Thuận tiện và an toàn. Đó là hai vấn đề nổi lên thời gian gần đây của xe buýt TP. Hồ Chí Minh trong nỗ lực cải tiến và hiện đại hóa một loại hình vận tải công cộng phổ biến nhất hiện nay.
Thuận tiện và an toàn. Đó là hai vấn đề nổi lên thời gian gần đây của xe buýt TP. Hồ Chí Minh trong nỗ lực cải tiến và hiện đại hóa một loại hình vận tải công cộng phổ biến nhất hiện nay.
Có thể nói việc đưa vào sử dụng vé tập xe buýt cách đây khoảng 3 năm là một động tác cải tiến đáng khen của ngành vận tải công cộng TP. Hồ Chí Minh. Bởi vì điều này chính là làm một công nhưng đạt được đôi ba việc: tiện hành khách, tiện quản lý và cũng đồng thời đem lại tác dụng kích cầu thông qua việc tạo thói quen đi xe buýt (vì đã mua vé tập, mỗi tập 30 - 60 vé thì phải sử dụng cho hết). Thế nhưng vẫn còn đó bất cập đang chờ ngành vận tải thành phố giải quyết.
Từ ngày 1/9/2009, vé tập tháng được chính thức tung ra, thay thế tem vé tháng trước đó vốn có nhiều hạn chế. Đơn vị chủ trì việc này - Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng (TTQLĐH VTHKCC) - bấy giờ đưa ra một quy định đáng chú ý, theo đó “khi đi xe buýt, một tập vé chỉ có giá trị cho một người, không được tách lẻ vé cho người khác cùng sử dụng”. Sự chặt chẽ này tiếc thay lại làm phiền hà hành khách. Cứ thử hình dung 4 người trong gia đình lên xe buýt đi Suối Tiên chơi ngày nghỉ cuối tuần chẳng hạn nhưng nếu tuân theo quy định này và vì là những người hưởng ứng lời kêu gọi “Nào ta cùng buýt” của ngành công chính TP nên mỗi người bắt buộc phải “thủ” trong túi một tập vé xe buýt để lấy vé cho bản thân mình. Mẹ có tập vé cũng không thể trả thay cho con và ngược lại.
Những lời phàn nàn của hành khách tới tấp bay về TTQLĐH VTHKCC, rốt cuộc đến cuối tháng 9 năm nay TTQLĐH VTHKCC đã “cởi trói” cho vé tập, bằng cách chấp nhận việc sử dụng cùng một tập vé cho nhiều người khi đi theo nhóm, cùng chuyến xe trên các tuyến xe buýt có trợ giá. Nhưng cuộc vui ngắn chẳng tày gang, bởi vì áp dụng chưa bao lâu, vé tập lại được chấn chỉnh bằng cách quay về như… cũ khi TTQLĐH VTHKCC đưa ra thông báo “đối với loại vé tập, khi đi xe buýt, một tập vé có giá trị sử dụng cho một người, không được tách lẻ vé cho người khác cùng sử dụng”!
Tại sao lại quay về ràng buộc vé tập như vậy? Theo giải thích từ phía TTQLĐH VTHKCC, sẽ có khó khăn cho công tác kiểm soát đột xuất: nếu người cầm tập vé xuống trạm trước trong khi những người được trả vé thay vẫn còn đi tiếp, khi đó kiểm soát viên không còn cuống vé để kiểm chứng xem tiếp viên xe buýt đã xé đúng loại vé hay không. Có nhiều điều chưa thuyết phục trong lý giải này. Thứ nhất, động thái này suy cho cùng chỉ đặt trên quyền lợi của phía quản lý mà không thực sự xem trọng tính thuận tiện cho hành khách, những người đã bỏ tiền mua tập vé để dùng dài ngày, tức là những người đã chọn lựa, hưởng ứng “Nào ta cùng buýt” như lời kêu gọi. Thứ hai, việc kiểm tra đột xuất do tính chất đột xuất của nó cũng không thể bao quát được hết lượng hành khách lên xuống trong ngày. Tức nếu có lọt lưới cũng vẫn có thể lọt lưới rất nhiều, chưa kể trong thực tế, không ít kiểm soát viên khi lên xe buýt kiểm tra chỉ xem qua loa chiếu lệ vé của hành khách trong vài phút rồi lại xuống trạm tiếp theo.
Việc liên tục thay đổi quy định sử dụng vé tập, hết hạn chế rồi nới lỏng rồi quay lại bó buộc đã phần nào phản ánh sự lúng túng trong quản lý của cơ quan chức năng.
Thời gian gần đây, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh xảy ra khá nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan tới xe buýt mất thắng. Một trong những vụ việc mới nhất là tai nạn xảy ra sáng 19/11/2012 trên đường Cộng Hòa. Sáng đó, xe buýt mã số tuyến 28 lộ trình Bến Thành - Chợ Xuân Thới Thượng, khi đến giao lộ Cộng Hòa - Út Tịch thuộc phường 4, quận Tân Bình thì bị mất thắng, tông vào mấy người đi xe máy đang chạy phía trước. Sự cố xảy ra đúng giờ cao điểm sáng nên đã gây ùn tắc nghiêm trọng trên đường Cộng Hòa, hướng vào trung tâm TP.
Lúc 18 giờ ngày 11/11, xe buýt mã số 85 chạy tuyến An Sương - Hậu Nghĩa lưu thông trên quốc lộ 22 hướng từ ngã tư Trung Chánh đi Củ Chi đã bị mất thắng khi đến ngã ba Củ Cải thuộc huyện Hóc Môn. Xe buýt này lao thẳng vào chiếc xe tải đang dừng chờ đèn xanh và do lực tông của xe buýt quá mạnh, xe tải bị đẩy tới, tông tiếp vào một xe du lịch. Cả 3 phương tiện bị hư hỏng ở nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau.
Trước đó vào chiều tối ngày 28-8, chiếc xe buýt chạy tuyến Hưng Long - Cầu Ông Thìn - Chợ Lớn đã bị mất thắng khi đến giao lộ Tạ Quang Bửu - Quốc lộ 50 thuộc phường 5, quận 8. Hậu quả là xe buýt tông vào nhiều xe máy đang dừng chờ tín hiệu giao thông ở phía trước.
Dù có giải thích thế nào, những sự cố liên tiếp xảy ra liên quan tới cái thắng xe buýt đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng chất lượng phương tiện vận tải hành khách công cộng và điều này cũng liên quan tới vấn đề đầu tư đổi mới phương tiện. Bởi vì thực tế cho thấy hầu hết các sự cố liên quan tới xe buýt thời gian qua đều rơi vào các xe đã hoạt động nhiều năm, đã cũ kỹ.
Theo báo SGGP