Cuối tháng 1/2015, Sở Giao thông vận tải đã chính thức đưa 2 tuyến xe buýt từ thành phố Việt Trì đến thị xã Phú Thọ và Việt Trì đến huyện Thanh Sơn vào hoạt động; trung tuần tháng 3/2015 tiếp tục đưa vào hoạt động thêm 2 tuyến Việt Trì - Thanh Thủy và Việt Trì - Đoan Hùng; cuối năm 2015 đưa thêm tuyến Việt Trì - Yên Lập vào hoạt động. Như vậy, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh đang có 5 tuyến xe buýt với tổng số 55 đầu xe đang hoạt động khai thác phục vụ nhân dân.
Theo báo cáo của 3 doanh nghiệp tham gia vận tải hành khách bằng xe buýt là các công ty: Cổ phần vận tải ô tô Phú Thọ, TNHH TM Nam Cường và Tổng Công ty TM và XD Đông Bắc- Công ty TNHH tại Phú Thọ, trong năm 2015 các doanh nghiệp đã thực hiện tổng số trên 97 ngàn chuyến xe buýt phục vụ nhân dân với sản lượng vận chuyển trên 1,2 triệu lượt hành khách.
Sau hơn 1 năm đưa loại hình vận tải hành khách bằng xe buýt vào hoạt động ở một số địa bàn tỉnh đã được đông đảo nhân dân hưởng ứng và đánh giá rất cao.
Về phía các đơn vị vận tải đều chấp hành nghiêm túc các phương án đã được phê duyệt cũng như các quy định liên quan đến hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt và hoạt động khá ổn định.
Các tuyến đều khai thác tương đối hiệu quả, trong đó tuyến BigC Việt Trì - Thanh Sơn hoạt động khai thác có khả quan nhất với bình quân khoảng 25 khách/chuyến. Tuyến BigC Việt Trì - thị xã Phú Thọ và tuyến Bến Gót - Chí Đám khoảng 20 khách/chuyến. Các tuyến còn lại bình quân khoảng 15 khách/chuyến.
Theo đại diện các doanh nghiệp tham gia vận tải hành khách bằng xe buýt, khi mới đi vào hoạt động, doanh nghiệp luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi của các cấp ngành trong việc tháo gỡ các khó khăn; người dân đã có sự đánh giá cao về chất lượng dịch vụ vận tải đối với loại hình xe buýt; ngành GTVT quyết liệt và sát sao trong việc triển khai cấp phép và quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải buýt.
Các tuyến xe buýt đi vào hoạt động ổn định, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong tỉnh
Tuy nhiên, bên cạnh đó doanh nghiệp cũng gặp phải một số khó khăn về nguồn lực kinh tế có hạn, việc hỗ trợ về mặt tài chính, đặc biệt là trợ giá cho các doanh nghiệp chưa thực hiện được; sự cạnh tranh của các phương tiện vận tải hành khách tuyến cố định ngày càng lớn; sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực trong tỉnh dẫn tới sự khó khăn trong khai thác hoạt động của các tuyến kết nối tới các huyện vùng núi; doanh thu còn thấp...
Tuy vẫn còn một số khó khăn nhất định, song cần phải khẳng định việc đưa một số tuyến xe buýt vào hoạt động trong thời gian qua là hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển giao thông hiện nay. Ngoài việc đem lại sự thay đổi lớn về nhận thức, thói quen đi lại, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; giúp người dân thụ hưởng dịch vụ vận tải an toàn, chất lượng với chi phí phù hợp, tiết kiệm chi phí mua sắm, khai thác sử dụng phương tiện cá nhân, có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm, cải thiện thu nhập; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước nó sẽ góp phần giải quyết những vấn đề nan giải về ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, giảm thiểu TNGT.
Ông Trần Văn Thắng khu 6 - Gia Cẩm, Việt Trì cho biết: Chúng tôi đánh giá cao các tiện ích mà hệ thống xe buýt đem lại. Không chỉ giúp người dân đi lại thuận lợi, giá thành rẻ, hệ thống xe buýt đi vào hoạt động còn góp phần rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng văn minh đô thị và góp phần đảm bảo trật tự ATGT và giảm thiểu TNGT.
Ông Bùi Trung Thành - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý vận tải và phương tiện người lái Sở GTVT cho biết: Để hoạt động vận tải công cộng bằng xe buýt có chất lượng, hiệu quả hơn nữa, tới đây ngành GTVT mà cụ thể là Phòng Quản lý vận tải và phương tiện người lái sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những hành vi vi phạm của lái xe, chủ doanh nghiệp tham gia kinh doanh vận tải bằng xe buýt nhằm phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu của nhân dân.
Xe buýt góp phần đa dạng các phương thức vận tải, đáp ứng thoả mãn nhu cầu đi lại của người dân, nâng cao an toàn giao thông, đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội và văn minh đô thị. Song đây là loại hình vận tải có vốn đầu tư và chi phí vận hành lớn, kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư kịp thời và đồng bộ, ý thức một bộ phận người dân đi xe buýt chưa thật sự văn minh nên hiệu quả kinh doanh của một số tuyến chưa cao. Do vậy, để loại hình dịch vụ vận tải này đạt kết quả cao hơn, từ nay đến năm 2020, ngành GTVT sẽ tham mưu cho tỉnh tiếp tục phát triển nâng cao chất lượng phục vụ các tuyến xe buýt nội thành và các tuyến từ thành phố Việt Trì đến tất cả trung tâm các huyện, thị trong tỉnh, cũng như các khu vực giáp ranh với các tỉnh, thành phố lân cận như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Tuyên Quang, Yên Bái. Cùng với đó, ngành cũng sẽ từng bước hoàn thiện các tuyến xe buýt tạo thành một mạng lưới hoàn chỉnh, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu vận tải hành khách nội tỉnh, đồng thời nghiên cứu thành lập Trung tâm điều hành chung cho cả mạng lưới. Tuy nhiên, để thực hiện được việc này rất cần có sự ủng hộ, giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp, ngành, doanh nghiệp và mọi người dân trong tỉnh.