Khó khăn trong việc tiếp cận xe buýt được coi là một trong những rào cản khiến lượng khách đi xe buýt chưa thể tăng trưởng như kỳ vọng.
Xe buýt chủ yếu là xe lớn và trung bình, vận hành trên trục chính và những tuyến đường trên 7m
Xe buýt chưa hấp dẫn vì khách phải đi bộ quá xa
Khẳng định sự cần thiết phải phát triển loại hình minibus, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết: Hiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) mới chỉ đáp ứng gần 14% nhu cầu đi lại, thu hút chủ yếu hành khách ở gần các hành lang có xe buýt trong phạm vi đi bộ trên dưới 500m.
“Có tới trên 60% hành khách sử dụng xe buýt tiếp cận xe buýt ở cự ly này”, ông Viện thông tin.
Cũng theo ông Viện, cư dân ở các tuyến đường chưa có xe buýt hoặc ở các khu vực có cự ly tiếp cận trên 500m rất ít sử dụng xe buýt. Điều này đồng nghĩa với việc rất cần mở rộng vùng phục vụ của xe buýt ra các tuyến đường, các khu vực này”, ông Viện thông tin.
Dự kiến giai đoạn 2018-2020, Hà Nội sẽ triển khai khoảng 30 tuyến minibus, trong đó khu vực phố cổ, phố cũ khoảng 10 tuyến. Các trục đường mặt cắt ngang nhỏ thuộc quận Thanh Xuân, Hà Đông khoảng 5 tuyến; tới các khu đô thị khoảng 15 tuyến. Nhu cầu về phương tiện xe minibus trong giai đoạn này khoảng 300 - 400 xe.
Đồng quan điểm, Phó tổng giám đốc TCT Vận tải Hà Nội (Transerco) Nguyễn Công Nhật cho hay: Toàn mạng buýt Hà Nội hiện có 115 tuyến xe buýt có trợ giá với hơn 1.570 xe buýt chia làm 3 chủng loại, xe buýt lớn (từ 80 - 90 chỗ), trung bình (60 chỗ) và xe buýt nhỏ (30 chỗ).
Đáng lưu ý, theo ông Nhật, chưa hề có sự xuất hiện của minibus (16 - 24 chỗ) trong mạng lưới GTCC của Thủ đô.
“Xe buýt chủ yếu là xe lớn và trung bình, vận hành trên trục chính và những tuyến đường trên 7m. Xe buýt nhỏ rất hạn chế. Tại nhiều tuyến đường mặt cắt nhỏ (5m) người dân không thể tiếp cận VTHKCC”, ông Nhật khẳng định.
TS. Phạm Hoài Chung (Viện Chiến lược và phát triển GTVT - Bộ GTVT) nói: VTHKCC khối lượng lớn đang là xu hướng chung của những đô thị lớn. Với một khối lượng vận tải khổng lồ, loại hình đường sắt đô thị là giải pháp không thể thiếu. Tuy nhiên, vẫn phải duy trì các loại hình VTHKCC khác, trong đó có xe buýt nhằm mở rộng mạng lưới phục vụ cộng đồng.
“Kinh nghiệm tại các quốc gia trên thế giới cho thấy xu hướng chung là thay thế những xe buýt nhỏ bằng xe buýt có sức chứa lớn hơn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa minibus không phù hợp với hệ thống giao thông công cộng trong các thành phố lớn”, ông Chung nói và khẳng định: Với thực trạng giao thông Hà Nội và TP HCM hiện cần xem xét bổ sung trong mạng lưới VTHKCC những tuyến xe buýt cỡ nhỏ dưới 24 chỗ nhằm phù hợp với điều kiện hạ tầng chật hẹp ở vùng lõi của các thành phố, tăng cường kết nối các khu vực trung tâm với các tuyến buýt chính, từ đó nâng cao tính hấp dẫn của loại hình VTHKCC đối với cộng đồng.
Giá vé minibus sẽ chỉ bằng tiền gửi xe
Về tính khả thi của việc triển khai minibus tại Hà Nội, TS. Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia nhấn mạnh: Khả thi hay không là do cách thức và quyết tâm triển khai.
“Triển khai minibus cần chú trọng tới luồng tuyến, bảo đảm chạy qua các khu vực phát sinh thu hút lớn nhu cầu đi lại (dân cư, trường học, bệnh viện, công sở, đầu mối giao thông, trung tâm văn hóa…), giao cắt với nhiều tuyến buýt cũng như các tuyến đường sắt đô thị, xe buýt nhanh BRT hiện nay của Hà Nội. Kế đó, cần đồng bộ về thời gian với các tuyến buýt khác, tần suất chạy xe lớn và ổn định, miễn phí”, ông Minh gợi ý.
Cho rằng minibus sẽ đóng vai trò là tuyến gom, Thạc sỹ Vũ Anh Tuấn (Đại học GTVT) nói: Để tuyến gom hoạt động hiệu quả phải có những tuyến chính và không gian cho xe minibus hoạt động. Ngoài ra, cần xem xét quy hoạch cả những tuyến gom để làm sao tránh sự chồng chéo và phát huy tốt nhất hiệu quả loại hình phương tiện này.
Hoàn toàn thống nhất, ông Vũ Văn Viện nói: Mục đích tổ chức các tuyến minibus là để thu gom, trung chuyển hành khách từ các khu vực đường có mặt cắt ngang hẹp, các khu đô thị ra các trục chính của hệ thống xe buýt thành phố. Việc đưa vào hoạt động các xe minibus sẽ góp phần cải thiện dịch vụ, giảm khoảng cách đi bộ từ nhà đến trạm xe buýt, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ xe buýt.
Ông Viện cũng liệt kê những khu vực phù hợp triển khai loại hình minibus như: Times City, Splendora, An Khánh, Ciputra, Việt Hưng, Văn Quán, Sài Đồng, Đặng Xá, Mỹ Đình, Pháp Vân - Tứ Hiệp... Cùng đó là các khu phố cũ, phố cổ thuộc 4 quận nội thành có các lộ trình nhỏ hẹp như: Nguyễn Huy Tưởng, Hạ Đình, Lương Thế Vinh, Chiến Thắng, Khương Trung, Phúc Diễn, Vũ Ngọc Phan, Hoàng Ngọc Phách, Nguyên Hồng, Thành Công, Trích Sài, các tuyến đường mới mở ven sông Lừ, Quảng An…
Thông tin thêm, ông Viện cho hay, dự kiến minibus sẽ là các xe cỡ nhỏ từ 12 đến 16 hành khách. Tần suất hoạt động sẽ được bố trí phù hợp, đảm bảo nguyên tắc hành khách không phải chờ đợi quá lâu.
Đặc biệt, giá vé trên các tuyến minibus cũng rất hợp lý, phù hợp với những chuyến đi có cự ly ngắn, đảm bảo có thể cạnh tranh với các loại hình vận tải hành khách khác như xe ôm, Grab bike... và thấp hơn so với xe buýt thông thường.
“Giá vé ở mức tương đương giá vé gửi xe máy của người dân tại các điểm trông giữ xe, do vậy có thể thu hút người dân chuyển từ xe máy sang sử dụng phương tiện công cộng”, ông Viện tiết lộ.