TP. Hồ Chí Minh: Kỳ vọng đột phá về giao thông công cộng

Thứ năm, 13/02/2014 08:35
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Với hàng loạt giải pháp đề ra như ngưng các tuyến xe buýt không hiệu quả, đầu tư mới xe hiện đại, mở rộng bến bãi… năm 2014 này, ngành GTVT Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong việc đưa người dân đi xe buýt nhiều hơn.

Với hàng loạt giải pháp đề ra như ngưng các tuyến xe buýt không hiệu quả, đầu tư mới xe hiện đại, mở rộng bến bãi… năm 2014 này, ngành GTVT Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong việc đưa người dân đi xe buýt nhiều hơn.

Theo Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng (Trung tâm VTHKCC), năm 2014, Trung tâm sẽ ngưng các tuyến xe buýt có trợ giá nhưng không hiệu quả. Cụ thể, sẽ có 4 tuyến xe buýt dự kiến bị ngưng gồm: Tuyến 143 (Bến xe Chợ Lớn - Bình Hưng Hòa), tuyến 26 (Bến xe Miền Đông - Bến xe An Sương), tuyến 50 (ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia) và tuyến 111 (Bến xe Quận 8 - Bến xe An Sương). Ngoài ra, Trung tâm sẽ tiếp tục thay thế các phương tiện mới, sàn bán thấp, khí thải đạt chuẩn Euro III đưa vào hoạt động thay thế trên 7 tuyến xe buýt với quy mô khoảng 100 xe, gồm tuyến: 15, 16, 17, 40, 51, 146 và 149.

 Theo ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT, Sở cũng sẽ tăng cường kiểm tra giám sát và tái cấu trúc các đơn vị có hoạt động kinh doanh vận tải xe buýt từ 19 xuống còn 12 đơn vị và dự kiến đến năm 2015 chỉ còn từ 7 đến 10 đơn vị. Mặt khác, đưa vào hoạt động 54 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (khí CNG) và 153 xe buýt sàn thấp hoặc có thiết bị nâng hạ dành cho người khuyết tật. Đặc biệt, đầu tư các trạm thông tin xe buýt điện tử; trang bị thiết bị bán vé tự động; gắn thiết bị giám sát hành trình; từng bước xóa dần hình thức nhân viên trực tiếp bán vé trên xe, tiến tới sử dụng loại vé xe buýt bằng thẻ thông minh trên tất cả các tuyến, từ đó tạo tiền đề sử dụng vé liên thông cho tất cả các phương thức dịch vụ VTHKCC trong tương lai.

 Ngoài việc đầu tư xe buýt mới, điều chỉnh lộ trình… theo ông Lê Hải Phong, Giám đốc Trung tâm, công tác quy hoạch, xây dựng các bến bãi cũng là khâu then chốt để tạo đột phá. Trong quý I năm nay, Trung tâm sẽ tiếp nhận bến xe mới ở quận Tân Phú và đưa vào hoạt động bãi xe buýt Cầu Lớn (huyện Hóc Môn); cải tạo khang trang hai bến xe hiện hữu là Chợ Lớn và quận 8 trước ngày 30-4 tới; hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng bãi xe buýt Tân Quy (huyện Củ Chi) trong quý III đồng thời xây dựng 3 bãi xe lớn phục vụ cho việc để xe hai bánh.

 Kế hoạch mang tính đột phá trên của ngành chức năng được UBND TP Hồ Chí Minh rất ủng hộ. Để các giải pháp được triển khai nhanh chóng, đích thân ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh vừa yêu cầu Sở GTVT phối hợp với các đơn vị liên quan, các quận, huyện rà soát quỹ đất phục vụ cho việc quy hoạch xây dựng bến bãi phục vụ phát triển VTHKCC; hoàn tất báo cáo đề xuất đầu tư từng bến bãi theo lộ trình trong quý I; sắp xếp thứ tự ưu tiên triển khai đầu tư xây dựng bến bãi trong quý II. Trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng bến bãi trung chuyển xe buýt tại các khu vực trọng điểm làm cơ sở để xem xét, nghiên cứu, điều chỉnh và cắt giảm số chuyến, tuyến trùng lắp.

 Phó Chủ tịch UBND Thành phố đặc biệt lưu ý các địa phương xem xét kết hợp với các dự án khu vực, hoặc rà soát các quỹ đất dự trữ để có được diện tích khoảng từ 600m2 đến 1.000m2 trở lên làm bến bãi đậu đỗ, tạo thuận lợi cho hành khách sử dụng xe buýt. Thành phố phấn đấu đến năm 2015, giải quyết được 50% các điểm đầu, điểm cuối xe buýt sử dụng tạm lòng lề đường có khu đất để đậu đỗ lâu dài và đến giai đoạn năm 2016-2020, giải quyết dứt điểm 50% số điểm đỗ còn lại...

Theo Báo HNM

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)