Qua 30 năm xây dựng và phát triển, Cục Quản lý đường bộ II (QLĐB) đã không ngừng đổi mới công nghệ nhằm giữ các tuyến đường quản lý luôn an toàn
30 năm xây dựng và phát triển
Chiều ngày 20/12, Cục QLĐB II (Tổng cục đường bộ Việt Nam) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm xây dựng và trưởng thành, kết hợp với Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam trao quà lưu niệm,
ghi nhận thành tích "30 năm xây dựng và phát triển" cho cán bộ, lãnh đạo Cục QLĐB II
Cục QLĐB II có tiền thân là Liên hiệp QLĐB IV; từ năm 1991 - 2013, chuyển tên thành Khu QLĐB IV.
Ngày đầu, Liên hiệp vừa làm nhiệm vụ xây dựng cơ bản, vừa đảm bảo giao thông các quốc lộ trên địa bàn các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế.
Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện của Đảng và Nhà nước, ngày 29/11/1991, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Nghị quyết số 07 về việc tách nhiệm vụ XDCB và nhiệm vụ quản lý nhà nước các công trình giao thông thành 2 chuyên ngành riêng biệt.
Đến ngày 17/12/1991, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Bưu điện quyết định tách các đơn vị làm nhiệm vụ XDCB và sản xuất công nghiệp thành Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông miền Trung. Sau đó đổi tên thành Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 và nay là Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco4.
Đồng thời, thành lập Khu QLĐB IV trực thuộc Bộ Giao thông - Bưu điện. Sau nhiều lần tách – nhập các đơn vị trực thuộc, đến năm 2013, các Cục QLĐB I,II,III,IV được thành lập trên cơ sở chuyển đổi tổ chức của các Khu QLĐB theo nguyên tắc kế thừa các quyền, nghĩa vụ có liên quan.
Các Văn phòng hiện trường được Khu thành lập từ đầu năm 2013 được chuyển thành các Chi cục QLĐB. Tổ chức Thanh tra giao thông chuyên ngành cũng được sáp nhập vào với Cục, giúp Cục trưởng thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đường bộ, công tác phòng, chống tham nhũng và giải quyết khiếu nại tố cáo.
Khu QLĐB IV là tổ chức sự nghiệp công lập có chức năng quản lý Nhà nước về đường bộ với 5 nhiệm vụ sau: Thừa hành chức năng quản lý nhà nước về đường bộ tại phạm vi quản hạt; tổ chức thực hiện việc duy tu bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ cầu đường bộ được giao quản lý; thực hiện chức trách chủ đầu tư trên các tuyến quốc lộ được giao; đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống; là cơ quan cấp trên trực tiếp của các đơn vị trực thuộc.
Trước năm 1991 Liên hiệp QLĐBIV chỉ được giao trực tiếp quản lý 312 km đường QL1 đoạn từ Dốc Xây (Thanh Hóa) đến Đèo Ngang (Hà Tĩnh). Sau khi thành lập Khu Quản lý đường bộ IV, rồi Cục Quản lý đường bộ II, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hệ thống đường quốc lộ trên địa bàn. Cục đã được Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN giao trực tiếp quản lý 15 tuyến, đoạn tuyến quốc lộ, với tổng chiều dài 2.709 km trong đó có 978 cầu lớn nhỏ thuộc địa bàn 6 tỉnh Bắc Trung bộ từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế.
Với bề dày 30 năm xây dựng, trưởng thành, Cục QLĐB II qua các thời kỳ đã chú trọng xây dựng, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động có trình độ, năng lực chuyên môn cao; có bản lĩnh chính trị vững vàng, có lối sống trong sạch, lành mạnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách vì lợi ích chung…
Không ngừng đổi mới công nghệ để nâng chất lượng duy tu bảo dưỡng đường bộ
Năm 2021 dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, có thời điểm nhiều địa phương thực hiện giãn cách toàn xã hội khiến cho công tác quản lý đường bộ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực và quyết tâm, Cục QLĐB II vẫn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chuyên môn, đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh cho cán bộ, công chức, người lao động.
Cụ thể, năm 2021, Cục đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để tổ chức thực hiện tốt công tác bảo dưỡng thường xuyên đường bộ ở 15 tuyến quốc lộ. Ưu tiên xử lý, sửa chữa kịp thời các hư hỏng bong bật, ổ gà, rạn nứt mặt đường mới phát sinh; bổ sung, hoàn thiện hệ thống ATGT trên các tuyến…
Bổ sung, điều chỉnh 1.360 biển báo các loại, 3.247 cọc tiêu, sơn lại vạch sơn bị mờ, mài mòn 45.494m2, bổ sung thay thế 7.202md hộ lan tôn các loại và 15.153 đinh phản quang tại các vị trí nguy hiểm…; xử lý xong 8 điểm đen và 29 điểm tiềm ẩn TNGT trên đường QL, rà soát lập hồ sơ 15 điểm đen và 11 điểm tiềm ẩn để đề nghị Tổng cục ĐBVN xử lý trong năm 2022.
