Đường ách tắc, thường xuyên bị lấn làn, tuy nhiên sau ba ngày chính thức hoạt động, tuyến buýt nhanh BRT của Thủ đô vẫn được đơn vị quản lý và chuyên gia đánh giá sẽ thành công.
Lượng khách đang tăng đều
Có mặt trên xe BRT xe BKS 29B–154.43 sáng hôm qua (3/1), PV Báo Giao thông ghi nhận khá đông khách và gần như kín chỗ. Chị Nguyễn Tuyên Hòa (ở phố Nguyễn Thị Định, Hà Nội) cho biết, mấy ngày qua, nhiều người sống trong khu nhà chị đã đi thử buýt nhanh và khen thuận tiện, sạch sẽ. “Tôi đi làm trong Hà Đông nên đi thử để xem giờ giấc, kết nối như thế nào. Nếu được thì đi xe buýt, tội gì mà chen chúc xe máy trên đường”, chị Hoà nói.
Tương tự, chị Lê Mỹ Hoa (Thái Hà, Hà Nội) cho biết: “Buýt nhanh có đường riêng, đương nhiên phải nhanh hơn xe thường rồi. Từ nhà tôi ở Thái Hà, đi bộ mấy phút đã đến điểm chờ, ngồi xe nửa tiếng đã gần đến cơ quan tội gì đi xe máy chịu mưa rét”.
Theo Xí nghiệp Xe buýt nhanh BRT (TCT Vận tải Hà Nội), đơn vị được giao quản lý, vận hành, khai thác tuyến buýt nhanh BRT đầu tiên của Hà Nội (Kim Mã - Yên Nghĩa), trong hai ngày đầu chính thức vận hành (1-2/1/2017), khá nhiều hành khách đã lựa chọn loại phương tiện vận tải công cộng nhanh và hiện đại nhất ở Thủ đô.
Thống kê cho thấy, lượng khách đi buýt nhanh BRT trong cả hai ngày đạt hơn 18.700 khách, trong đó, ngày đầu đạt hơn 8.300 khách và ngày thứ hai đạt hơn 10.400 khách (tăng 2.116 khách, đạt 125,4% so với ngày 1/1). Bình quân mỗi lượt xe, buýt nhanh BRT đón trên dưới 30 khách, một con số không quá cao, song đã thể hiện sự quan tâm của người dân Thủ đô với loại hình vận tải công cộng còn khá mới mẻ này. Trong ngày hôm qua (3/1), ngày thứ 3 chính thức vận hành, dù chưa có thống kê chính xác song đến cuối ngày, lãnh đạo Xí nghiệp Xe buýt nhanh BRT cho biết, lượng khách rất đông và chắc chắn cao hơn các ngày trước.
Vận hành đúng tốc độ dự kiến
Liên quan đến giao thông trong ngày, lãnh đạo Xí nghiệp Xe buýt nhanh BRT cho biết, những ngày qua, tình hình giao thông cơ bản thuận lợi. Ngày 3/1, khi người dân đã trở lại làm việc bình thường sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch, ở một số thời điểm buýt nhanh bị ùn nhưng giờ giấc vận hành vẫn được đảm bảo. “Người dân đã dần tôn trọng làn riêng của xe buýt nhanh. Trừ một số phương tiện xe máy còn hay chen ngang, lấn làn, các lái xe ô tô cơ bản tuân thủ quy định. Cứ đà này, không lo không có đường riêng cho buýt nhanh hoạt động”, vị này bày tỏ.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết: Qua theo dõi những ngày qua, ý thức người dân đã tốt hơn nhiều. Việc lấn làn chủ yếu tồn tại trong giờ cao điểm, tại một số điểm nút mà mật độ phương tiện quá cao như nút Vạn Phúc, nút Trung Văn ở các ngã tư hay tại một số nút giao thông khi người dân muốn rẽ trái. “Dù vẫn còn nhiều phương tiện lấn làn ưu tiên nhưng cơ bản xe buýt vận hành đúng tốc độ dự kiến”, ông Hải nói và cho biết thêm, sẽ tiếp tục theo dõi, tổng kết để có những kiến nghị với cơ quan chức năng về việc tổ chức, vận hành hệ thống đảm bảo việc đi lại của hành khách được an toàn và thuận tiện nhất.
Cũng theo ông Hải, qua theo dõi hoạt động của buýt nhanh những ngày qua, có thể thấy, vào giờ bình thường cơ bản buýt nhanh đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm, do mật độ phương tiện tham gia giao thông quá cao nên ảnh hưởng đến hành trình. “Nhìn hoạt động của buýt nhanh những ngày qua, tôi thấy kết quả rất khả quan”, ông Hải nói.
Buýt thường kết nối trung chuyển khách cho buýt nhanh
Liên quan đến việc một số thông tin cho rằng, đường đã chật, lại phải dành một diện tích không nhỏ cho buýt nhanh, trong khi đó buýt thường vẫn hoạt động trên tuyến khiến “giao thông ùn ách”, ông Hải khẳng định: Hoàn toàn không có chuyện này.
“Trước đây, có tuyến buýt 22 lộ trình trùng với tuyến buýt nhanh BRT. Tuy nhiên, khi BRT đi vào hoạt động, chúng tôi đã điều chỉnh lộ trình tuyến 22 để giảm trùng lặp trên trục Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương”, ông Hải nói và cho biết thêm, đơn vị này đã điều chỉnh thêm 4 tuyến buýt khác để tăng kết nối, mở rộng vùng phục vụ, bao gồm tuyến vòng gom khách số 9 (Bờ Hồ - Bờ Hồ) để kết nối BRT tại nhà chờ Vũ Ngọc Phan, tuyến vòng gom khách 18 để kết nối tuyến BRT tại nhà Kim Mã; điều chỉnh tuyến 19 mở rộng vùng phục vụ tới công viên Thiên đường Bảo Sơn, khu đô thị Dương Nội để gom khách cho tuyến BRT và điều chỉnh tuyến 50 để tăng cường kết nối BRT.
“Ngoài ra, chúng tôi cũng điều chỉnh điểm dừng đỗ của các tuyến buýt qua Kim Mã cũng như các tuyến buýt đi qua các đường ngang nhằm kết nối mạng với tuyến BRT, tạo thuận lợi cho hành khách chuyển tuyến. Dọc tuyến BRT, chúng tôi bố trí các điểm dừng đón trả khách của buýt thường, đảm bảo kết nối trung chuyển với 21 nhà chờ của tuyến BRT”, ông Hải nói thêm.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thủy, Giám đốc Xí nghiệp Buýt nhanh BRT cho biết, lộ trình các tuyến buýt thường hiện không những không trùng với buýt nhanh mà còn đang làm tương đối tốt việc kết nối, gom khách và trung chuyển khách cho buýt nhanh.