Dù rất nhiều DNVT xe buýt muốn đầu tư xe chạy bằng nhiên liệu sạch (CNG) để tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường, nhưng do thiếu cơ chế và khó khăn trong việc tiếp nhiên liệu nên chưa thể thực hiện.
Đếm trên đầu ngón tay trạm nhiên liệu CNG
Đầu tháng 1/2016, 23 chiếc xe buýt CNG đầu tiên đã được HTX Vận tải 19/5 đưa vào vận hành trên tuyến buýt số 33 (Đại học Quốc gia và bến xe An Sương). Đến thời điểm này, TP HCM có khoảng 300 xe buýt sử dụng khí CNG. Theo đánh giá của Trung tâm xe buýt, con số này vẫn chưa đạt 50% kế hoạch. Bởi, theo đề án thay mới 1.680 xe buýt, thành phố sẽ đầu tư mới 980 xe buýt dầu diesel và 700 xe buýt CNG.
Lợi ích của buýt CNG về kinh tế cũng như môi trường là điều dễ nhận thấy, nhưng đầu tư lại không hề đơn giản. Hai vấn đề khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp kiến nghị là vốn và nguồn cung cấp nhiên liệu. Trước hết là vốn đầu tư cho xe buýt chạy bằng CNG khá cao, kể cả có chính sách hỗ trợ của TP.
Ông Lâm Văn Phấn, Chủ nhiệm HTX Vận tải liên tỉnh và du lịch Việt Thắng cho biết, đơn vị mới khai trương 26 xe buýt CNG ngày 1/7. Mặc dù được TP hỗ trợ ưu đãi về lãi suất (3%/năm), nhưng doanh nghiệp phải vay ngân hàng và trả lãi cao trong khi đầu tư một xe buýt CNG với giá từ 1,9 - 3 tỷ đồng (xe buýt thường chỉ từ 1-1,5 tỷ đồng). Hơn nữa, việc chạy xe buýt CNG hiện nay gặp khó khăn do trạm nhiên liệu ít, cách bến xa.
26 xe buýt CNG mới đưa vào sử dụng từ ngày 1/7
Trong khi đó, ông Đoàn Minh Tâm, Giám đốc Công ty Xe khách Sài Gòn trăn trở, công ty rất muốn đầu tư xe buýt CNG, tuy nhiên đang gặp vướng mắc do đơn vị cung cấp nhiên liệu (độc quyền) đang đề nghị tăng giá, với mức tăng giá này, chi phí sử dụng CNG gần tương đương với dầu DO. Mặt khác, thời gian cung ứng nhiên liệu kéo dài, chi phí sửa chữa cao hơn nhiều so với xe dầu, số trạm cung ứng ít.
Ông Trần Văn Nghị, Phó giám đốc Công ty CP Kinh doanh Khí hóa lỏng Miền Nam - PV Gas South cho biết, ngoài nguồn cung từ trữ lượng khí thiên nhiên của Việt Nam vào khoảng 2,694 tỷ m3 thì còn có các dự án nhập khẩu khí nên nguồn nhiên liệu cung cấp cho buýt CNG được xem là ổn định trong khoảng 100 năm. Khó khăn hiện nay là việc phát triển các trạm cung cấp nhiên liệu cho buýt CNG, bởi TP HCM mới có 4 trạm cung cấp khí thiên nhiên CNG là ĐH Quốc gia TP HCM, Phổ Quang, Bình Chánh và An Sương.
Cần tăng thêm trạm, xóa bỏ độc quyền
Các doanh nghiệp vận tải xe buýt cho rằng, cần có chính sách mạnh mẽ từ Chính phủ và các cơ quan chức năng để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xe buýt CNG. Các doanh nghiệp cũng mong muốn UBND, Sở GTVT TP HCM chủ trì việc xây dựng những đề xuất về chính sách trên.
Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng TP HCM cho biết, ngoài việc nâng cấp các trạm cũ, trong năm 2017, TP sẽ có thêm 6 trạm tiếp nhiên liệu cho xe buýt CNG (bến xe Chợ Lớn, công viên 23/9, bến xe Q.8, bến xe Tân Phú, bến xe Củ Chi, bãi xe Lạc Long Quân).
Cũng theo ông Trung, về giá nhiên liệu khí CNG, UBND TP đã đề nghị đơn vị cung cấp nhiên liệu trong năm 2017-2018 vẫn giữ nguyên mức giá cũ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có xe buýt thường xuyên sử dụng. Sau khi kết thúc đề án thay 1.680 xe buýt giai đoạn 2014-2017, TP tiếp tục giao cho trung tâm nghiên cứu đề án mới giai đoạn 2018-2020, trong đó chú trọng đến đầu tư xe buýt CNG.
Liên quan đến giá nhiên liệu CNG cao, Công ty Xe khách Sài Gòn cho biết, đã tính chi phí thay xe trên tuyến 152. Công ty này cũng đề nghị Sở GTVT và trung tâm có ý kiến can thiệp với PV Gas South (PVGS) không điều chỉnh công thức tính CNG và bổ sung thêm các trạm nạp hoặc tăng công suất các trạm hiện hữu. Đồng thời, tiếp tục đề nghị các cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy chuẩn khí CNG và trạm nạp để tạo niềm tin cho các doanh nghiệp.