Cách đây 6 năm, ngày 25/9/2011, Sở GTVT Bạc Liêu ban hành đề án Quy hoạch vận tải khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020. Từ đó, thói quen đi xe buýt, văn hóa ứng xử khi sử dụng và khai thác phương tiện vận tải khách công cộng này đã dần hình thành trên địa bàn tỉnh.
Lễ khai trương tuyến xe buýt Bạc Liêu - Nhà Mát - Vĩnh Châu dịp tết Nguyên đán Mậu Tý (năm 2009).
Lợi ích từ việc đi xe buýt
Nhớ lại thời điểm mới tái lập tỉnh vào năm 1997, xe ô tô chở khách chưa về đến trung tâm các huyện vùng sâu, vùng xa như: thị trấn Gành Hào, thị trấn Phước Long, thị trấn Ngan Dừa. Để đi từ Ngan Dừa (huyện Hồng Dân) ra TX. Bạc Liêu, có người phải chèo xuồng ba lá cả ngày trời mới đến cống Cầu Sập, chờ khi cống mở mới đi tiếp ra chợ tỉnh. Nay thì tình trạng này đã không còn.
Từ Giá Ba (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) lên Bạc Liêu thăm người thân, bà Võ Thị Tính bắt chuyến tàu cao tốc ra bến xe tàu Hộ Phòng (TX. Giá Rai). Ngồi trò chuyện với bạn đường cùng chuyến trong chốc lát, chiếc ca nô đã giảm tốc độ, cập mạn tàu vào bến tiễn khách lên bờ. Thay vì phải chờ vài tiếng đồng hồ để đón xe đò đi tiếp về TP. Bạc Liêu, thì nay bà Tính chỉ ngồi nghỉ chân, uống chưa hết ly nước mía đã có xe buýt từ hướng Láng Trâm lên. Giá xe buýt rẻ hơn xe đò, thời gian chờ rút ngắn mà độ thuận tiện thì không kém cạnh, bất chấp trời mưa như trút nước, hay nắng đổ lửa cũng không ngại nên phương tiện vận tải khách công cộng này là sự lựa chọn của nhiều người ở nhiều lứa tuổi, ngành nghề khác nhau. Lâu lâu xe lại ghé vào trạm đón, trả khách. Những cô cậu học trò đã biết “canh” giờ xe đi ngang để đến trường, không phiền cha mẹ đưa đón. Khi lên xe, các em thường chọn chỗ đứng, nhường ghế ngồi cho các cô chú lớn tuổi, hay người khuyết tật. Và những câu chuyện của lứa tuổi học trò làm cho chuyến xe buýt thêm vui.
Đến nay, ngoài 3 tuyến Quốc lộ (1A, Quản Lộ - Phụng Hiệp, Nam Sông Hậu) đi qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu, đã có nhiều tuyến đường bộ liên huyện, liên xã được xây dựng, ô tô về đến trung tâm xã.
Ông Ngô Hữu Dũng, Giám đốc Sở GTVT Bạc Liêu đánh giá: “Nhiều tuyến xe buýt được mở nối từ trung tâm tỉnh đến các trung tâm huyện và các tỉnh láng giềng (Sóc Trăng, Cà Mau), nên ngày càng đáp ứng nhu cầu vận tải của xã hội, giúp người dân đi lại, vận chuyển an toàn, tiết kiệm, nhanh chóng và thuận tiện”.
Tuyến xe buýt Phú Lộc - Bạc Liêu - Láng Trâm
Nhiều chính sách khuyến khích
Khác với một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác, Bạc Liêu không trợ cước, trợ giá đối với hoạt động xe buýt để tránh tạo ra thêm gánh nặng cho ngân sách của tỉnh. Thay vào đó, tỉnh chỉ thực hiện vai trò giám sát và có các chính sách hỗ trợ đầu tư thích hợp để cá nhân, tổ chức mạnh dạn và yên tâm bỏ vốn làm ăn. Căn cứ Nghị định 108/2006/NĐ-CP và Nghị định 24/2007/NĐ-CP của Chính phủ, tỉnh miễn thuế thu nhập trong 3 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 7 năm tiếp theo phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mang lại. UBND tỉnh còn quy định cho được độc quyền hoạt động trong thời gian không quá 2 năm đầu sau khi mở một tuyến mới, nếu hoạt động tốt có thể được xem xét gia hạn thêm.
Từ phương châm xã hội hóa và các chính sách khuyến khích đầu tư, nhiều tổ chức, cá nhân đã tích cực tham gia đầu tư, khai thác vận tải khách bằng xe buýt. Đi đầu là Hợp tác xã (HTX) vận tải thủy bộ Đại Thắng II (huyện Vĩnh Lợi). Doanh nghiệp này tham gia từ đầu và hiện khai thác nhiều tuyến như: Láng Trâm - Bạc Liêu - Phú Lộc, Bạc Liêu - Ngan Dừa - Cầu Đỏ. Ông Lê Văn Hai - Chủ nhiệm HTX Đại Thắng II cho biết, dù công việc kinh doanh đôi lúc còn gặp trở ngại, việc thu hồi vốn chậm, nhưng HTX thường xuyên nhắc nhở lái xe, phụ xe về bảo đảm an toàn giao thông, tuân thủ quy định về giờ giấc hành trình và thái độ phục vụ hành khách. Ngoài HTX Đại Thắng II, DNTN Tuấn Hiệp cũng khai thác tuyến Bạc Liêu - Phước Long từ ngày 21/10/2014.
Bên cạnh các chính sách khuyến khích đầu tư, UBND tỉnh Bạc Liêu còn miễn, giảm giá vé cho một số đối tượng đi xe buýt. Từ tháng 1/2016, giảm 30% giá vé cho học sinh, sinh viên. Tiền miễn, giảm giá vé do đơn vị kinh doanh vận tải tự cân đối trong hoạt động kinh doanh, ngân sách Nhà nước không cấp bù.
Sau 6 năm thực hiện đề án, nguồn lực xã hội được huy động để hình thành và phát triển mạng lưới xe buýt vận chuyển hành khách công cộng. Một loại hình vận tải khách phổ biến, đặc trưng của các đô thị đã không còn xa lạ với người dân Bạc Liêu từ thành thị đến nông thôn và theo đó, các phép ứng xử văn minh, lịch sự khi đi xe buýt cũng đã hình thành, lan tỏa. Theo quy hoạch, tổng chiều dài mạng lưới đường bộ trong tỉnh gần 4.000km, nên trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều tuyến xe buýt mới, còn các tuyến đang khai thác sẽ tăng thêm số xe, cũng như đưa dần các xe buýt hiện đại hơn vào hoạt động.