Chia sẻ những công nghệ mà TCty Vận tải Hà Nội (Transerco) đang triển khai ứng dụng để nâng chất lượng hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, Tổng Giám đốc Transerco Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh: Chỉ ứng dụng KHCN mới giúp doanh nghiệp nâng năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững.
Chia sẻ những công nghệ mà TCty Vận tải Hà Nội (Transerco) đang triển khai ứng dụng để nâng chất lượng hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, Tổng Giám đốc Transerco Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh: Chỉ ứng dụng KHCN mới giúp doanh nghiệp nâng năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững.
Theo ông Nguyễn Phi Thường, việc đầu tư, ứng dụng KHCN luôn giành được sự quan tâm đặc biệt của Transerco. Ngay từ năm 2005, giấy tờ, văn bản từ Tổng công ty đến các đơn vị phần lớn đã được thực hiện qua hệ thống mail Transerco thông qua một quy trình thống nhất. Chúng tôi cũng đã triển khai ứng dụng công nghệ GPS cho công tác quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Giai đoạn 2003 - 2006, chúng tôi triển khai ứng dụng công nghệ Tacho System của Hàn Quốc với 12 tuyến trên tổng số 50 tuyến buýt của Tổng công ty. Giai đoạn 2007 - 2009, TCty tiếp tục nghiên cứu nâng cấp thiết bị Tacho System, tích hợp thêm GPS để xác định tọa độ của phương tiện và anten GSM để thay đổi cơ chế truyền dữ liệu sang dạng ứng dụng công nghệ viễn thông.
Hệ thống cho phép xác định vị trí và trạng thái xe hoạt động trên tuyến, cập nhật 2 - 5 phút/lần. Từ năm 2009 đến nay, hệ thống quản lý điều hành xe buýt của Tổng công ty được chuyển sang dạng web server, cho phép khai thác thông tin trực tuyến qua kết nối Internet. Tần suất cập nhật thông tin là 10 giây/lần. Hệ thống cho phép theo dõi trực tuyến trên website về trạng thái vận hành của xe buýt và tình trạng giao thông trên bản đồ kỹ thuật số, đưa ra các cảnh báo trực tuyến về ùn tắc giao thông, xe không dừng đỗ đúng điểm, chạy sai lộ trình, xuất bến, về bến không đúng giờ, bật tắt điều hòa, di chuyển chậm...
Từ năm 2010, Tổng công ty cũng triển khai ứng dụng công nghệ điện tử (đèn Led) tích hợp với hệ thống GPS trên các xe buýt và tại các bến xe. Bản đèn Led trước xe buýt giúp hành khách có thể nhận biết được tuyến buýt từ xa, bảng đèn trong xe thông tin cho hành khách trên xe tên điểm dừng tiếp theo để hành khách chủ động trong việc xuống xe. Bảng điện tử tại các đầu bến và nhà chờ tích hợp hệ thống thiết bị giám sát hành trình (GPS) để hiển thị thông tin khoảng cách xe sắp đến bến, giúp hành khách chủ động trong thời gian chờ xe và lựa chọn tuyến cần đi...
Ngoài ra, Tổng công ty cũng đã triển khai ứng dụng bộ đàm, ứng dụng công nghệ camera kết nối với hệ thống GPS cho công tác điều hành, giám sát chất lượng xe buýt... Đặc biệt, Transerco đã triển khai ứng dụng các phần mềm phục vụ công tác quản trị doanh nghiệp như phần mềm quản lý sửa chữa bảo dưỡng phương tiện, phần mềm quản lý nhân sự, các phần mềm kế toán và phần mềm lập kế hoạch sản xuất kinh doanh...
Những công nghệ đã được triển khai ở Transerco là những công nghệ mới trong lĩnh vực GTVT mà Transerco là đơn vị tiên phong thử nghiệm và nhân rộng. Khi áp dụng những công nghệ này, Tổng công ty cũng gặp phải những khó khăn từ phía người lao động. Cụ thể, người lao động có tư duy bị kiểm soát dẫn đến có tác động tiêu cực, chống phá hệ thống thiết bị (thiết bị GPS gắn trên xe, hệ thống âm thanh thông báo điểm dừng trên xe...). Một khó khăn nữa phải kể đến là việc ứng dụng công nghệ mới thường có chi phí rất cao, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.
Ông Thường cho rằng cần một cơ chế chính sách, tạo hành lang, động lực cho DN chủ động nghiên cứu, đầu tư ứng dụng công nghệ mới. Cụ thể, cần có cơ chế cho doanh nghiệp trích 10% lợi nhuận trước thuế để lập Quỹ phát triển KHCN. Chỉ có đầu tư và ứng dụng KHCN mới thì DN mới có thể nâng năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh và phát triển bền vững./.
Theo Lao động