Dù phải đối mặt với sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân, nạn ùn tắc do thi công các công trình, song bằng việc điều chỉnh, mở rộng, hợp lý hóa luồng tuyến, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng phục vụ, xe buýt Thủ đô tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân. Hình ảnh những chiếc xe buýt ngày càng trở nên thân thiện hơn với hành khách.
Hợp lý hóa luồng tuyến, mở rộng vùng phục vụ
Giữ vai trò chủ lực trong hoạt động vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) của Thủ đô, nhưng nửa năm đầu của năm 2016, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị xe buýt gặp nhiều khó khăn, sản lượng giảm 5% so với kế hoạch. Ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nhận định: Giảm sản lượng có nhiều nguyên nhân. Sự gia tăng các phương tiện giao thông cá nhân dẫn tới gia tăng ùn tắc giao thông. Toàn thành phố hiện có hơn 300.000 ô tô con, hơn 5,5 triệu xe máy. Bên cạnh đó là sự xuất hiện các loại hình vận tải khách mới có sức cạnh tranh mạnh mẽ với xe buýt, như taxi Uber, Grab taxi... Xe đạp điện, xe máy điện cũng được giới học sinh, sinh viên lựa chọn nhiều hơn (Hà Nội hiện có khoảng 25.000 chiếc).
Cùng với đó, việc tổ chức thi công các công trình trọng điểm trên các tuyến huyết mạch của thành phố, như quốc lộ (QL) 6, QL 32, đường Vành đai 2 Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng, hầm chui tại nút giao Phạm Hùng - Trần Duy Hưng… tiếp tục ảnh hưởng đến việc vận hành cũng như khả năng tiếp cận xe buýt của hành khách. Trên trục QL 6, Sở GTVT Hà Nội đã phải tạm hủy bỏ 6/40 điểm dừng đón trả khách; trên trục QL 32, thu hồi 7/28 điểm và di chuyển 15/28 điểm dừng. Đoạn tuyến từ đường Trần Đăng Ninh (quận Cầu Giấy) đến cầu vượt Dịch Vọng dài 1,5km với nhiều trường đại học không còn điểm dừng đỗ đón trả khách...
Hợp lý hóa luồng tuyến, ứng dụng KHCN, nâng cao chất lượng phục vụ,
xe buýt Thủ đô tiếp tục đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân
"Hạ tầng nhiều biến động, song về cơ bản xe buýt Hà Nội vẫn đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. 5 tháng đầu năm 2016, toàn mạng lưới buýt với 92 tuyến (trong đó có 72 tuyến buýt có trợ giá, 12 tuyến buýt không trợ giá và 8 tuyến buýt kế cận) đã vận chuyển được 177,5 triệu lượt khách (đạt 95% so với kế hoạch). Việc liên tục điều chỉnh nhằm hợp lý hóa luồng tuyến, mở rộng vùng phục vụ tới các địa bàn ngoại thành có nhu cầu cao, đầu tư đổi mới đoàn phương tiện… đã giữ được lượng hành khách lựa chọn xe buýt là phương tiện đi lại chính" - ông Hà Huy Quang nhận định.
Tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành
Đảm nhiệm tới hơn 80% thị phần xe buýt của thành phố, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) là đơn vị chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Hoàng Trung, Tổng Giám đốc Transerco cho biết: Tổng công ty đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ. Theo đó, Transerco đã mở rộng vùng phục vụ của 3 tuyến đến các khu vực chưa có xe buýt như xã Tân Dân, Phú Túc (huyện Phú Xuyên), Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh) và mở 1 tuyến buýt chất lượng cao kết nối Ga Hà Nội với Sân bay Nội Bài. Trong 5 tháng đầu năm, đơn vị đã điều chỉnh lộ trình 12 tuyến nhằm tránh những đoạn đường đang thi công các công trình giao thông như tuyến 05, 29, 30, 33, 50, 39 (qua nút giao Trung Hòa - Phạm Hùng - Trần Duy Hưng); tuyến 01, 02, 22, 39 (qua nút giao Thanh Xuân - Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến); tuyến 13 (qua nút giao Bưởi - Võ Chí Công - Hoàng Quốc Việt); tuyến 12 (qua nút giao cầu Ngọc Hồi - Vĩnh Quỳnh - QL 1); tuyến 63 (thi công sửa chữa cầu Phú Thứ).
Đặc biệt, Tổng công ty đã đưa vào hoạt động 30 xe mới có sức chứa 80 hành khách trên tuyến 86 (Ga Hà Nội - Sân bay Nội Bài) và thay thế xe cũ trên tuyến 26 (Mai Động - Sân vận động Quốc gia). Bên cạnh đó, việc duy trì một cách có hiệu quả hệ thống GPS tại Trung tâm Điều hành xe buýt của Tổng công ty và các đơn vị, giúp cho khâu xử lý thông tin điều hành, giám sát chất lượng dịch vụ nhanh hơn, kịp thời hơn. Hệ thống thiết bị giám sát hành trình và lực lượng điều hành đầu cuối đã giúp kiểm soát được 100% số chuyến, lượt toàn mạng; việc lắp bổ sung bảng điện tử LED cho 578 xe nhằm thay thế các bảng thông tin bằng chất liệu đề can dán khiến hành khách dễ nhận biết số hiệu tuyến buýt và tạo hình ảnh VTHKCC văn minh, hiện đại.
Cũng liên quan đến việc tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành xe buýt trên địa bàn Thủ đô, ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: Từ nay đến cuối năm Sở GTVT sẽ tập trung hoàn thành, đưa vào khai thác hiệu quả chốt điện tử tại các điểm trung chuyển xe buýt Hoàng Quốc Việt, Trần Khánh Dư, Long Biên và Bến xe Giáp Bát nhằm giám sát chuyến, lượt đối của 35 tuyến với 759 xe. Đồng thời, chuẩn bị đầu tư số hóa cơ sở dữ liệu hạ tầng VTHKCC bằng xe buýt; triển khai các dự án tăng cường sử dụng vé điện tử trong giao thông công cộng…