Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nhu cầu đi lại của nhân dân chủ yếu bằng 3 loại hình vận tải đường bộ gồm: Vận tải trên tuyến cố định, vận tải xe hợp đồng và vận tải hành khách bằng xe taxi.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nhu cầu đi lại của nhân dân chủ yếu bằng 3 loại hình vận tải đường bộ gồm: Vận tải trên tuyến cố định, vận tải xe hợp đồng và vận tải hành khách bằng xe taxi.
Theo đánh giá của Sở GTVT tỉnh Phú Thọ, với 31 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định và 15 doanh nghiệp tham gia hoạt động vận tải hợp đồng, xe du lịch và vận tải taxi, hoạt động vận tải hành khách bằng đường bộ trên địa bàn tỉnh về cơ bản đã đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế đó là: Chất lượng dịch vụ chưa đảm bảo, quyền lợi khách hàng chưa thực sự được chú trọng; số lượng doanh nghiệp và phương tiện khai thác kinh doanh vận tải quá nhiều gây khó khăn trong công tác quản lý; nhu cầu đi lại của nhân dân trên địa bàn tỉnh chưa thực sự được đáp ứng tốt, nhất là tại thành phố Việt Trì - đô thị loại 1 của tỉnh; TNGT diễn biến phức tạp, hiện tượng lấn chiếm hành lang ATGT diễn ra khá phổ biến, xe ô tô dừng đỗ, đón, trả khách không đúng quy định gây nguy hiểm cho hành khách và người tham gia giao thông; sự liên kết các phương thức vận tải chưa đảm bảo hài hòa; phương tiện vận tải cơ bản đáp ứng về số lượng, nhưng chất lượng dịch vụ chưa cao, chi phí vận tải còn nhiều bất hợp lý. Riêng đối với hoạt động vận tải hành khách nội tỉnh, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của người dân về mặt chất lượng cũng như số lượng. Sự hạn chế về thời gian, cũng như phương tiện hoạt động, khiến không ít người dân, cán bộ, CNVC, học sinh, sinh viên, phải lựa chọn sử dụng phương tiện cá nhân (chủ yếu là xe máy) để đi làm và đi học. Thực trạng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT, vì hầu hết các tuyến đường đều có mật độ phương tiện lớn.
Thành phố Việt Trì cũng như nhiều huyện, thị khác đang trong quá trình phát triển, với vị trí giao thông thuận lợi và hàng loạt các điểm du lịch văn hóa, tâm linh, thì sự gia tăng nhu cầu du lịch là tất yếu. Song, khó khăn lớn nhất chính là phương tiện đi lại. Bởi hầu hết các tuyến nội tỉnh là những tuyến đi theo lộ trình thẳng trên các tuyến quốc lộ; đường tỉnh không ghé qua các địa điểm này thì khách du lịch từ các địa phương khác, nhất là khách du lịch nước ngoài khó có thể tiếp cận các địa điểm du lịch và sử dụng phương tiện vận tải hành khách nội tỉnh. Điều này trước hết gây tổn thất cho ngành du lịch của tỉnh cũng như cho chính các nhà khai thác vận tải và cho chính người dân.
Về mặt giá cả, do hoạt động theo hình thức nội tỉnh, nên giá vé trên các tuyến áp dụng theo hình thức giá phân chặng, nhưng việc xác định giá vé chủ yếu trên các cự ly lớn, còn nếu hành khách chỉ có nhu cầu đi lại trên các cự ly ngắn từ 2-5 km thì giá vé không có tính thống nhất, thường chi phí sẽ ở mức cao nếu thường xuyên đi theo cách này.
Trước thực trạng trên, rất cần có thêm phương thức vận tải hành khách công cộng có tính chất phổ thông như vận tải hành khách bằng xe buýt, để người dân có thể sử dụng một cách thuận tiện, với mức giá vé phù hợp. Được biết thời điểm hiện tại loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt chưa có, nhưng trước đây đã từng tồn tại. Năm 1999, công ty Việt Hưng là đơn vị đầu tiên triển khai đề án “Tổ chức vận tải hành khách công cộng ở thành phố Việt Trì và nối liền một số vùng kinh tế tập trung trong tỉnh”, nhưng rất tiếc sau 6 tháng triển khai thí điểm đã phải dừng khai thác và xin thanh lý hợp đồng bởi các nguyên nhân: Nhu cầu vận chuyển thời điểm đó còn nhỏ, cơ sở hạ tầng phục vụ chưa đồng bộ; chính sách hỗ trợ chưa đủ; chưa tạo được thói quen đi lại bằng xe buýt cho người dân; đề án mang tính ngắn hạn nên chưa xác định chính xác, cụ thể lộ trình triển khai phát triển các tuyến xe buýt.
Xuất phát từ thực tiễn nhu cầu vận tải hành khách hiện tại và trên cơ sở bài học rút ra từ việc triển khai thí điểm đề án vận tải hành khách bằng xe buýt trước đây, mới đây, ngành GTVT đã xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh. Việc làm này là rất cần thiết, phù hợp với chủ trương của Nhà nước, đặc biệt nó sẽ góp phần giải quyết những vấn đề nan giải về ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, giảm thiểu TNGT; giúp người dân thụ hưởng dịch vụ vận tải an toàn, chất lượng với chi phí phù hợp, tiết kiệm chi phí mua sắm, khai thác sử dụng phương tiện cá nhân, có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm, cải thiện thu nhập; đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước.
Nguồn: Báo Phú Thọ