Sau hơn một tháng vận hành miễn phí, ngày 6/2, tuyến buýt nhanh BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa đã bắt đầu thu tiền vé.
Dẫu vậy, chẳng có gì lạ khi hành khách vẫn đông, người dân Thủ đô vẫn dành sự ủng hộ cao nhất cho xe buýt BRT.
Đã từng và cho đến lúc này vẫn còn một số ý kiến trái chiều về tính hiệu quả của xe buýt nhanh BRT, về những tác động của nó đến mạng lưới giao thông đô thị nói chung. Nhưng, bằng những con số thực tế, bằng sự nỗ lực không ngừng của cả các cấp ngành chức năng lẫn cán bộ, công nhân viên Xí nghiệp buýt nhanh BRT, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), cùng sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo Nhân dân, hành khách, xe buýt BRT đã chứng minh được tính ưu việt cũng như vai trò của mình trong cuộc “cách mạng” xe buýt lần thứ 2 của Hà Nội.
Theo thống kê của Xí nghiệp Buýt nhanh BRT, tính đến ngày 6/2, tuyến buýt BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa đã vận chuyển được 440.000 lượt khách, trung bình khoảng 12.000 lượt khách/ngày. Riêng ca 1, ngày 6/2, ngày đầu tiên thu tiền vé, xe buýt nhanh BRT 01 đã vận chuyển được thực 6.770 lượt khách, tăng 29,6% so với ca 1 ngày 5/2; bình quân 39,1 hành khách/lượt; so sánh với sản lượng vé ca 1 ngày thứ 2 tuần trước đó, tổng lượng khách đã tăng 19,3%. Giám đốc Xí nghiệp Buýt nhanh BRT Nguyễn Thủy phấn khởi cho biết, trong ngày đầu thu tiền vé, không có hành khách nào phản ứng hay có thắc mắc gì, hành khách vẫn tiếp tục tăng đều. “Sự ủng hộ của Nhân dân Thủ đô là quý giá nhất, là nguồn động lực để anh em chúng tôi hết mình với công việc, mang đến dịch vụ vận tải công cộng với chất lượng cao nhất cho hành khách” - ông Thủy nói.
Hành khách lên xe buýt nhanh BRT tại bến Thành Công chiều 6/2
Trao đổi với phóng viên sáng 6/2 trên một chuyến buýt BRT từ Bến xe Yên Nghĩa ra Kim Mã, hành khách Nguyễn Trung Kiên (Hà Đông) cho biết: "Từ khi có xe buýt nhanh hoạt động, tôi không sử dụng xe máy nữa mà chuyển hẳn sang đi xe buýt nhanh. Việc thu phí là bình thường, mức giá cũng không cao hơn xe buýt truyền thống trong khi chất lượng phục vụ và thời gian di chuyển thì ưu thế hơn hẳn nên tôi vẫn sẽ ủng hộ xe buýt nhanh BRT".
Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải nhận định, với khoảng 12.000 lượt người/ngày và còn tiếp tục tăng, tuyến buýt BRT 01 đang thay thế sự hiện diện của ít nhất 6.000 phương tiện cá nhân lưu thông trên một trong những trục đường có mật độ giao thông cao nhất của Hà Nội là Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ. “Đó là câu trả lời xác đáng nhất cho những hồ nghi về tính hiệu quả của xe buýt nhanh BRT” - ông Hải khẳng định.
Tuy nhiên, Giám đốc Xí nghiệp Buýt nhanh BRT Nguyễn Thủy cho rằng, bên cạnh những tín hiệu đáng mừng, những kết quả lạc quan, chúng tôi vẫn còn một số trăn trở. “Dù đã cấm hoàn toàn, nhưng tình trạng dừng đỗ xe dọc tuyến buýt BRT 01 vẫn tồn tại. Đặc biệt là tình trạng lấn làn, gây cản trở xe buýt BRT vận hành còn diễn ra phổ biến. Một số điểm có nguy cơ hình thành điểm đen trên tuyến BRT 01 như tại ngã ba Trung Văn - Tố Hữu hay ngã tư Hoàng Minh Giám – Lê Văn Lương” - ông Thủy nói.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết đã báo cáo tình hình thực tế và kiến nghị lên UBND TP chỉ đạo lực lượng CSGT, CSTT phối hợp cùng Thanh tra Sở xử lý vi phạm. Hiện nay, TP vẫn chưa có quyết định chính thức cho phép xử phạt để tiếp tục ưu tiên tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ, tôn trọng làn đường riêng của buýt nhanh BRT, nhưng thiết nghĩ, chậm xử phạt sẽ tạo thành tiền lệ và thói quen xấu đối với người tham gia giao thông thiếu ý thức. Để đảm bảo cho xe buýt nhanh BRT vận hành trơn tru, hiệu quả, đề nghị cơ quan chức năng nhanh chóng có biện pháp hữu hiệu đối với vấn đề này.