Loại hình xe buýt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được đưa vào khai thác từ năm 2007 với các tuyến nội thị, nội tỉnh và tuyến liền kề với Hải Dương. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm hoạt động xe buýt đã bộc lộ những bất cập như chưa xây dựng được quy hoạch phát triển, chưa hình thành tổ chức quản lý điều hành chuyên nghiệp; một số tuyến khai thác chưa hiệu quả trong khi một số nơi có nhu cầu nhưng chưa mở được tuyến.
Loại hình xe buýt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được đưa vào khai thác từ năm 2007 với các tuyến nội thị, nội tỉnh và tuyến liền kề với Hải Dương. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm hoạt động xe buýt đã bộc lộ những bất cập như chưa xây dựng được quy hoạch phát triển, chưa hình thành tổ chức quản lý điều hành chuyên nghiệp; một số tuyến khai thác chưa hiệu quả trong khi một số nơi có nhu cầu nhưng chưa mở được tuyến.
Các doanh nghiệp vận tải hoạt động gặp nhiều khó khăn; các ưu đãi như trợ giá, xây dựng cơ sở hạ tầng xe buýt (phần nhà nước đầu tư) hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở hậu cần như văn phòng điều hành, bãi đỗ, xưởng sửa chữa... chưa được quan tâm nhiều.
Để thực hiện được quy hoạch đến năm 2020 cũng như đấu thầu các tuyến buýt trên hiện nay theo cơ quan chức năng rất khó triển khai vì không có vốn đầu tư...
Để đảm bảo ổn định tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động xe buýt, đầu tháng 11/2012, UBND tỉnh đã họp và yêu cầu ngành GTVT khẩn trương thành lập trung tâm quản lý điều hành xe buýt và triển khai quy hoạch trên nguyên tắc phân định rõ các tuyến đấu thầu, các tuyến chỉ định thầu nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị và an toàn giao thông. Cụ thể, xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo hoạt động của xe buýt theo quy định nhà chờ, điểm dừng đỗ… việc đấu thầu triển khai từ đầu quý II/2013. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, ngành GTVT đã tiến hành xây dựng quy hoạch vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2012-2020. Theo đó, việc phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sẽ phải đảm bảo đồng bộ và tương thích giữa các loại hình vận tải trong đô thị, từ trung tâm đô thị đến các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đến các tỉnh lân cận. Mạng lưới xe buýt phải phù hợp với hạ tầng giao thông hiện tại và các định hướng quy hoạch tương lai. Qua đó, đề xuất phát triển 11 tuyến xe buýt: trong đó, 4 tuyến nội thị; 6 tuyến nội tỉnh và 1 tuyến liền kề; các cơ sở phụ trợ gồm văn phòng điều hành, điểm sửa chữa, bảo dưỡng, điểm đỗ phương tiện qua đêm. Ngoài ra, cũng định hướng phát triển các tuyến khác theo khu vực miền Đông, miền Tây, TP Hạ Long, các tuyến liền kề với tổng số 20 tuyến, khi đủ điều kiện về hạ tầng, kỹ thuật, nhu cầu… Khái toán vốn và nhu cầu đầu tư cho hệ thống xe buýt đến năm 2020 ước khoảng trên 300 tỷ đồng; trong đó, xã hội hoá khoảng trên 200 tỷ đồng. Đồng thời tích cực xây dựng đề án trung tâm điều hành vận tải khách cũng như xây dựng các tuyến buýt đấu thầu và hiện dự kiến sẽ đấu thầu 4 tuyến là: Hòn Gai - Vân Đồn, Hà Tu - Minh Thành - Km11, Minh Thành - Đông Triều. Thế nhưng để thực hiện được quy hoạch đến năm 2020 cũng như đấu thầu các tuyến buýt trên hiện nay theo cơ quan chức năng rất khó triển khai vì không có vốn đầu tư. Ngay như các tuyến xe buýt dự kiến đấu thầu trong quý II/2013 cũng khó thực hiện được vì không có vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng.
Có thể nhận thấy rằng, bên cạnh các phương thức vận tải hành khách đường dài thì việc phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt là một giải pháp và là nhu cầu tất yếu cần thiết, nhất là với những địa phương phát triển nhanh như tỉnh Quảng Ninh. Chính vì vậy các cấp, các ngành cũng như doanh nghiệp sớm có giải pháp thực hiện quy hoạch phát triển xe buýt trên địa bàn tỉnh.
Nguồn: Báo Quảng Ninh