Ngày 7/6, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã ký quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 - 2016 và định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh An Giang.
Ngày 7/6, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã ký quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 - 2016 và định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh An Giang.
Quan điểm phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC ) bằng xe buýt được khẳng định bằng nguồn lực nhà nước là cơ bản, kết hợp với huy động các nguồn lực của các thành phần kinh tế khác theo hướng nhà nước và nhân dân cùng làm;
Ngân sách nhà nước đầu tư hạ tầng kỹ thuật xe buýt và có cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động đối với các tuyến được mở mới, tuyến có số lượng khách còn thấp, chưa kinh doanh có lãi; chính sách khuyến khích sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường… để bảo đảm cho hoạt động vận tải xe buýt phát triển bền vững, hiệu quả, thiết thực.
Trong giai đoạn 2012 - 2016 mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh đáp ứng 05% nhu cầu đi lại, tương ứng số lượng xe buýt có 190- 200 xe; sản lượng hành khách xe buýt đạt 72.000 hk/ngày (26 triệu hk/năm).
Giai đoạn 2016 - 2020 mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh đáp ứng 10% nhu cầu đi lại tương ứng tổng số lượng xe buýt có 320-330 xe; sản lượng hành khách xe buýt đạt khoảng 190.000 hk/ngày (69 triệu hk/năm).
Cùng với việc tổ chức sắp xếp khôi phục và chấn chỉnh lại hoạt động của 11 tuyến xe buýt hiện hữu; sẽ lựa chọn kết nối các tuyến xe buýt vào mạng lưới vận tải, bảo đảm sự chuyển tiếp hành khách liên tục, giảm thời gian chờ đợi và chi phí di chuyển.
Giai đoạn 2012 - 2016, lựa chọn tổ chức 5 tuyến xe mini buýt dưới 17 chổ ngồi hoạt động trong nội thành Long Xuyên, nội ô thị xã Châu Đốc và 03 tuyến đường huyện; đồng thời đưa 03 tuyến xe buýt Tri Tôn - Ba Thê; Tri Tôn - Vàm Rầy; Tân Châu - Vĩnh Xương vào hoạt động, nâng tổng số tuyến buýt lên 19 tuyến.
Giai đoạn 2016 - 2020, lựa chọn tổ chức tiếp 6 tuyến nâng tổng số tuyến buýt lên 25 tuyến.
Tần suất hoạt động bảo đảm 80- 90 lượt xe/ngày; thời gian mở, đóng tuyến: 5giờ - 20 giờ hằng ngày; giờ cao điểm: 10 phút/lượt; giờ bình thường: 15 phút/lượt.
Theo đề xuất của Sở GTVT, lựa chọn loại phương tiện buýt sức chứa từ B40 sử dụng động cơ ô tô chế tạo tại Hàn Quốc do các nhà máy ô tô trong nước lắp ráp. Loại xe này có giá thành cao hơn nhưng tuổi thọ động cơ bền, khỏe, tiêu hao nhiên liệu ít hơn; Đồng thời, cho phép đưa loại mini buýt có sức chứa dưới 17 chổ ngồi vào hoạt động các tuyến nội thành, nội thị và đường huyện có tải trọng cầu đường thấp.
Dự kiến tổng số phương tiện hoạt động giai đoạn 2012 - 2016 là 201 xe, gồm 118 xe của Công ty cổ phần vận tải An Giang đang hoạt động; 31 xe được bổ sung, thay thế mới. Số lượng phương tiện cho 3 tuyến mới giai đoạn 2012-2016 là 24 xe buýt loại dưới 17 chổ ngồi.
Về chính sách hỗ trợ tài chính: Doanh nghiệp vận tải khách bằng xe buýt đầu tư xây dựng hạ tầng xe buýt: các trạm bảo dưỡng, sửa chữa; các bến, bãi đỗ xe trên cơ sở các dự án vận tải khách bằng xe buýt do cấp có thẩm quyền phê duyệt được ưu tiên cấp đất, miễn tiền thuê đất theo quy định. Doanh nghiệp vận tải khách bằng xe buýt được mở thêm các hoạt động sản xuất kinh doanh, các hoạt động dịch vụ khác phù hợp theo quy định của pháp luật.
Ngân sách Tỉnh thực hiện hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các dự án cải tạo, thay thế, bổ sung hệ thống biển báo, vạch sơn, sơ đồ tuyến xe buýt, sửa chữa, lắp đặt các nhà chờ xe buýt, và các hạng mục công trình phụ trợ, thuận tiện nhằm phục vụ cho người khuyết tật
Chính sách trợ giá trực tiếp thực hiện trong thời hạn 3 năm đầu cho một số tuyến mở mới theo quy hoạch phát triển mạng lưới xe buýt; trợ giá một số tuyến nội đô, khu công nghiệp và hỗ trợ chênh lệch giá vé tháng ưu tiên đối với một số đối tượng hoặc một số tuyến cần khuyến khích người dân đi lại để giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông.
Nguồn: Sở GTVT An Giang