Sứ mệnh của xe buýt nhanh

Thứ ba, 10/10/2017 15:54
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sau những băn khoăn, lo ngại ban đầu, tuyến buýt nhanh (BRT) 01 Kim Mã - Yên Nghĩa, cũng là tuyến BRT đầu tiên của Hà Nội và cả nước đã dần đi vào hoạt động ổn định, lọt vào tốp đầu những tuyến buýt có lưu lượng hành khách cao, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Nhưng hơn thế, buýt nhanh BRT mang sứ mệnh khởi đầu cho cuộc “cách mạng” về giao thông công cộng Thủ đô.

Khẳng định hiệu quả

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai địa phương tiên phong trong phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn. BRT tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa là dự án tiên phong, trong sự hoài nghi của dư luận. Tháng 1-2017, khi mới đưa vào khai thác, đã có không ít ý kiến lo ngại về tính khả thi của dự án BRT này. Nhiều người thắc mắc tại sao lại phải dành đường ưu tiên cho BRT chạy khi hành lang giao thông Lê Văn Lương - Giảng Võ đã quá chật chội? Với một thành phố gần chục triệu dân, với một tuyến hành lang hướng tâm Lê Văn Lương - Giảng Võ thường xuyên ùn tắc, chỉ với vài chục chiếc BRT liệu có thể giải quyết được bài toán ùn tắc giao thông?

Phải trả lời chắc chắn rằng, chỉ với một tuyến BRT duy nhất với một lượng xe vừa đủ cho tuyến này thì không thể là đáp số ngay cho việc giảm ùn tắc cho hành lang giao thông này. Song, sứ mệnh thực sự của tuyến BRT này lại rất lớn.

Để BRT hoạt động hiệu quả, nhất định phải có làn đường riêng với những ưu tiên về hệ thống đèn tín hiệu giao thông để nó không phải gặp đèn đỏ trong suốt quá trình di chuyển. Tức là suốt quãng đường vận hành, nó sẽ được tổ chức làm sao để đèn tín hiệu giao thông tại mỗi nút giao sẽ được nhận diện để bảo đảm luôn xanh khi xe BRT đến.

Tuyến buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông

Lâu nay, xe buýt chưa thực sự hấp dẫn người dân bởi chưa đúng giờ vì phải trầy trật trên từng mét đường đô thị. Khi đó, với hình ảnh những chiếc xe BRT chạy ở làn riêng, hẳn người ta sẽ có những suy nghĩ, hay
là tạm bỏ phương tiện cá nhân để đi phương tiện giao thông công cộng (nếu quãng đường di chuyển phù hợp với cung đường của BRT). Còn nếu đi BRT mà vẫn muộn thì sẽ lại quay về với chiếc xe máy... Do đó, nhiệm vụ của tuyến thí điểm sẽ tạo sức bật để thành phố làm thêm những tuyến BRT khác, kết hợp với hai tuyến đường sắt đô thị đang sắp hoàn thành và các tuyến đường sắt đô thị sau này để dần tạo thành một hệ thống vận tải công cộng tiên tiến.

Thay đổi cách nhìn về giao thông công cộng

Với điều kiện giao thông của Hà Nội, không dễ để có hẳn một làn đường ưu tiên và hệ thống đèn ưu tiên, nên giai đoạn đầu BRT sẽ khó phát huy hiệu quả, và nếu người dân không đón nhận và không ủng hộ nó. Nếu dự án thí điểm "chết yểu" đồng nghĩa với việc 7 tuyến tiếp theo trong quy hoạch cũng sẽ có kết cục tương tự. Vì vậy, sứ mệnh của BRT sẽ là giới thiệu cho người dân thế nào là vận tải công cộng khối lượng lớn để từng bước làm quen.

Và để BRT có thể hoạt động được, trong điều kiện giao thông Thủ đô, chính quyền thành phố đã phải tính toán để cố gắng ban đầu có một số đoạn là đường dành riêng. Tiếp đó sẽ tính toán hệ thống đèn tín hiệu giao thông để nhận diện xe BRT đang tới. Đồng thời còn phải điều chỉnh hàng loạt tuyến buýt khác phải hoạt động gom khách ở những khu vực lân cận phục vụ cho BRT. Thêm người đi BRT tức là sẽ giảm người đi xe máy. Cứ cộng từng số nhỏ, khi đó BRT sẽ nâng tốc độ không chỉ 19,6km/giờ như ban đầu mà có thể nâng dần đến 25km/giờ như thiết kế.

Hiện tuyến BRT đầu tiên của Hà Nội và cả nước đã dần hoạt động ổn định. Đa số người dân cũng đã nhìn nhận thiện cảm hơn rất nhiều so với những ngày đầu mới khai thác. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Sở GT-VT Hà Nội) đưa ra những con số về dịch vụ đã được kiểm chứng bởi các chuyên gia giao thông của Ngân hàng Thế giới, đó là 99% lượt xe xuất bến đúng giờ so với kế hoạch; 100% phương tiện đã vận hành hệ thống đèn LED thông báo điểm dừng, tuyến kết nối; 100% nhà chờ có thùng thu gom rác và 5 nhà chờ được bổ sung nhà vệ sinh công cộng... Quan trọng hơn, trật tự giao thông trên tuyến được thay đổi, hình ảnh giao thông mới với các thành phần tham gia đi lại trật tự, theo làn, tôn trọng làn xe dành riêng đã cơ bản hình thành. Từ khi tuyến BRT vận hành chưa xuất hiện hiện tượng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, kéo dài.

Một kết quả khảo sát do Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị phối hợp với Xí nghiệp xe buýt nhanh BRT thực hiện thông qua hình thức phát phiếu xin ý kiến hành khách cũng cho một kết quả khá bất ngờ và thú vị, có tới 23% hành khách sử dụng BRT hiện nay là chuyển từ phương tiện cá nhân sang.

Như vậy, tuyến BRT đã thực hiện được vai trò để kiểm định tính đúng đắn của việc tập trung phát triển vận tải hành khách công cộng, cho thấy khi chất lượng dịch vụ được nâng cao, người dân sẵn sàng từ bỏ phương tiện cá nhân để chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng, một lựa chọn thể hiện văn minh, văn hóa của người Hà Nội. Đó chính là "sứ mệnh" lớn lao của BRT đối với giao thông Thủ đô.

kimcuc

Nguồn: Hà Nội mới

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)