Về kiểm soát tải trọng xe, tính đến ngày 30/11/2021, Cục đã ban hành 354 quyết định xử phạt VPHC đối với lái xe và chủ phương tiện, phạt tiền 1,84 tỷ đồng.
Ngoài ra, công tác chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; công tác tổ chức thực hiện phòng, chống, khắc phục hậu quả bão lụt và tìm kiếm cứu nạn trên quốc lộ; tổ chức phân luồng đảm bảo giao thông khi có thiên tại; công tác lập và triển khai thực hiện kế hoạch bảo trì đường bộ; công tác quản lý nhà nước đối với các dự án xây dựng theo hình thức BOT…. đều đạt nhiều kết quả tích cực.
Đặc biệt, trong năm vừa qua, Cục QLÐB II đã quan tâm việc áp dụng thiết bị công nghệ mới, cơ giới hóa trong công tác sửa chữa thường xuyên, nhằm từng bước thay thế thực hiện các công việc bằng thủ công truyền thống như trước đây.
Bằng các hình thức khuyến khích và ràng buộc trong hợp đồng nên hiện nay tất cả các nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên đã đầu tư trang bị một số thiết bị như xe dọn vệ sinh măt đường, thiết bị sửa chữa mặt đường bằng tái sinh bê tông nhựa nóng di động để vá ổ gà, sửa chữa các vị trí rạn nứt với diện tích nhỏ...
Qua sử dụng cho thấy rất hiệu quả, đặc biệt đối với thiết bị sửa chữa mặt đường bằng tái sinh bê tông nhựa nóng di động đã cho ra sản phầm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, tốt về chất lượng, đẹp về hình thức; ngoài ra còn góp phần bảo vệ môi trường (hạn chế chất thải răn).
Các đại biểu tham dự buổi lễ
Một số Nhà thầu QL,BTÐB đã chủ động đầu tư thiết bị kiểm tra cầu: Sử dụng các cần vươn bằng điện, thủy lực kết hợp găn camera có độ phân giải cao luồn xuống các vị trí phía dưới dầm câu để quay phim, chụp ảnh kết cầu nhịp, nhằm đánh giá hiện trạng, phát hiện hư hỏng (nêu có) phục vụ công tác quản lý cầu.
Chủ động để xuất áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới vào công tác bảo trì đường bộ như công nghệ Composite, căng dự ứng lực ngoài, khe co giãn Feba, Bê tông tư đầm... trong sửa chữa cầu; công nghệ cào bóc tái sinh nguội, công nghệ Microsurfacing trong sửa chữa mặt đường bê tông nhựa; sử dụng các sản phẩm sản xuất trong nước (khe co giãn thép rằng lược...).
Cục cũng đã xây dựng phòng họp trực tuyến từ cơ quan đến các Chi cục. Số hóa vào kho lưu trữ điện tử gần 500 công trình; 100% văn bản đi đến của Cục được thực hiện trên phần mềm quản lý văn bản và qua trục liên thông có ký số cá nhân, tổ chức. Thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế 1 cửa, các dịch vụ công thuộc thẩm quyền Cục cấp phép đều ở mức độ 3 và 4….
Nhờ sự quyết liệt, đồng bộ nên trong năm 2021, 15 tuyến QL do Cục quản lý không có ách tắc giao thông, TNGT do yếu tố kỹ thuật cầu đường. So với cùng kỳ năm 2020, trên 15 tuyến QL xảy ra 449 vụ TNGT (- 14 vụ, 2,73%), làm chết 154 người (- 30 người, 16,30%), làm bị thương 566 người (- 41 người, 6,75%).
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam đánh giá cao và đặt niềm niềm tin rất lớn với tập thể Cục QLĐBII.
Ông Nguyễn Văn Huyện cho biết, trong nhiều năm qua, Cục QLĐBII là hình mẫu trong công tác quản lý bảo trì đường bộ và công tác ATGT. Đặc biệt là công tác tổ chức thực hiện phòng, chống, khắc phục hậu quả bão lụt và tìm kiếm cứu nạn.
“Khu vực miền Trung năm nào cũng xảy ra mưa lũ lớn khiến nhiều tuyến đường QL bị hư hỏng, đứt gãy. Trong khi các lực lượng cứu hộ cứu nạn khác phải tạm rút vì đường sụt trượt thì lực lượng quản lý đường bộ vẫn bám đường, khắc phục, nhằm thông đường sớm nhất. Tôi vẫn gọi cán bộ, công nhân quản lý đường bộ là chiến sĩ trên mặt trận giao thông”, ông Huyện nói.
Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam cũng đánh giá cao công tác xử lý xe quá khổ quá tải; phối hợp với địa phương bảo vệ hành lang ATGT đường bộ… trong năm vừa qua của Cục QLĐB II.
Về nhiệm vụ năm 2022, Tổng cục trưởng nhấn mạnh: Năm 2022 là năm ứng dụng khoa học và thực hiện Chính phủ điện tử. Vì vậy, Cục QLĐBII phải tiếp tục tăng cường hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi công tác, nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả…