Hiện người khuyết tật (NKT) vẫn còn mặc cảm, tự ti và khó khăn mỗi khi đi lại bằng xe buýt, một phần do thái độ phục vụ của nhân viên và tài xế nhà xe, phần nữa do cơ sở hạ tầng và xe cộ dành riêng cho đối tượng này còn thiếu. Vấn đề này vừa được đưa ra tại hội thảo “Thúc đẩy NKT hòa nhập xã hội thông qua việc đầu tư hệ thống xe buýt thân thiện và nhân văn”.
Vẫn còn phân biệt, đối xử
Theo bạn Nguyễn Thị Huyền, sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin, phần lớn các "bác tài" lẫn tiếp viên nhà xe và cả cộng đồng xã hội đều hỗ trợ nhiệt tình mỗi khi NKT tham gia đi lại bằng phương tiện công cộng, điều này mang lại cảm giác tự tin khi hòa nhập với cộng đồng. Thế nhưng, nói về khó khăn trong việc đi lại bằng xe buýt, cũng có những quan điểm khác.
Bạn Lê Thị Liên, sinh viên năm 2 (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh) cho hay, thái độ phục vụ của nhân viên và tài xế gây khó khăn cho NKT khi tham gia giao thông. “Nhân viên dù thấy em rồi nhưng không chủ động xuống xe để hỗ trợ. Một lần khác, khi em đã lên xe thì nhân viên từ chối phục vụ và bảo xuống vì xe đông dù xe lúc đó vắng khách. Điều này làm cho bản thân thấy rất buồn và mặc cảm”, Lê Thị Liên kể.
Cũng theo chia sẻ của nhiều người khiếm thính, việc tham gia loại hình vận tải hành khách công cộng còn thiệt thòi khi trình thẻ đi miễn phí, lập tức nhiều nhân viên nhà xe tỏ thái độ khó chịu. Chưa kể, những thẻ này không ghi rõ đối tượng cụ thể nên nhà xe tỏ ra nghi ngờ và có thái độ phục vụ không tốt. Như Trần Phương (quận Thủ Đức) chia sẻ, hiện NKT khi đi xe lăn không có bậc lên nhà chờ nên việc đón xe phải đứng dưới lòng đường, nguy hiểm và cản trở giao thông. Còn nếu có bậc lên xuống thì người bán hàng rong lấn chiếm để kinh doanh.
Cùng suy nghĩ, bạn Vũ Huy Tường Nhã (Hội Người khiếm thính quận 10) cho rằng, khi xe đến các trạm dừng để xuống, người khiếm thính luôn bị bỏ lỡ cho dù xe có trang bị chuông báo, bởi người khiếm thính không thể nghe được, còn nhân viên lại không báo trạm dừng.
Để người khuyết tật tiếp cận dễ dàng hơn
Chia sẻ về giải pháp, ông Nguyễn Tấn Tạo, Phó Giám đốc Hợp tác xã 65 (quận Thủ Đức) cho rằng, người đứng đầu đơn vị vận tải phải có tâm và trách nhiệm trong quản lý và điều hành; thêm vào đó, cần tuyên truyền và đào tạo kỹ năng, thái độ phục vụ cho nhân viên và tài xế. Cũng theo ông Tạo, NKT khi đi xe buýt cần mạnh dạn phản ánh nếu gặp các trường hợp trên. “NKT khi đi xe buýt nên chuẩn bị sẵn mẩu giấy và cái bút để khi gặp xe nào hay nhân viên, tài xế nào có thái độ không đúng mực ghi lại để báo và chúng tôi sẽ có hình thức xử lý nghiêm”, ông Tạo nêu ý kiến.
Về thẻ đi xe buýt, ông Hà Lê Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TP Hồ Chí Minh cho biết, thẻ miễn phí không có thời hạn và đang làm bằng giấy ép nhựa, dùng lâu sẽ thâm đen. Do đó, thời gian tới nghiên cứu dùng thẻ nhựa sẽ được lâu hơn và đỡ mất công đi làm lại.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, xe buýt trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã dành 2 hàng ghế đầu ưu tiên cho NKT; 263/2.500 phương tiện (chiếm 10,1% số lượng) có trang bị thiết bị nâng hạ hoặc sàn thấp thuận lợi cho NKT sử dụng; 350/497 nhà chờ đã được cải tạo lối lên xuống cho NKT sử dụng xe lăn; Sở GTVT đã cấp 11.017 thẻ đi miễn phí cho những đối tượng được hưởng chính sách như thương, bệnh binh, NKT... TP Hồ Chí Minh đã triển khai đề án đầu tư thay thế mới 1.680 xe buýt giai đoạn 2014-2017, trong đó có 300 xe nhiên liệu sạch (CNG) sàn thấp cho NKT. Từ ngày 1/1/2017, các đơn vị vận tải và hợp tác xã khi thay xe phải sử dụng xe thân thiện với NKT và phải có thiết kế sàn thấp.
Cũng theo ông Lê Hoàng Minh, Sở GTVT đang phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng, thái độ cho nhân viên, tài xế để phục vụ tốt hơn cho NKT cũng như mỗi hành khách khi đi lại. Một việc rất cần làm ngay là cải thiện tổ chức điều hành, gắn camera trên xe buýt, đặc biệt làm đường ưu tiên cho xe buýt và xây các trạm chờ phù hợp cho NKT đi lại.