Tại hội thảo “Sử dụng nhiên liệu CNG trong giao thông vận tải khu vực phía Nam,” tổ chức ngày 6/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều đại biểu cho rằng xe buýt sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng (CNG) không những góp phần bảo vệ môi trường, giảm chi phí đầu tư mà còn nâng cao chất lượng phục vụ của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị lớn.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng nếu giá một xe buýt CNG lên đến 3,1 tỷ đồng; trong đó trợ giá Nhà nước hỗ trợ khoảng 400 triệu đồng là quá cao và cần nghiên cứu lại trước khi áp dụng phổ biến tại nhiều tỉnh, thành phía Nam.
Theo ông Trần Quốc Toản, Tổng Giám đốc Samco, đơn vị được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao thực hiện thí điểm sử dụng xe buýt CNG, sau khi đưa vào hoạt động, xe buýt CNG vận hành êm, các khí thải độc hại giảm từ 53-63%, khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính giảm 20%, không có bụi và khói đen, nhiên liệu được đốt cháy triệt để, qua đó xe buýt CNG đã giảm 23% chi phí nhiên liệu so với xe sử dụng diesel.
Năm 2009, Tổng công ty Samco và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xe khách Sài Gòn đã phối hợp với Công ty cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam đầu tư 1 trạm cung cấp khí CNG và đầu tư 1 xe buýt chạy CNG hoạt động trên 1 tuyến nhằm thí điểm việc ứng dụng khí nén CNG thay thế cho nhiên liệu diesel, cải thiện môi trường.
Đến năm 2011, lần đầu tiên trong cả nước, ngành giao thông vận tải thành phố đã khai thác 1 tuyến xe buýt CNG (tuyến số 1) với 21 xe mới, nhập khẩu từ Hàn Quốc, mở đầu cho ngành vận tải hành khách công cộng nhiên liệu sạch tại Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Đến tháng Ba vừa qua, Samco giao 23 xe buýt CNG, phân phối cho Hợp tác xã vận tải 19/5 hoạt động tuyến bến xe An Sương-Suối Tiên-Đại học Quốc gia. Đây cũng là đợt đầu tư xe buýt mới nằm trong đề án 300 xe buýt CNG đã được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt.
Ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hiện thành phố đang có 136 tuyến xe buýt với 2.683 xe; trong đó có 137 xe sử dụng nhiên liệu CNG. Trên cơ sở thí điểm, Sở Giao thông Vận tải đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành chính sách hỗ trợ về vốn đầu tư, hỗ trợ 70% vốn vay ưu đãi, cho phép giữ lại phần chênh lệch về giá giữa nhiên liệu CNG và diesel trong cơ cấu giá.
Tuy nhiên, tại hội thảo nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, cần làm rõ thêm chính sách hỗ trợ về vốn của Trung ương trong việc đầu tư và phát triển mạng lưới xe buýt sử dụng khí hóa lỏng CNG gắn với việc phát triển các hạ tầng kèm theo…
Theo đại diện Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai, Đồng Nai có 24 tuyến xe buýt đang hoạt động; trong đó 5 tuyến có trợ giá với 30 tỷ đồng/năm. Đồng Nai đang có kế hoạch đầu tư 100 xe buýt CNG, với lãi suất vay là 5,1% trong vòng 5 năm.
Sở Giao thông vận tải tỉnh đang xin Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đầu tư 500 xe buýt nhưng chưa thực hiện được do không có kinh phí. Nếu với giá xấp xỉ 3 tỷ động/xe buýt CNG chỉ có Thành phố Hồ Chí Minh mới có thể làm được; còn đầu tư xe buýt CNG với giá 1,5 tỷ đồng/chiếc có thể thực hiện được vì ngân sách Nhà nước (địa phương và Trung ương) hỗ trợ 50%.
Trong khi đó, ông Phùng Đăng Hải, Tổng Gám đốc Liên hiệp Hợp tác xã vận tải Thành phố Hồ Chí Minh lại băn khoăn về nguồn cung cấp nhiên liệu CNG.
Theo ông Phùng Đăng Hải, hiện nay việc quy hoạch giữa các trạm bơm cung cấp nhiên liệu là cả vấn đề. Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 4 trạm, tuy nhiên thực tế việc hoạt động của các xe CNG cũng chỉ trong bán kính 150-200km, vất vả cho cả lộ trình đi và về.
Ngoài ra, 1 xe buýt CNG phải có thu nhập từ 35-40 triệu đồng/tháng, ổn định như vậy trong vòng 7 năm mới đủ trả nợ gốc lẫn lãi ngân hàng. Do đó, việc duy trì hoạt động của các loại xe này không hề đơn giản, vì thế rất cần sự hỗ trợ của Trung ương./.