Phan Thiết đến các vùng lân cận; 3 tuyến ở các địa phương khác như tuyến Ma Lâm - Hàm Trí – Thuận Hòa, tuyến La Gi - Ngã ba 46, tuyến La Gi - Tân Hải - Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu), mỗi năm đã vận chuyển gần 16 triệu lượt hành khách. Có thể nói, hệ thống vận tải bằng xe buýt ở tỉnh đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, song trong quá trình tổ chức và quản lý hoạt động xe buýt không tránh khỏi những hạn chế. Do không được trợ giá, bù lỗ nên giá vé xe buýt còn khá cao. Qua thời gian hoạt động, nội thất, thẩm mỹ một số xe buýt đã xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa, tân trang kịp thời. Những lúc cao điểm như ngày tết, lễ một số tuyến xe buýt đã quá tải, nhiều người phải chờ đợi, sợ trễ giờ nên phải đi “xe ôm” hoặc trở lại đi xe máy...

Theo Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012-2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt, về mục tiêu đã được xác định là: Phát triển phương tiện giao thông công cộng bằng xe buýt đồng bộ, xây dựng mạng lưới tuyến hợp lý, đảm bảo thuận lợi cho việc đi lại của người dân theo hướng phát triển tuyến xe buýt đến trung tâm các huyện, thị xã, các khu công nghiệp trực thuộc tỉnh... Theo đó, ngoài việc củng cố, nâng cấp, tổ chức tốt 9 tuyến xe buýt hiện có thì giai đoạn 2012-2020 phải hình thành, phát triển mới thêm 8 tuyến khác. Cụ thể, tuyến Tà Pao - Bắc Ruộng - Ngã ba Bà Sa - Mê Pu - Võ Xu - Đức Tài - Trà Tân; tuyến Khu du lịch Cam Bình - Đồi Dương - Tân Hải (La Gi); tuyến Bắc Ruộng - Lạc Tánh - Suối Kiết - Ngã ba 46; tuyến Đức Tài - Võ Xu - Vũ Hòa - Gia An - Lạc Tánh; tuyến Phan Rí Cửa - Chí Công - Liên Hương - QL1A - Vĩnh Hảo - Vĩnh Tân; tuyến Liên Hương - Chí Công - Hòa Minh - Phan Rí Thành; tuyến Phan Rí Cửa - Phan Rí Thành - Chợ Lầu - Ngã ba Lương Sơn (QL1A) - Hòa Thắng - Mũi Né và tuyến Long Sơn - Hòa Thắng - Hòa Phú - Phan Rí Cửa. Phấn đấu từ năm 2012-2015, kêu gọi đầu tư 50% số tuyến quy hoạch và giai đoạn từ 2015-2020 kêu gọi đầu tư các tuyến xe buýt còn lại.

Để thực hiện mục tiêu trên, tại quy hoạch cũng đưa ra một số giải pháp và giữa chúng cần sự phối hợp chặt chẽ. Điển hình như giải pháp về củng cố hoạt động các tuyến xe buýt hiện hành và phát triển mạng lưới xe buýt. Theo đó, phân kỳ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phù hợp với lộ trình mở tuyến mới theo từng giai đoạn, phù hợp tốc độ tăng dân số, tốc độ đô thị hóa, quy hoạch khu dân cư, khu công nghiệp và tăng tính kết nối, hỗ trợ hiệu quả cho các tuyến xe buýt đang hoạt động; triển khai quy hoạch đồng bộ các điểm đỗ, bãi đỗ xe, các điểm dừng, đón trả khách. Khuyến khích, tạo điều kiện để mọi thành phần kinh tế kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; đầu tư mua sắm, đổi mới phương tiện đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn. Xây dựng các tiêu chí xe buýt đảm bảo yêu cầu văn minh, lịch sự, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

Tiếp đến, giải pháp về chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính. Các ngành chức năng của tỉnh tổ chức, cụ thể hóa các quy định của Chính phủ, bộ, ngành trung ương như: chính sách hỗ trợ về tín dụng đầu tư của Nhà nước với các hình thức vay vốn tín dụng đầu tư, hỗ trợ sau đầu tư cho các nhà đầu tư khi mua sắm phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được bảo lãnh vay vốn tại các ngân hàng thương mại; được miễn tiền thuê đất để xây dựng trạm bảo dưỡng, sửa chữa, bãi đỗ xe buýt. Đồng thời tỉnh cần xây dựng cơ chế trợ giá cho người sử dụng xe buýt được giảm trừ trực tiếp vào giá vé đối với tất cả các tuyến mở mới để thu hút người dân đi xe buýt.

Song song đó, là giải pháp về nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Cụ thể là lựa chọn đơn vị vận chuyển đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm để thực hiện hiệu quả, đảm bảo chất lượng dịch vụ xe buýt; rà soát, xây dựng và áp dụng các định mức kinh tế - kỹ thuật trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; kịp thời điều chỉnh, bổ sung khung giá vé nhất là khi các yếu tố chi phí tăng cao; tăng cường quản lý chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn giao thông của các tuyến xe buýt; thực hiện các chế tài xử lý, đúng pháp luật đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xe buýt./.

Theo báo Bình Thuận

Kim Cúc (Theo báo Bình Thuận)

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)