Khánh Hòa: Cần nâng cấp hạ tầng xe buýt

Thứ hai, 28/01/2019 12:01
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Lượng khách đi xe buýt hàng năm liên tục sụt giảm, trong khi đó, hạ tầng cho loại hình phương tiện này lại đang xuống cấp càng làm cho việc thu hút khách hàng gặp khó.

6 tuyến xe buýt nội thị TP. Nha Trang và 2 tuyến ngoại thành là Diên Khánh, Khánh Vĩnh được Công ty TNHH Quyết Thắng Khánh Hòa vận hành từ năm 2014. Có 44 đầu xe phục vụ cho các hành trình, được doanh nghiệp đầu tư mới. Hiện nay, mỗi ngày Công ty tổ chức 465 chuyến xe buýt nội thị và 50 chuyến ngoại thành.

Nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng làm nơi bán cà phê cóc.

Ông Nguyễn Thành Đức - Giám đốc Công ty TNHH Quyết Thắng Khánh Hòa cho biết, xe của công ty là xe mới, có lắp điều hòa, bảo đảm vệ sinh sạch sẽ; không chỉ vậy, nhân viên phục vụ cũng được đào tạo bài bản từ tác phong ứng xử đến xử lý tình huống khi có bất trắc xảy ra. Bên cạnh đó, 4 năm qua, giá xe buýt của đơn vị đưa ra đều thấp hơn giá trần quy định của Sở Giao thông vận tải. Nhận thấy giá vé là yếu tố quan trọng nhất để thu hút khách hàng, công ty có nhiều chính sách giá linh động để phù hợp với từng đối tượng khách (vé lượt, tháng) và tuyến đường (liên tuyến, chặng). Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, mức sống người dân thành phố được nâng cao, lượng khách đi xe giảm nhanh với tốc độ khoảng 10 - 15%/năm.

Lượng khách sụt giảm, trong khi hạ tầng cho loại hình phương tiện này hoạt động lại thiếu, yếu, xuống cấp. Theo lãnh đạo công ty, hiện rất nhiều điểm dừng, đón trả khách không có mái che, bất tiện cho hành khách cả mùa mưa lẫn mùa nắng, như điểm ở Hòn Một, cầu Hà Ra, Làng Trẻ em SOS, ngã ba Hòn Dung… Không chỉ vậy, việc vệ sinh một số điểm có nhà chờ cũng không đảm bảo, nhiều điểm nhếch nhác, mất vệ sinh, gây phản cảm với dịch vụ xe buýt. Ngoài ra, một số nơi vỉa hè, nhà chờ, điểm dừng đỗ xe buýt bị người dân chiếm dụng, làm cản trở hành khách tiếp cận với xe buýt. Biển báo là yếu tố chỉ dẫn thông tin cho khách tiếp cận nhưng hiện tại chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay, khá nhiều cột biển báo gỉ sét, sơn bong tróc, chữ không rõ, một số nơi còn bị che khuất bởi cây cối hoặc trụ điện, rất khó đọc thông tin.

Được biết, theo Quyết định 30 của UBND tỉnh Khánh Hòa ban bành cuối tháng 8/2018 về cơ chế ưu đãi trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân liên quan thì hạ tầng phục vụ xe buýt do địa phương xây dựng, phía doanh nghiệp chỉ đầu tư phương tiện để vận hành. “Tôi nghĩ nên có chính sách xã hội hóa để lấy nguồn thu quảng cáo tại nhà chờ xe buýt làm nguồn kinh phí duy tu, nâng cấp hệ thống nhà chờ. Để hoạt động của xe buýt phát huy tối đa ưu điểm cơ động, có thể thay đổi linh hoạt phù hợp với tình hình giao thông đường bộ cũng như hành khách, phía công ty rất mong địa phương quan tâm, sớm đầu tư hạ tầng giao thông cho loại hình này. Về phía doanh nghiệp dự kiến giai đoạn 2019 - 2021, sẽ triển khai xây dựng trụ sở mới tại khu vực đèo Rù Rì, với tổng kinh phí khoảng 30 tỷ đồng để phục vụ hành khách”, ông Đức chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa, nhận thấy những bất cập trong quá trình vận hành xe buýt, đặc biệt là hạ tầng thiếu yếu, vừa qua sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát, lập dự toán sửa chữa hạ tầng 6 tuyến xe buýt nội thị; việc sửa chữa, duy tu này sẽ thực hiện trong năm 2019. Sở cũng đã phối hợp với các đơn vị hoàn thành việc đề xuất điều chỉnh các tuyến xe buýt nội thị theo chỉ đạo của UBND tỉnh để phù hợp với cơ sở hạ tầng giao thông.

hoavt

Nguồn: Báo Khánh Hòa

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)