Xuân về, khắp các địa phương trong tỉnh Tuyên Quang tiếp tục có thêm những tuyến đường được thảm nhựa, đổ bê tông trải dài sạch, đẹp, được hoàn thành từ sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, đã tạo nên một diện mạo nông thôn mới thực sự khang trang, rộn rã trong những ngày Tết đến xuân về.
Niềm vui trên những con đường mới
Thôn Rạp, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) những ngày cuối năm, dường như không khí Tết đến sớm hơn. Dọc tuyến đường vào thôn được quét dọn sạch sẽ, bà con chuẩn bị treo cờ Tổ quốc để mừng Đảng, mừng xuân. Trên con đường bê tông mới hoàn thiện và đưa vào sử dụng, Bí thư Chi bộ thôn Rạp Triệu Việt Loan chia sẻ, năm 2022, thôn đã thực hiện được trên 700 m đường bê tông, 20 hộ dân tình nguyện hiến gần 800 m2 đất, giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, bà con nhân dân đóng góp tiền của, ngày công lao động để làm đường. Đến nay, 85% các tuyến đường của thôn đã được bê tông hóa, tạo thuận lợi trong sinh hoạt và đời sống của người dân.
Ông Lục Văn Trung, thôn Rạp, cho biết, trước đây đường vào thôn khó đi, đời sống của bà con cũng vì thế mà gặp khó khăn. Những năm gần đây, từ chủ trương của tỉnh, thôn cũng như toàn xã được hỗ trợ làm đường bê tông. Năm vừa rồi, khi có chủ trương làm đường qua phần đất của gia đình, ông đã tình nguyện hiến 300 m đất thổ canh thổ cư, giải phóng mặt bằng để thi công tuyến đường đúng tiến độ. Có đường bê tông, các thành viên trong gia đình ông đều vui mừng, phấn khởi bởi đã đóng góp xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Đường vào thôn Minh Hà, xã Minh Khương (Hàm Yên) những ngày giáp Tết nhộn nhịp xe ra vào chở nông sản. Minh Hà được thiên nhiên ưu đãi cho đất đai màu mỡ, cũng là thôn có diện tích cây ăn quả lớn nhất xã. Năm nào những vườn cam, quýt, chanh đều trĩu quả. Những năm trước chưa có đường vào vùng sản xuất, việc thu hoạch, vận chuyển hoa quả sau thu hoạch gặp khó, vì thế cũng bị thương lái ép giá. Năm nay, gần 2 km đường bê tông vào vùng sản xuất được xây dựng từ sự đồng thuận hiến đất của 13 hộ dân và hàng nghìn ngày công của các hộ trong thôn.
Cầu và đường bê tông nông thôn tại tổ dân
phố Làng Chùa, thị trấn Lăng Can được khánh thành trước Tết
Bà Vương Thị Bích Ngọc, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Minh Hà chia sẻ: tuyến đường được hoàn thành đúng dịp thu hoạch quả cuối năm, bà con ai nấy đều phấn khởi. Đây sẽ là động lực lớn để bà con phát triển sản xuất, giao thương hàng hóa, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Thôn Cao Bình, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) nay đã không còn xa nữa. Không xa bởi vẫn cung đường ấy, trước đây đi mất gần buổi mới tới thôn giờ thì chỉ vài chục phút chạy xe. Tết năm nay sẽ vui hơn các tết năm trước rất nhiều, gần 80 hộ dân trong thôn sẽ được đón xuân trên con đường bê tông mới chính thức hoàn thiện. Trong làn sương mờ, những cành đào, cành mận e ấp chờ nắng xuân để bung nở càng làm cho tuyến đường mới trở nên đẹp hơn bao giờ hết. Mỗi người dân đều thấy tự hào vì bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, bà con nhân dân đã chung tay, góp sức, hiến đất để tạo nên tuyến đường. Đường mới đã mở, không chỉ giúp bà con thuận lợi trong việc phát triển nông nghiệp hàng hóa mà còn mở ra hướng phát triển mới là phát triển du lịch cộng đồng - Bí thư Chi bộ thôn Cao Bình Lý Tiến Thắng chia sẻ.
Diện mạo mới
Với sự đầu tư mạnh mẽ, đồng bộ, có tập trung, hệ thống giao thông nông thôn toàn tỉnh ngày càng đồng bộ, mở ra nhiều cơ hội, động lực phát triển mới. Đặc biệt là việc tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 55/NQ-HĐND ngày 20/11/2020 về Đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 -2025. Xuất phát từ chủ trương đúng đắn, cùng với công tác tổ chức thực hiện khoa học, chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông trở thành một phong trào rộng khắp toàn tỉnh.
Bà Ma Thị Giáp, thôn Nặm Kép, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) đã ngoài 70 tuổi, ngôi nhà của bà nằm sát con đường vào thôn. Vừa rồi, tỉnh triển khai xây dựng cầu qua phần đất nhà bà, bà đã không ngần ngại hiến đất để cầu được xây nhanh hơn. Không những thế, trong thời gian thi công, bà còn thường xuyên giúp đỡ công nhân thi công, khi thì ấm nước mát, lúc thì rổ dưa chuột từ vườn nhà. Cây cầu và đường bê tông vào thôn là mơ ước của nhiều thế hệ trong bản. Có cầu mới, đường mới, lũ trẻ trong thôn ngày nào cũng được vui vẻ tới lớp, nên bà không ngần ngại hiến đất - Bà Giáp tự hào chia sẻ.
Khắp nơi trong tỉnh đều có những cách làm phù hợp để vừa tranh thủ sự đầu tư của Nhà nước và sự đóng góp của người dân trong làm đường bê tông, làm cầu nông thôn tạo diện mạo mới cho những vùng quê. Đơn cử như tại huyện Yên Sơn, năm 2022 toàn huyện đã thực hiện bê tông hóa được 79 km đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết 55 của HĐND tỉnh, đạt 100% kế hoạch. Trong đó, nhân dân đã tự nguyện hiến trên 30 nghìn m2 đất, đóng góp trên 41 nghìn ngày công lao động, trên 32,7 tỷ đồng làm đường.
Kết quả giám sát của HĐND tỉnh cho thấy, qua 2 năm (2021 - 2022) triển khai thực hiện, đến hết tháng 10/2022 toàn tỉnh đã cung ứng 70.480,11 tấn xi măng, 5.675 ống cống để bê tông hóa được 480,22 km đường giao thông nông thôn, nâng số lượng đường thôn được bê tông hóa lên 2.969 km; đường nội đồng thi công được 237,74 km, nâng số lượng đường nội đồng được bê tông hóa lên 844,02 km. Đồng thời thực hiện thi công gần 80 cầu trên đường giao thông nông thôn.
Trong không khí tết đến xuân về, đến các địa phương trong tỉnh đều được thấy diện mạo mới của những con đường liên thôn, liên xã đã được trải bê tông rộng rãi, trong đó có nhiều đoạn đường do chính người dân tự nguyện hiến đất góp công. Nối tiếp những thành công, năm 2023, tỉnh tiếp tục phấn đấu hoàn thành xây dựng 39 cầu trên đường giao thông nông thôn và thực hiện bê tông hóa 228,8 km đường giao thông nông thôn. Những con đường mới sẽ tiếp tục nối dài thêm niềm vui, tạo nên diện mạo nông thôn khởi sắc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.