TP. Hồ Chí Minh: Nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt

Thứ ba, 03/04/2018 09:07
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nhằm khắc phục tình trạng sụt giảm sản lượng hành khách sử dụng phương tiện vận tải công cộng bằng xe buýt trong nhiều năm qua, gần đây, nhiều chương trình nâng cao chất lượng phục vụ hành khách đi xe buýt đã được Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (GTCC) TP Hồ Chí Minh triển khai, bước đầu đã mang lại hiệu quả.

Trạm điều hành xe buýt Bến Thành đưa vào hoạt động từ cuối năm 2017.

Một trong những hạn chế về cơ sở hạ tầng phục vụ quá trình trung chuyển phương tiện là thiếu các bến bãi cho xe buýt dừng, đỗ, ra, vào. Để khắc phục hạn chế này, mới đây, Trung tâm Quản lý GTCC thành phố đã tiến hành khởi công xây dựng ba công trình xây dựng bến xe buýt trên địa bàn quận Tân Phú và huyện Củ Chi với kinh phí gần 10 tỷ đồng, dự kiến đưa vào hoạt động trong tháng 4 này.

Cụ thể, công trình sửa chữa bến xe buýt Tân Phú (tại số 731 đường Trường Chinh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú) có kinh phí 6,5 tỷ đồng với quy mô xây mới hơn 3.000 m2, trong đó xây dựng mới một nhà vệ sinh công cộng phục vụ cho người khuyết tật và hệ thống ca-mê-ra giám sát an ninh. Bến xe buýt Tân Quy (gần điểm giao tỉnh lộ 8 và đường Sen Hồng, thuộc xã Trung An, huyện Củ Chi) có kinh phí 1,9 tỷ đồng với quy mô xây dựng mới nền bến gần 1.000 m2. Xây mới Bến xe buýt An Nhơn Tây (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi) với tổng diện tích xây dựng 600 m2.

Để tạo điều kiện cho hành khách di chuyển dễ dàng từ trung tâm thành phố đến Sân bay Tân Sơn Nhất, trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 vừa qua, Trung tâm Quản lý GTCC thành phố đã thực hiện kết nối trực tiếp tuyến xe buýt 103 và 159 vào Sân bay Tân Sơn Nhất và miễn phí vé đi xe buýt đối với hành khách sử dụng tuyến xe buýt số 152 và 109 nhằm góp phần giảm lượng phương tiện cá nhân đi vào sân bay, kéo giảm ùn tắc giao thông. Qua thời gian triển khai, chương trình đã thu hút được nhiều hơn hành khách sử dụng xe buýt khi có nhu cầu di chuyển đến khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó tuyến 109 tăng cao nhất (khoảng 31%) hành khách đi lại so với ngày thường. Phần lớn người dân đều cho rằng đây là một chương trình rất hay, thiết thực của thành phố để tăng cường, khuyến khích người dân sử dụng xe buýt.

Cuối tháng 12/2017, Trung tâm Quản lý GTCC đưa vào sử dụng Trạm điều hành xe buýt Bến Thành mới nằm trên đường Hàm Nghi (quận 1) thay thế cho trạm Bến Thành cũ, bị ảnh hưởng bởi việc thi công tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Theo nhìn nhận của nhiều hành khách, đây là trạm trung chuyển hiện đại, làm thay đổi bộ mặt bến bãi của xe buýt ở khu vực trung tâm. Với kinh phí đầu tư tám tỷ đồng trên diện tích 5.600 m2, Trạm xe buýt Bến Thành có khả năng trung chuyển 33 tuyến xe buýt hoạt động mỗi ngày với ba làn xe. Những người thường xuyên sử dụng xe buýt để đi lại hằng ngày, tỏ ra khá hài lòng với các tiện ích được đầu tư lắp đặt tại trạm điều hành này như nhà vệ sinh công cộng thông minh, bảng tra cứu điện tử có kết nối in-tơ-nét cùng nhà chờ xe thân thiện, an toàn.

Theo Giám đốc Trung tâm Quản lý GTCC Trần Chí Trung, trạm điều hành mới đặt tại khu vực đường Hàm Nghi là điều kiện thuận lợi để kết nối, trung chuyển với nhà ga ngầm Bến Thành của tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên sau khi hoàn thiện.

Sau gần bốn tháng hoạt động thí điểm, hiện ba tuyến xe buýt điểm gồm tuyến số 3 (Bến Thành - Thạnh Lộc), tuyến 18 (Bến Thành - chợ Hiệp Thành) và tuyến 33 (Bến xe An Sương - Suối Tiên - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) vẫn duy trì số lượng hành khách đi lại cao, tăng khoảng 10% so với trước. Trong đó, sinh viên và người khuyết tật là những hành khách quen thuộc nhất. Cả ba tuyến này đều do Hợp tác xã (HTX) Vận tải 19-5 khai thác và quản lý. Ông Nguyễn Văn Triệu, Giám đốc HTX Vận tải 19-5 cho biết: Có sáu tiêu chí được cam kết sẽ thực hiện trên những tuyến xe buýt này, trong đó chất lượng phương tiện, cung cách phục vụ trên xe, thời gian di chuyển, an ninh trật tự sẽ bảo đảm được cải thiện.

Với mục tiêu đề ra trong năm 2018 sẽ thu hút 325 triệu lượt hành khách sử dụng xe buýt, ông Trần Chí Trung cho biết, Trung tâm Quản lý GTCC sẽ tập trung xây dựng kế hoạch mở mới 21 tuyến xe buýt; tổ chức các tuyến xe buýt tại Bến xe miền Đông mới; phối hợp với các doanh nghiệp vận tải lắp đặt hệ thống in vé giấy trực tiếp trên xe, kết nối trực tuyến về Trung tâm Điều hành, đồng bộ trên các tuyến xe buýt có trợ giá để kiểm soát khối lượng vận chuyển; phối hợp Công ty cổ phần Ngôi nhà xanh triển khai thẻ SSC trong hoạt động đưa đón học sinh...

Những nỗ lực của ngành giao thông vận tải thành phố để vực dậy lĩnh vực vận tải hành khách công cộng đang ngày càng rõ nét, chất lượng dịch vụ được chú trọng nâng cao. Tuy nhiên, những thay đổi trong hoạt động và điều hành xe buýt vẫn chưa thật sự đáp ứng được mong muốn của người dân bởi một số nguyên nhân tồn tại cần được giải quyết nhanh chóng như mạng lưới tuyến chưa được quy hoạch bài bản; việc mở mới các tuyến xe buýt có trợ giá còn chậm; hạ tầng cho hoạt động xe buýt (bến bãi, trạm dừng, nhà chờ) còn thiếu và chưa đồng bộ…

toanld

Nguồn: Báo Nhân Dân

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)