Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 60/2017/TT-BTC về hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng, thanh toán và quyết toán kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ.
Thông tư nêu rõ quỹ bảo trì đường bộ là quỹ của Nhà nước, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ quản lý,
sử dụng kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ. Ảnh: Tiến Hiếu/TTXVN
Nguồn kinh phí của Quỹ Bảo trì đường bộ bao gồm nguồn kinh phí của quỹ trung ương và nguồn kinh phí của quỹ địa phương; trong đó, quỹ trung ương gồm: Ngân sách trung ương cấp từ nguồn thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách trung ương (65% tổng số dự toán thu phí sử dụng đường bộ cả nước); ngân sách trung ương cấp bổ sung cho quỹ trung ương; các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
Nguồn kinh phí của quỹ địa phương, gồm ngân sách trung ương cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương từ nguồn thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách trung ương (35% tổng số dự toán thu phí sử dụng đường bộ cả nước); ngân sách địa phương cấp bổ sung cho quỹ địa phương; các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn khác theo quy định của pháp luật. Kinh phí quản lý, bảo trì quốc lộ do quỹ trung ương bảo đảm; kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ địa phương do quỹ địa phương bảo đảm.
Quy định về cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước cho quỹ trung ương trong quý đầu năm kế hoạch thì căn cứ vào dự toán chi thực hiện công tác bảo trì, quản lý công trình quốc lộ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Hội đồng quản lý quỹ trung ương có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải để Bộ này đề nghị Bộ Tài chính cấp kinh phí vào tài khoản của quỹ trung ương, tối đa 25% dự toán chi năm.
Trong các quý tiếp theo, căn cứ tiến độ triển khai công việc và giải ngân kinh phí, mức cấp quý II tối đa là 35% và quý III tối đa là 20% dự toán chi năm, quý IV tối đa là số dự toán chi còn lại của năm.
Trường hợp cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước cho quỹ địa phương, đối với phần bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho quỹ địa phương: Hàng năm, căn cứ vào dự toán chi bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được Bộ Tài chính thông báo cho từng địa phương, Sở Tài chính thực hiện cấp phát kinh phí cho quỹ địa phương theo kế hoạch được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt
Đối với phần bổ sung từ ngân sách địa phương cho quỹ địa phương thì Sở Giao thông Vận tải thống nhất với Sở Tài chính trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức cấp cụ thể từ nguồn ngân sách địa phương bổ sung cho quỹ địa phương.
Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hình thức cấp phát, tiến độ cấp phát kinh phí hàng quý cho quỹ địa phương phù hợp với yêu cầu của địa phương.
Thông tư số 60/2017/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2017 và áp dụng từ năm ngân sách 2017. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu tại thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để kịp thời giải quyết.