Hiện nay, hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bộc lộ một số bất cập, do chưa được quản lý và điều hành chặt chẽ; thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) vận tải. Hiện cơ quan chức năng đang lấy ý kiến để xây dựng đề án nhằm giải quyết căn cơ tình trạng trên.
Xe buýt đón khách không đúng nơi quy định trên đường 30-4 (TP. Vũng Tàu).
Xe xuống cấp, chạy ẩu
Toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 7 tuyến xe buýt hoạt động với tổng chiều dài các tuyến hơn 400km, trong đó 3 tuyến nội tỉnh và 4 tuyến liên tỉnh (3 tuyến kết nối đến tỉnh Đồng Nai, 1 tuyến đến tỉnh Bình Thuận). Các tuyến này được 8 đơn vị vận tải, gồm 2 đơn vị của tỉnh và 6 đơn vị ngoài tỉnh khai thác với 125 xe buýt các loại.
Hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện và tiết kiệm. Tuy nhiên, bất cập hiện nay là mạng lưới tuyến hoạt động chưa phủ khắp địa bàn tỉnh, thiếu các tuyến kết nối giữa các huyện hoặc vùng - điểm thu hút hành khách như các khu: Đô thị, công nghiệp, trung tâm thương mại và đầu mối giao thông. Phương tiện hoạt động trên tuyến có chất lượng trung bình; một số đã cũ kỹ, xuống cấp. Hầu hết xe không sử dụng máy lạnh, gây cảm giác nóng bức và khó chịu cho hành khách, đặc biệt lúc thời tiết oi bức. Tình trạng chèn ép khách vào giờ cao điểm, dừng đón trả khách không đúng nơi quy định vẫn thường xuyên xảy ra.
Theo ghi nhận của phóng viên, trên địa bàn TP. Vũng Tàu và huyện Tân Thành, tình trạng xe buýt dừng đón khách không đúng nơi quy định (nơi không có biển báo trạm chờ xe buýt) diễn ra thường xuyên mọi lúc, mọi nơi. Để tiết kiệm thời gian, nhiều tài xế không cho xe vào lề đón khách mà dừng luôn ở giữa đường, khách phải băng qua dòng xe máy để lên xe. Một số tài xế xe buýt chạy ẩu, không tuân thủ quy tắc an toàn giao thông. Cụ thể như, tại khu vực đèn tín hiệu giao thông ở Ẹo Ông Từ (phường 12, TP. Vũng Tàu), khi đèn tín hiệu đang màu vàng, phóng viên thường bắt gặp một số xe buýt lưu thông trên đường 30-4, TP.Vũng Tàu vẫn ngang nhiên vượt qua các phương tiện khác để chạy về hướng TP. Bà Rịa.
Thường xuyên sử dụng xe buýt từ TP. Vũng Tàu đến huyện Tân Thành, chị Huỳnh Thị Lành (hẻm 39 Nơ Trang Long, phường Rạch Dừa) cho biết: “Phương tiện đã cũ kỹ, nóng nực mà không ít lần tôi chứng kiến cảnh tài xế vừa hút thuốc vừa lái xe dù ngay trước mặt có biển “Cấm hút thuốc lá”; đồng thời cảnh tài xế tay cầm vô lăng, tay còn lại “tám” chuyện qua điện thoại cũng trở nên quá quen thuộc. Không biết có phải vì áp lực chạy đúng tuyến, đúng giờ hay không mà các bác tài dường như rất vội. Gặp lúc đèn xanh vừa chuyển sang đèn vàng, đèn đỏ là họ cho xe vượt qua luôn. Hành động này khiến tôi cảm thấy rất mất an toàn cho hành khách cũng như các phương tiện khác!”.
Còn ông Nguyễn Văn An (ngụ hẻm 888, đường 30-4, phường 11) chia sẻ: “Mỗi lần lưu thông cùng xe buýt, tôi luôn cảnh giác cao độ, bởi một số xe xả khói mịt mù ra đường và chạy rất ẩu. Khi thì phóng nhanh, lúc lại bất thình lình tấp vào lề đường mà không hề bật đèn báo hiệu, khiến phương tiện phía sau rất vất vả để né, tránh!”.
Xây dựng mô hình quản lý, điều hành xe buýt
Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Theo đó, các tỉnh trực thuộc Trung ương căn cứ vào nguồn lực địa phương hỗ trợ lãi suất vay vốn tại tổ chức tín dụng đối với các dự án đầu tư phương tiện; trợ giá hoặc hỗ trợ chi phí cho DN vận tải; miễn, giảm giá vé cho người sử dụng dịch vụ xe buýt; hoàn thiện mô hình Trung tâm quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt. Bên cạnh đó, theo quy hoạch phát triển mạng lưới xe buýt trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, xe buýt sẽ đáp ứng tối thiểu từ 7-10% nhu cầu đi lại của người dân.
Theo đề nghị của Sở GTVT, vừa qua, Trung tâm nghiên cứu phát triển GTVT (gọi tắt là Trung tâm) thuộc Viện Chiến lược và phát triển GTVT, Bộ GTVT đã lập 2 đề án gồm: “Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh BR-VT” và “Xây dựng định mức khung kinh tế - kỹ thuật áp dụng cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh BR-VT”. Ông Phạm Minh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển GTVT cho biết, sở dĩ cần lập 2 đề án trên là nhằm xây dựng hệ thống định mức, đơn giá để làm căn cứ trợ giá cho hoạt động xe buýt thông qua các hình thức như đấu thầu, đặt hàng; xây dựng hệ thống vé đơn giản (vé lượt), linh hoạt (vé tháng) phù hợp với điều kiện người sử dụng; ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất đối với tổ chức, cá nhân vay vốn tại tổ chức tín dụng để thực hiện các dự án đầu tư phương tiện, kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách bằng xe buýt; ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người sử dụng dịch vụ và trợ giá cho hoạt động vận tải này.
Một trong những điểm nhấn của đề án trên là đề xuất thành lập Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng tỉnh. Bởi hiện nay, công tác quản lý và điều hành vận tải hành khách chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các đơn vị vận tải. Cụ thể, Sở GTVT Bà Rịa - Vũng Tàu chưa có một bộ phận chuyên môn, nên việc giám sát hoạt động của các đơn vị vận tải còn thiếu chặt chẽ; trong khi đó, các đơn vị hoạt động độc lập, chưa đặt lợi ích cộng đồng lên hàng đầu. Với đề xuất này, Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng là đơn vị sự nghiệp công lập có thu, tự chủ một phần kinh tế, trực thuộc Sở GTVT, có nhiệm vụ quản lý và điều hành vận tải hành khách bằng xe buýt; quản lý trợ giá, xây dựng kế hoạch và biểu đồ các tuyến xe buýt, giám sát hoạt động kinh doanh của DN.