Nỗ lực chinh phục hành khách bằng việc mở thêm hàng loạt tuyến xe buýt mới, thay thế phương tiện hiện đại, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ... 8 tháng qua, lượng hành khách đi xe buýt đã từng bước tăng lên.
Ước tính, đến thời điểm này, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Thủ đô đã đáp ứng được khoảng 14% nhu cầu đi lại của người dân. Đây là con số rất đáng ghi nhận, đặc biệt trong bối cảnh hạ tầng còn khó khăn và lượng phương tiện cá nhân không ngừng gia tăng.
Các tuyến buýt kết nối ngoại thành được hành khách đánh giá cao.
Mở mới nhiều tuyến buýt
Đầu tháng 2/2018, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã khai trương tuyến buýt số 108 Bến xe Thường Tín - Minh Tân (huyện Phú Xuyên). Theo ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Transerco, với tính chất là tuyến buýt gom, tuyến 108 có nhiệm vụ kết nối, trung chuyển hành khách tại các khu vực dân cư dọc tỉnh lộ 428 ra Quốc lộ 1 và kéo dài đến Bến xe Thường Tín. Với tuyến buýt này, dân cư các xã phía Đông của huyện Phú Xuyên như Minh Tân, Tri Thủy, Quang Lãng... sẽ có điều kiện tiếp cận với các tuyến buýt khác hướng về trung tâm thành phố một cách thuận lợi. Việc mở mới tuyến 108 tiếp tục tăng cường tính kết nối và mở rộng vùng phục vụ của mạng lưới buýt thành phố; thu hút thêm lượng hành khách sử dụng xe buýt tại các khu vực chưa có buýt trợ giá hoạt động theo đúng chủ trương của thành phố và mong đợi của cử tri huyện Phú Xuyên.
Tuyến 108 là một trong 7 tuyến buýt được mở mới từ đầu năm đến nay. Ngoài tuyến 108 còn có các tuyến 211 (Bến xe Mỹ Đình - Tế Tiêu); tuyến buýt kế cận 212 (Hà Nội - Bắc Ninh); tuyến xe buýt 2 tầng phục vụ phát triển du lịch City tour 01 và 3 tuyến xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG01, CNG02, CNG03. Như vậy, tính đến hết tháng 8/2018, mạng lưới xe buýt của Thủ đô gồm 116 tuyến với tổng chiều dài tuyến hơn 3.781km, trong đó có 95 tuyến buýt có trợ giá; 21 tuyến buýt không trợ giá (9 tuyến nội đô, 11 tuyến buýt kế cận và 1 tuyến City tour).
Trong khi đó, tuyến xe buýt 2 tầng thoáng nóc City tour 01 lần đầu tiên được thành phố đưa vào hoạt động tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đã nhanh chóng được du khách trong nước và quốc tế đón nhận, ủng hộ. Sau 3 tháng chính thức đưa vào khai thác, loại hình vận tải mới này đã nhận được những phản hồi rất tích cực từ hành khách và đại diện các công ty lữ hành, du lịch bởi chất lượng dịch vụ ổn định. City tour đã giúp du khách được trải nghiệm vẻ đẹp Thủ đô dưới nhiều góc nhìn khác nhau, tạo thêm một hình thức mới để quảng bá và phát triển du lịch Thủ đô. Bạn Nguyễn Lan Anh, sinh viên Trường Đại học Hà Nội chia sẻ: "Từ trên xe, du khách có thể chia sẻ trải nghiệm, truyền đi những hình ảnh sống động, thời khắc đáng nhớ trong hành trình của mình. Các điểm tham quan đặc trưng, các di tích lịch sử, văn hóa, được chọn sẵn dành cho du khách với nhiều thông tin thuyết minh hấp dẫn, nhất là những người lần đầu đến Thủ đô đã không phải mất thời gian tìm hiểu, tìm đường, tìm phương tiện di chuyển và hướng dẫn viên...”.
Tăng diện bao phủ, đổi mới phục vụ
Ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, với sự quan tâm của thành phố, sự nỗ lực của các đơn vị vận tải, đến nay, mức độ bao phủ của mạng lưới tuyến buýt đã đạt 30/30 quận, huyện, thị xã. Dịch vụ xe buýt đã tiếp cận tới 98% các bệnh viện, 100% các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, 86% các khu công nghiệp, trên 90% khu đô thị trên địa bàn thành phố. Thông qua việc mở mới các tuyến buýt, thay thế phương tiện đạt chuẩn, điều chỉnh luồng tuyến phù hợp và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, sản lượng vận tải hành khách công cộng trong 8 tháng năm 2018 đạt 527 triệu lượt (trong đó sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt là 306 triệu lượt) tăng 3% so với cùng kỳ, đáp ứng được khoảng 14% nhu cầu đi lại của người dân.
Đại diện lãnh đạo Tổng công ty Transerco, đơn vị đảm nhiệm vai trò chủ lực trong hoạt động vận tải hành khách công cộng của Thủ đô cho biết, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút thêm người dân lựa chọn xe buýt, Transerco đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu triển khai thí điểm hệ thống vé điện tử thông minh trên xe buýt, có khả tăng tích hợp với các loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn trong tương lai. Dự kiến, hệ thống thẻ vé điện tử sẽ được thực hiện thí điểm trên tuyến BRT từ đầu tháng 10/2018. Đồng thời, đa dạng hóa các kênh bán vé linh hoạt, tiện lợi cho khách hàng qua giao dịch điện tử, làm thẻ và mua vé tháng trực tuyến trên phần mềm timbus.vn, tổ chức các kênh bán vé lưu động tại các huyện ngoại thành có nhu cầu lớn...
Trong giai đoạn cuối năm 2018, Tổng công ty sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực tập trung đầu tư đổi mới phương tiện; phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT Hà Nội đẩy nhanh tiến độ mở mới thêm một số tuyến buýt nằm trong kế hoạch của năm nay. Ngoài ra, Transerco sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá hoạt động của tuyến buýt City tour để có các giải pháp nhằm tăng cường quảng bá, tổ chức các kênh giới thiệu và bán vé cho khách du lịch, đa dạng hóa các loại hình vé để tiếp cận các đối tượng hành khách có nhu cầu khác nhau..